Giới trẻ Việt thích chơi game và làm game
Lê Giang Anh - một gương mặt khá quen thuộc trong giới làm game di động và nguyên là CEO của Joy Entertainment chuyên phát triển game - cho rằng: “Giới trẻ Việt thích chơi game. Với nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói chung và lập trình viên nói riêng dồi dào, Việt Nam có lẽ là quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển game”. Minh chứng cho nhận định của Giang Anh là con số nghiên cứu được Apota công bố năm 2019: Người Việt dành ra 400.000 giờ mỗi ngày chỉ để xem livestream game online. Còn theo Adsota, số người chơi game di động tại Việt Nam đến cuối năm 2020 dự kiến đạt mức 40 triệu người.
Cũng theo Giang Anh, cộng đồng phát triển ứng dụng game di động để đưa lên các chợ ứng dụng quốc tế như App Store của Apple, Play Store của Google hay gần đây là Huawei AppGallery có thể lên đến vài trăm nghìn người. “Tất cả những bạn sinh viên ra trường có khả năng lập trình được thì đều có thể phát triển các ứng dụng trong đó có game” - CEO một ứng dụng di động có trụ sở tại TPHCM cho biết. Tuy nhiên cũng theo vị CEO này, số lượng người “làm thật và ăn thật” không phải là quá nhiều. Nhiều người có thể lập trình, nhưng trong một nhóm có thể chỉ có vài tài khoản để đưa ứng dụng lên App Store hay Play Store mà thôi, và con số thành công về kinh doanh càng ít hơn.
Theo vị CEO, những cá nhân hay nhóm làm game đưa lên chợ ứng dụng quốc tế để kiếm tiền thường có nguồn thu từ nước ngoài chứ rất ít làm bán tại thị trường trong nước. Một điển hình về thành công trong việc làm app game hay giải trí tại Việt Nam hiện nay là Amanotes, một doanh nghiệp khởi nghiệp tại TPHCM. Năm 2020, Amanotes đã đạt mốc 1 tỉ lượt tải đối với các ứng dụng của mình. Lượng người dùng các ứng dụng của Amanotes trên thế giới thường xuyên ở mức từ vài chục đến cả trăm triệu.
Làm ứng dụng game kiếm tiền tỉ/tháng không hiếm
Trong cộng đồng được gọi là “viết phần mềm” cho các nền tảng di động nhưng thực chất là làm các app về game, giải trí... để đưa lên chợ ứng dụng quốc tế, theo Lê Giang Anh, số người có thể kiếm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm như 2 trường hợp Chi cục Thuế Cầu Giấy công bố chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. “Không hiếm người có thể kiếm 1 tỉ đồng mỗi tháng từ viết app game bán trên các chợ ứng dụng quốc tế, nhưng nói vậy cũng không có nghĩa là nhiều”, Giang Anh cho biết.
Trong khi đó, theo vị CEO của ứng dụng di động tại TPHCM từng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực phân phối game di động, các app game đưa lên chợ ứng dụng có thể có các nguồn thu từ phí sử dụng app, nguồn thu quảng cáo, nguồn thu từ phân phối các sản phẩm dịch vụ trong game... Với các đối tượng có lập studio với pháp nhân doanh nghiệp tại Việt Nam phải khai thuế và nộp thuế thì có thể được công khai, lộ diện thu nhập khủng. Tuy nhiên, có những cá nhân, nhóm, làm nhiều sản phẩm, tạo ra hệ sinh thái để quảng bá cho sản phẩm do chính mình làm ra, nguồn thu có thể không nhỏ nhưng rất kín tiếng, họa chăng chỉ trong giới mới biết rõ.
Anh Tưởng Phi Quân, vốn là một trong số vài phóng viên nổi tiếng chuyên viết về thị trường game tại Việt Nam, cho rằng: “Xưa nay tiền vào game vẫn thuộc loại khủng”. Trong khi đó, theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, doanh thu game tại Việt Nam ước đạt khoảng 12.000 tỉ đồng, cộng với ước khoảng trên dưới 300 triệu USD doanh số từ thị trường game lậu.
Theo anh Quân, các nhóm làm game bên cạnh việc đưa lên các chợ ứng dụng quốc tế để phát hành hiện họ còn thiết lập một hệ sinh thái để quảng bá, tiếp thị và tiếp cận người dùng, thậm chí cả tài trợ cho những người nổi tiếng, các chương trình truyền hình nhiều người xem... bên cạnh việc chạy quảng cáo trên mạng xã hội.