Tăng trưởng chủ yếu với 3 động lực
Năm 2023, GRDP của TPHCM tăng 5,81% - thấp hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 7,5 - 8%. Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%, tương đương kế hoạch 2023.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu tiếp tục là 3 động lực chính cho tăng trưởng và TPHCM phải có giải pháp cho từng yếu tố này.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu cả nước đạt 43,48 tỉ USD, giảm 8,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,1%).
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, chính sách quan trọng mà chính quyền TPHCM cần chú trọng nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của thành phố tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các thị trường khác mà TPHCM còn xuất khẩu ít như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, trong khi đây là những quốc gia có hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
“TPHCM phải tìm cách trong năm 2024 đa dạng hóa xuất khẩu đến các nước này, đặc biệt là với Ấn Độ - quốc gia được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024. Chắc chắn TPHCM phải dẫn đường cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang” - Tiến sĩ Quang Thắng nói.
Về đầu tư công, năm 2023, TPHCM được giao hơn 68.000 tỉ đồng nhưng dự kiến chỉ giải ngân được hơn 48.500 tỉ đồng (đạt khoảng 70%). Năm 2024, vốn đầu tư công của TPHCM lên đến hơn 79.000 tỉ đồng, tăng hơn 10.000 tỉ đồng so với năm 2023.
Nhìn nhận đầu tư công sẽ vẫn là động lực kinh tế quan trọng của TPHCM, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, để tạo đột phá giải ngân đầu tư công trong năm nay cần sự giám sát định kỳ và đôn đốc giải ngân để đánh giá tiến độ từng đơn vị, gắn kết quả giải ngân với đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, người đứng đầu. Cùng với đó, chuẩn bị hồ sơ, việc thu hồi đất, chuẩn bị mặt bằng ngay từ bây giờ; rút ngắn ít nhất 30% thời gian thực hiện dự án từ khi bắt đầu đến hoàn thành.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh, lúc này cần kích hoạt tiêu dùng nội địa. Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, tiêu dùng nội địa là chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, điều còn thiếu hiện nay là ngành ngân hàng chưa phát triển nhiều kênh về tín dụng để hỗ trợ người mua.
“Vì vậy sang năm 2024, mô hình kinh doanh online và tín dụng mua trước trả sau là 2 vấn đề cần được quan tâm” - ông Vũ nói.
Hành động ngay từ đầu năm
Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TPHCM năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng: Đầu tư công, tiêu dùng, xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện thị trường ẩm thực, mua bán lẻ có dấu hiệu trầm lắng, bị những thị trường khác như buôn bán trực tuyến, livestream cạnh tranh. Bối cảnh đó đặt ra tư duy đổi mới, không chỉ trông chờ vào những cách làm truyền thống.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngay từ đầu năm phải triển khai ngay kế hoạch thực hiện với các giải pháp đột phá.
UBND TPHCM sẽ hoàn thành việc giao nhiệm vụ cho các sở ngành, quận, huyện trước ngày 15.1, trên cơ sở đó các đơn vị, địa phương giao việc đến người thực hiện trong tháng 1.2024.
Đồng thời, triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, chi tiêu công cũng như thúc đẩy đầu tư công, đầu tư nước ngoài, đầu tư xã hội.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2024 thành phố sẽ tiếp tục rà soát để phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho TP Thủ Đức và quận, huyện, với tinh thần tạo sự chủ động cho các địa phương cũng như phát huy trách nhiệm của người đứng đầu.
“Năm 2024, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc triển khai các dự án đầu tư công. Từ đó đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công của thành phố”.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi