Báo cáo nhanh của Bộ Tài chính cho biết, trong tuần lễ Tết Nguyên Đán, tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, lượng hàng hoá dồi dào, sức mua tăng 30-35% so ngày thường nhưng giá cả ổn định.
Trong đó, mặt hàng nông sản chế biến, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng có giá ổn định do nguồn cung dồi dào. Giá thịt bò, gia cầm, hải sản; rau, củ, quả tăng nhẹ do nhưng không đáng kể.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá một số mặt hàng trong ngày 4 Tết như sau: Cải cúc: 10 nghìn/3 mớ, cải xanh: 10 nghìn/3 mớ; nấm kim châm: 12 nghìn đồng/túi; nấm sò: 20-25 nghìn đồng/túi; cá tươi sống dao động từ 100-120 nghìn đồng/kg tùy loại, giá thịt lợn tăng không nhiều…
Tại Nghệ An, nhiều điểm trông giữ phương tiện giao thông phục vụ người dân tham gia lễ hội, vui chơi vẫn ổn định so với ngày thường. Tại đền Chợ Củi (Nghi Xuân – Hà Tĩnh), giá trông giữ ôtô vẫn ở mức 30 nghìn đồng/xe và không giới hạn thời gian.
Tại Hà Nội và một số cửa hàng tại Vinh, nhiều siêu thị và cửa hàng đã mở cửa từ chiều mùng 1 Tết để “lấy ngày”, giá vẫn ổn định.
Theo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịp Tết năm nay, nhiều cửa hàng trên địa bàn phục vụ không nghỉ. Hà Nội có 104 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2 và mùng 3 có thêm 79 địa điểm nữa mở cửa. Từ mùng 4 Tết, tất cả các siêu thị, chợ, cửa hàng kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, xăng dầu sẽ hoạt động bình thường.
Theo đánh giá của Trưởng phòng Điều tiết cung cầu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), về cơ bản, các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm đầy đủ nhu cầu cho người dân.
Theo đó, thị trường sau Tết sẽ không có nhiều biến động lớn đối với các nhóm hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm. Những mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tiêu dùng của người dân hàng ngày giá có thể tăng từ 15 - 20%. Các mặt hàng rau xanh và thịt lợn giá sẽ tăng, nhưng ở mức tăng nhẹ, không biến động quá nhiều.