Xác lập hàng loạt kỷ lục
Một tuần, chỉ số chứng khoán VN-Index chỉ tăng 12,24 điểm tương ứng mức tăng 0,84%. Xét về con số tuyệt đối cũng như tỉ lệ thì mức tăng này không quá lớn. Tuy nhiên trên thực tế thị trường, theo đà tăng giá và diễn biến qua 5 phiên, mức tăng 0,84% lại nói lên nhiều điều.
Đó là, sàn HoSE nói riêng trong tuần giao dịch và thị trường nói chung, đã có 1 phiên kỷ lục về thanh khoản. Phiên giao dịch ngày 3.11, chỉ riêng sàn HoSE đã đạt thanh khoản hơn 43.208 tỉ đồng. Còn xét cả thị trường trong phiên này, thanh khoản đạt kỷ lục hơn 2 tỉ USD.
Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường mạnh nhất lại rơi đúng vào phiên điều chỉnh, không quá sâu nhưng cũng không quá “nhẹ nhàng”. Trong một tuần giao dịch trên sàn HoSE không có phiên nào dưới 26.000 tỉ đồng về thanh khoản, cho thấy sức mạnh từ thanh khoản có thể hỗ trợ thị trường bứt phá đến nhiều mốc điểm mới của VN-Index. Cụ thể là, sau khi vượt qua mốc 1.452 điểm, VN-Index lại tiếp tục bứt phá khỏi ngưỡng 1.456 điểm vào phiên cuối tuần ngày 5.11.
Tính chung cả tuần, bình quân thanh khoản mỗi phiên trên sàn HoSE đạt hơn 31.950 tỉ đồng, cũng là mức cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam trong 21 năm qua.
Trong 5 phiên giao dịch, có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, và trong những phiên tăng thị trường cũng rung lắc không hề dễ chịu. Nhưng cuối cùng chốt lại, nhà đầu tư vẫn không run tay xuống tiền mua vào nhịp thị trường rung lắc để tối ưu hóa lợi nhuận trong xu hướng đang tăng của thị trường.
Bắt đầu thận trọng
Một tuần giao dịch dù đã mang lại sự hài lòng cho nhiều nhà đầu tư nhưng diễn biến các phiên giao dịch về cuối tuần cho thấy bắt đầu có sự thận trọng khi điểm số VN-Index mỗi lúc càng nhích lên cao, và lực chốt lời cũng không nhỏ.
Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam vẫn giữ quan điểm chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng 1.480-1.500 điểm. Tuy nhiên, trên đường tiến đến vùng kháng cự này, chỉ số khó tránh khỏi rung lắc vì nhà đầu tư sẽ không ngừng chốt lời đối với các mã cổ phiếu đã đạt được kỳ vọng lợi nhuận.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 5.11 còn phát thêm tín hiệu cho thấy, nhóm cổ phiếu trụ hay những nhóm dẫn sóng thị trường như chứng khoán, ngân hàng, địa ốc đều giảm nhiệt. Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã yếu đi xung lực, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại tiếp tục thể hiện vai trò.
Điều đó cho thấy, hành trình đến đỉnh mới vùng 1.480-1.500 điểm thực sự là một thách thức không nhỏ, thậm chí chưa biết liệu chỉ số có đủ động lực để tiến đến đỉnh này hay không. Bởi nhóm ngân hàng, sau một phiên ngày 3.11 bắt đầu lóe sóng cứu thị trường thoát khỏi một phiên giảm sâu, thì trong 2 phiên về cuối tuần đã dần mất điểm trở lại.
Tuy nhiên lúc này, nhiều nhà đầu tư đánh trên nền tảng đã có thành quả về lợi nhuận, dù thận trọng nhưng mức độ tự tin vẫn cao, có thể góp phần giúp thị trường khó có thể giảm quá mạnh.