Ông Hoàng Minh Nhật - Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật cho biết, ở lĩnh vực lúa gạo xuất khẩu, năm 2022, ngân hàng Vietcombank đã dành cho doanh nghiệp này hạn mức vốn tăng 20% so với năm trước và 4 lần hỗ trợ lãi suất từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay. Sự hỗ trợ từ phía tổ chức tín dụng (TCTD) được doanh nghiệp đánh giá là hết sức kịp thời, đúng đắn cho đơn vị yên tâm phục hồi, sản xuất kinh doanh. Đây là một ví dụ cho thấy nguồn tín dụng đang được tập trung vào đúng đối tượng, vào các ngành sản xuất kinh doanh.
Ngày 5.12 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD. Trong đó, yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý. Chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, Thống đốc yêu cầu cần thường xuyên làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, thiết lập đường dây nóng để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh, thành phố để được xem xét xử lý.
Nhiều chương trình ưu đãi
Theo ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank, trong giai đoạn 2021-2022, Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi, 2 chương trình giảm trực tiếp lãi suất cho vay đối với khách hàng. Trong đó, có 2 chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và 7 chương trình ưu đãi dành cho các đối tượng là khách hàng lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI, xuất nhập khẩu và khách hàng cá nhân vay tiêu dùng.
Đặc biệt, vừa qua Agribank đã triển khai chương trình giảm 20% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ.
Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, đại diện phía Agribank cho hay đã đầu tư tín dụng vào vùng này hơn 217.000 tỉ đồng, tăng 10,5% so với năm 2021, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Cụ thể, Agribank đầu tư cho vay đối với lĩnh vực nuôi trồng nông, thủy sản là 86.000 tỉ đồng; thu mua, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản là 21.000 tỉ đồng; Xuất khẩu nông, thủy sản đạt 2.400 tỉ đồng.
Phía ngân hàng này cho hay sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng, đồng thời, triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn vay của Agribank.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho hay, VietinBank cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng với mức lãi suất, phí dịch vụ hợp lý. Đồng thời, ngân hàng này sẽ tiếp tục đồng hành cùng khách hàng trong quá trình phát triển, cùng chia sẻ khó khăn, hợp tác trên cơ sở đưa ra các giải pháp, tư vấn tài chính; tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, cung ứng các giải pháp tài chính mới an toàn, thuận tiện; tăng cường công tác dự báo về thị trường để tư vấn, hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp.