Theo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), trường hợp “họa vô đơn chí” này sẽ khiến các nhà cung cấp gặp những khó khăn nhất định, song song đó cũng ảnh hưởng đến các truy cập dịch vụ Internet quốc tế của người dùng, đặc biệt là các dịch vụ của những nhà cung cấp không đặt máy chủ tại Việt Nam.
Nguyên nhân sự cố này hiện vẫn chưa được xác định cụ thể. Kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố của tuyến cáp cũng chưa được thông báo rõ ràng.
Tham gia tuyến cáp APG hiện có các doanh nghiệp của Việt Nam gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom.
Băng thông tối đa của tuyến cáp APG lên tới 54,8Tbps, có chiều dài hơn 10.000km được kéo ngang dưới lòng biển Thái Bình Dương.
Trước đó, tuyến cáp quang biển APG nhánh S9 hướng Việt Nam – Singapore cũng gặp sự cố vào lúc 8h15 ngày 30.4.2020.
Và mới đây, vào ngày ngày 14.5, tuyến cáp quang biển AAG (Asia-America Gateway) dài 20.000km kết nối Đông Nam Á với Mỹ cũng bị sự cố gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet quốc tế trên tuyến. Lỗi xảy ra trên nhánh S1H, đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc), có vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 107,7km.
Theo nhà mạng VNPT, các sự cố cáp quang trên có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kết nối quốc tế của các khách hàng trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên với các dịch vụ truy cập Internet trong nước, sự cố của hai tuyến cáp không gây ảnh hưởng bởi những truy cập này trên hệ thống cáp nội địa.
Hiện các ISP tại Việt Nam đang điều hướng chuyển tải một phần hoặc toàn phần lưu lượng Internet đi qua hai tuyến cáp trên sang các tuyến cáp quốc tế đi trên đất liền hoặc các tuyến cáp quang biển khác.