Tránh tình trạng "đồng chịu trách nhiệm"
Tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, Bộ giữ trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính nhưng cụ thể vai trò của Bộ Công Thương là "cơ quan quản lý Nhà nước về giá". Bộ cũng đề xuất các bộ, cơ quan liên quan tham gia, phối hợp với các nội dung liên quan, theo "chức năng, nhiệm vụ".
Bộ Công Thương muốn bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô. EVN sẽ cung cấp các số liệu có liên quan để cơ quan này có cơ sở thống kê, đánh giá.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, Tổng cục Thống kê có công cụ, thông tin để đánh giá tác động của giá điện đến chỉ số giá tiêu dùng.
“Các công cụ dùng để thống kê xem xét việc tăng, giảm giá điện tác động như thế nào đến sản xuất, đời sống người dân. Bởi, điện là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, kinh doanh, có tác động diện rộng, do vậy, cần được đánh giá kỹ lưỡng”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, từ trước đến nay khi điều chỉnh giá điện hay giá các mặt hàng khác có ảnh hưởng đến lạm phát thì Tổng cục Thống kê vẫn phối hợp để đánh giá tác động. Tuy vậy, bà Hương cho rằng, “nếu Chính phủ giao, chúng tôi thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ”.
TS Nguyễn Bích Lâm nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thống kê cũng cho hay, việc quy định vai trò, trách nhiệm phối hợp của Tổng cục Thống kê vào trong văn bản pháp luật là không cần thiết. Lý do là dù không quy định vào văn bản pháp luật nhưng có chỉ đạo thì Tổng cục Thống kê vẫn làm.
“Theo tôi, không cần thiết phải đưa nhiều cơ quan ban ngành vào cùng quản lý, điều hành giá điện, bởi khi có vấn đề gì xảy ra rất khó xử lý trách nhiệm tập thể, chỉ cần một bộ chịu trách nhiệm chính là đủ” - ông Lâm nói.
TS Lâm cho hay, vấn đề quan trọng là EVN phải công khai, minh bạch giá thành và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. EVN phải tính đúng giá thành, những khoản không được tính trong giá thành thì không được phép đưa vào và cần gắn trách nhiệm của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý giá vào phần giám sát giá thành sản xuất điện.
Nên giao Bộ Công Thương quản lý giá điện
Ông Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết, việc giao nhiều bộ quản lý, điều hành giá điện rất dễ xảy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm, đến khi có vấn đề gì xảy ra, bộ nọ đẩy trách nhiệm cho bộ kia, cuối cùng không giải quyết được gì.
Theo ông Lâm, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điện năng, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá. Do vậy, nên giao thống nhất việc điều hành giá điện cho Bộ Công Thương. Khi có vấn đề phát sinh hoặc biến động bất thường, có thể phối hợp với các bộ ngành để tham vấn.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng khung giá, cơ chế điều chỉnh, biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ cũng như hướng dẫn lập khung giá phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, phí điều độ. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan này tại dự thảo quyết định. Bộ Tài Chính chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường.
Bộ Tài chính vẫn nên quản lý giá điện
Ở một quan điểm khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, những vấn đề về quản lý chi phí kinh doanh, các khoản chi nên để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giám sát; trong khi Bộ Tài chính giám sát việc điều chỉnh giá điện, mặt bằng giá cả ảnh hưởng ra sao khi giá điện thay đổi.
“Tôi cho rằng việc phân rõ trách nhiệm trong điều chỉnh giá điện là phù hợp, bởi sẽ đúng với chuyên môn hơn là việc Bộ Công Thương quản hết. Quan trọng là cơ chế phối hợp giữa các bên cần rõ ràng, minh bạch. Đồng thời cần làm rõ vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vì đây là cơ quan quản lý trực tiếp về vốn, tài sản, các khoản chi phí của EVN", ông Thịnh nói.