Bức tranh ảm đạm
Tính đến hết quý II/2022, tổng tài sản của Đường sắt Việt Nam đạt hơn 15.000 tỉ đồng, tăng 200 tỉ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức gần 2.230 tỉ đồng và khoản lỗ chưa phân phối hơn 1.850 tỉ đồng.
Lý giải về việc số tiền nợ, lỗ kể trên, đại diện Tổng công ty Đường sắt cho biết, giá nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, năng lực thông qua của tuyến Thống nhất không đáp ứng được yêu cầu của vận tải.
Trong 2 năm trở lại đây, ngoài vận tải khách, Tổng công ty đã chuyển hướng nhiều hơn vào vận tải hàng hóa, trong đó đẩy mạnh các tàu liên vận quốc tế.Trước đó, Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của VNR cho biết, trong năm khối vận tải, vận chuyển hàng hóa tăng trưởng tốt, thực hiện được 5,6 triệu tấn xếp, bằng 110,5% cùng kỳ.
Nhưng sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, chỉ bằng 37,2% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải chỉ đạt 2.262,8 tỉ đồng, bằng 77,8% so với cùng kỳ.
Vì vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của VNR bị giảm sút nghiêm trọng. Doanh thu hợp nhất dự kiến thực hiện được 6.653,7 tỉ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ và đạt 100,9% kế hoạch năm. Nhưng lợi nhuận sau thuế âm 677,6 tỉ đồng.
Chuyến tàu hiếm hoi sáng nước
Ngành Đường sắt Việt Nam hiện có 8 tuyến đường tàu chạy, ngoài tuyến Thống nhất (Hà Nội - Sài Gòn) có 7 tuyến đường tàu Khu, Đoạn bao gồm: Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Kép - Hạ Long, Long Biên - Quán Triều.
Trong đó, tuyến Hà Nội - Lào Cai được hành khách, đặc biệt là du khách nước ngoài lựa chọn di chuyển với độ an toàn cao, thuận tiện đến với khu du lịch Quốc gia Sa Pa.
Điều này hoàn toàn phù hợp với điều chỉnh mới đây của ngành Đường sắt đưa ra, tăng tàu phục vụ hành khách, cụ thể từ 13.10.2022, chạy hàng ngày tàu SP3 xuất phát từ ga Hà Nội lúc 22h00, đến ga Lào Cai lúc 5h55. Từ ngày 14.10.2022, chạy hàng ngày tàu SP4 xuất phát tại ga Lào Cai lúc 21h30, đến ga Hà Nội lúc 5h25.Cùng với đó, duy trì chạy đôi tàu SP1/SP2 trên tuyến Hà Nội - Lào Cai. Tàu SP1 chạy thứ 6 hàng tuần, xuất phát tại ga Hà Nội lúc 21h35, đến ga Lào Cai lúc 5h15. Tàu SP2 chạy Chủ nhật hàng tuần, xuất phát từ ga Lào Cai lúc 20h55, đến ga Hà Nội lúc 4h35.
Đêm ngày 19.10, PV đã có chuyến đi thực tế trên chuyến tàu SP3 - Là chuyến tàu mới được tăng cường chuyến phục vụ du khách khi có nhu cầu về với Lào Cai và thị xã Sa Pa.
Đồng hồ điểm 21h những tốp hành khách rục rịch phủ lấp những hàng ghế chờ tàu nơi sảnh chính của Ga Hà Nội. Chuyến tàu đêm 19.10, đón khoảng 90 hành khách trong đó trên 80% là du khách phương Tây và người Ấn Độ, chỉ một bộ phận nhỏ người Việt lựa chọn chuyến tàu này.
Đến 21h45 những người cuối cùng được nhân viên nhà ga nhắc nhở di chuyển qua các cửa 2A, 2B ra đường ray số 8, nơi tàu SP3 đang chờ lăn bánh.
Trong 10 toa tàu hôm đó, chiếm hơn 1 nửa là những toa giường nằm được thiết kế với nội thất khác nhau. Một số toa được sơn màu ghi đậm của gỗ, trang trí bởi những bắp ngô tạo cảm giác như những nếp nhà sàn đặc trưng vùng núi. Một số khoang lại tối giản theo phong cách hiện đại không màu mè hoạ tiết.
Cùng đi trên buồng 4, toa 1 với PV (tôi), anh Megane (30 tuổi, một kỹ sư quốc tịch Hà Lan) thổ lộ: "Tôi kết hôn với vợ là người Việt, trở lại Việt Nam sau dịch COVD-19 chúng tôi quyết định chọn Sa Pa là nơi nghỉ dưỡng dịp này.
Vợ tôi đã lên Sa Pa trước, cô ấy mua vé tàu cho tôi ngày hôm nay, chọn đi tàu vì di chuyển trên xe khách ở Việt Nam tôi cảm thấy thấy không an toàn".
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi kéo dài từ khi tàu chuyển bánh (22h) đến 23h30, lúc này cuộc hội thoại bị gián đoạn bởi tiếng mời chào mua đồ ăn nhẹ, nước uống từ nhân viên trên tàu.
Rời khoang nằm, dạo một vòng nhưng toa tàu còn mở cửa, có thể nhận thấy độ phủ khách của mỗi toa (4 giường nằm) dao động từ 60 - 70% - Một con số được coi là thành công trong 7 tuyến đường tàu Khu, Đoạn mà Đường sắt Việt Nam (VRN) đang vận hành.Ngoài ra một số toa chứ hàng hoá cũng được kết nối vận chuyển đi trong chuyến đi lần này. Anh V.H.A (nhân viên tại ga Lào Cai) chia sẻ: "Mỗi ngày đi 1 chuyến, nhân viên toa khách và toa hàng hoạt động độc lập với nhau, thu nhập bình quân của chúng tôi bình quân 5 triệu/tháng".
Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Lào Cai Trần Sơn Bình và Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Vương Trinh Quốc đều đưa ra nhận xét: "Tàu hoả đang là phương tiện an toàn nhất để di chuyển từ Hà Nội đến với Sa Pa".