Chuyện tình xuyên thế kỷ qua những bức thư tay của nhà văn Vũ Tú Nam

Bích Hà |

Sau gần 70 năm gắn bó, chia sẻ ngọt bùi, ở tuổi 88, vợ chồng nhà văn Tú Nam và Thanh Hương lần đầu trao nhau nhẫn cưới, bởi “ngày xưa thành hôn với nhau trong thời kỳ gian khổ còn không có chiếc nhẫn cưới để trao nhau”. Họ bây giờ - lúc nhớ lúc quên, mắt đã mờ, chân chậm, nhưng vẫn tràn đầy tình yêu sau bao năm trao đổi những lá thư đầu.
Nối dài tình yêu từ những cánh thư tay
Căn nhà của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam - Thanh Hương ở phố Vạn Bảo (Hà Nội) lúc nào cũng gọn gàng. Ở tuổi 88, ông bà vẫn hàng ngày dắt tay nhau đi bộ để giữ gìn sức khỏe. Họ chăm sóc nhau, xưng với nhau “anh - em” rất ngọt ngào, mà không phải ai ở tuổi xưa nay hiếm cũng giữ được tình yêu và sự lãng mạn đó. Họ cũng là cặp vợ chồng hiếm hoi trong làng văn nghệ cùng có chức vụ: Vợ nguyên là Tổng biên tập Báo Phụ nữ, còn nhà văn Tú Nam nguyên là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Vũ Tú Nam chậm rãi kể về mối tình kéo dài 70 năm, bằng sự say mê và nâng niu dành cho người phụ nữ của mình. Đó là vào cuối năm 1948, ông có dịp được nghe một cán bộ phụ nữ rất trẻ thay mặt cho Liên khu IV đứng diễn thuyết động viên bộ đội đi giết giặc, thi đua với hậu phương. Ông còn nhớ, đó là một cô gái mặt tròn, da trắng, mắt sáng, tóc xõa ngang vai. Từ giây phút ấy, cô gái ấy đã làm tim ông xao xuyến.
Sau này, đoàn của ông nhận được lá thư của một cô gái ký tên Phương Thùy gửi ra động viên, nhắc nhở chuyện thi đua. Anh em trong tiểu đoàn giao cho ông thay mặt viết thư trả lời. Những lá thư qua lại từ đó. Mãi sau này, ông mới biết Phương Thuỳ chính là Thanh Hương - cô gái ngày nào từng làm ông xao xuyến. Từ đó, hai người quen thân nhau.
Khi ấy, họ đều đang ở tuổi đôi mươi, là những thanh niên hăng hái tham gia vào cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc. Tình yêu của họ nảy nở từ tình bạn, tình đồng chí và những cánh thư tay. Đến 1.6.1952, hai người đã đính ước với nhau và kết hôn vào 1954. Trong những năm tháng ấy, họ mỗi người một nhiệm vụ, họ ở cách xa nhau về khoảng cách địa lý, song không có khoảng cách của tình yêu. Những bức thư trở thành cầu nối hai con người, hai tâm hồn cùng chung lý tưởng. “Mỗi lần xa nhau là một lời hứa, mỗi lần gặp nhau là một món quà” (trích thư ngày 13.11.1957 của Vũ Tú Nam).
Dù vất vả chăm sóc gia đình để chồng đi phục vụ kháng chiến, lại phải luôn hoàn thành tốt công việc ở báo Phụ nữ, Thanh Hương không quản ngại khó khăn vì tình yêu luôn rực sáng trong tim bà. Trong hàng trăm lá thư bà viết cho chồng có đoạn: “Thương anh, yêu anh - lấy nhau lâu, nhưng sao em không hề thấy tình yêu “già” đi, hay bớt “lãng mạn” đi trong em...”.
Những bức thư được chuyển bằng đường bưu điện hay qua những người thân quen sau hơn sáu mươi năm vẫn còn được giữ gìn đến tận bây giờ. Hai ông bà thỉnh thoảng vẫn mang thư ra đọc lại, tìm về kỷ niệm đã có của đời mình.
“Thư riêng” thành của chung
Những ngày giữa tháng 5, nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương đã có buổi ra mắt sách “Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng” phiên bản tiếng Anh và tái bản sách bằng tiếng Việt. Cuốn sách là tuyển tập những lá thư tình mà hai nhà văn đã viết cho nhau trong suốt quãng thời gian xa cách trong thời chiến. Đó còn là tư liệu lịch sử quý giá về cuộc sống của con người Hà Nội, của một thế hệ nhà văn tâm huyết trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Trong buổi ra mắt sách, Vũ Tú Nam không nói được nhiều, vì xúc động, vì giọng ông đã yếu. Thanh Hương thì minh mẫn hơn, trong suốt sự kiện, bà luôn nắm tay chồng. Ông bà chốc chốc lại trao cho Tú Nam những cái nhìn âu yếm, khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa phải thốt lên: “Tôi lấy vợ đã bao năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa viết cho vợ được bức thư nào. Lần này về tôi nhất định sẽ viết, vì cũng mong có được một tình yêu đẹp như của ông bà”.
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh khi đọc “Hồi ức tình yêu” của vợ chồng nhà văn Tú Nam đã đưa ra nhận xét: “Tôi đọc và tự bảo mình rằng, có lẽ ít có ai ở xứ ta đem xuất bản những bức thư tình riêng tư như thế. Đọc kỹ, tôi mới hay, không chỉ là chuyện tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng mà trong đó chính là tấm lòng, trách nhiệm, cách thức… nuôi dạy các con của hai vợ chồng nhà văn qua những thăng trầm của cuộc sống”.
Đúng là nhà văn Vũ Tú Nam đã phải rất khó khăn mới đi đến quyết định công bố những bức thư riêng và tập hợp chúng thành sách để xuất bản. “Trong thâm tâm, sau khi đọc lại các lá thư, chúng tôi như sống lại những năm kháng chiến, những tấm gương dũng cảm của đồng bào, bộ đội, những kỷ niệm về đồng nghiệp là các nhà văn, nhà báo, đất trời Hà Nội và các vùng quê thân thiết. Đây là một cách chúng tôi cảm ơn cuộc sống, bạn bè và những bà con quần chúng đã giúp chúng tôi nhiều mặt để chúng tôi có thể tồn tại đến hôm nay” - nhà văn Vũ Tú Nam nói.
Còn đối với người mẫu Hà Anh - cô cháu gái của hai nhà văn - những lá thư của ông bà là gia tài vô giá để cô và con cháu trong nhà học tập cách sống, cách trân trọng nhau trong tình yêu, cuộc sống hôn nhân gia đình.
“Thông thường, người ta chỉ hay tôn vinh nhau khi người ấy đã không còn. Nhưng tại sao lại phải vậy? Tại sao chúng ta không bày tỏ lòng yêu thương, biết ơn và trân trọng đối với những người yêu thương của mình ngay khi họ còn ở bên ta? Năm nay ông bà vừa kỷ niệm 63 năm ngày cưới, cũng là đánh dấu trên 60 tác phẩm văn học mà ông bà cùng nhau sáng tác và công hiến trên cả chặng đời” - Hà Anh chia sẻ.
Giờ đây, ở tuổi “xưa nay hiếm”, vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam có niềm vui an ủi tuổi già là sự thành đạt của các con cháu. Đại gia đình của ông bà đã có ba thế hệ cùng làm nghệ thuật với con trai là nhà quay phim Vũ Huy, con gái là dịch giả Vũ Hương Giang và cháu nội là siêu mẫu Hà Anh. Kính trọng và ngưỡng mộ tình yêu đẹp của ông bà, cả gia đình đã cùng góp công sức để tái bản cuốn “Hồi ức tình yêu” (có thiết kế lại) và ra mắt bản dịch sách bằng tiếng Anh. Họ coi đây là món quà dành tặng bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ sau này, để sau khi đọc những lá thư riêng có thể rút ra bài học chung, về giá trị của tình yêu và hạnh phúc.
Hình ảnh thời trẻ của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp

Những bức thư tay úa màu thời gian ấy, giờ đây cũng là gia tài, là bài học vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam truyền dạy cho thế hệ sau về giá trị của tình yêu vĩnh cửu.

Bích Hà
TIN LIÊN QUAN

Truyện tranh đâu chỉ dành riêng cho trẻ con!?

BÙI TRÍ HIẾU |

Hơn hai thập kỷ nay, truyện tranh đã hòa nhập vào cuộc sống giới trẻ Việt Nam và trở thành một thành phần không thể thiếu trong văn hóa giải trí. Nhiều thế hệ đã lớn lên với việc đọc truyện tranh và không ngừng thưởng thức kể cả khi trưởng thành.

Truyện ngắn: Một cuộc rượu

Nguyễn Hồng |

Anh gọi điện bảo khoảng một tiếng nữa anh tới Vinh. Tim cô như có ai đó bóp nhẹ. Thật không anh? Rồi chẳng đợi câu trả lời, vẫn kiểu ngúng nguẩy quen thuộc: “Sao không báo sớm cho em”. Lại dấm dẳng: “Sáng nay không liên lạc được với anh, em chẳng làm được việc gì cho ra hồn cả”. “Anh tắt máy, chỉ mong ngủ một giấc cho đến Vinh mà không tài nào chợp mắt nổi. Tối qua anh cũng không ngủ được, đợi sáng rồi đi luôn, vả lại, thông báo rồi lại thêm một người nữa mất ngủ”. “Ai thèm mất ngủ vì anh cơ chứ”. “Thì mấy lần thế rồi còn gì, không tranh cãi với em nữa. Mà này, em không vui sao”. “Biết rồi còn hỏi”. Giọng giận dỗi. Cô thấy mình như vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ thiên thần. Bao nhớ nhung, đợi chờ bấy lâu cứ thế vỡ oà ra, vẫn cố nén lại mà đanh đá: “Rồi ông sẽ biết tay tôi ông tướng ạ”.

Truyện ngắn: Mùa khơi

HOÀNG HẢI LÂM |

1. Tôi cứ nghĩ rằng, sẽ rất khó khăn cho bản làng Ala khi họ phải rời khỏi nơi đây. Mọi thứ đã được ổn định từ tấm ruộng thâm canh cho đến chuyện quen con đường lên rẫy. Bởi thế, ban đầu đặt chân xuống bản vận động bà con về nơi ở mới họ đã phản ứng bằng cách im lặng.

Hiệu trưởng nói nam sinh trong clip Long Biên chỉ lên an ủi vì cô giáo đang buồn

KHÁNH AN |

Hà Nội - Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) đã tạm đình chỉ giáo viên có hành động thân mật với học sinh ở trong lớp học.

Người nước ngoài thuê NOXH; mua đi bán lại, đẩy giá lên cao

Trần Tuấn |

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng NOXH cho người nước ngoài thuê; bị mua đi bán lại khiến giá bị đẩy lên, người thu nhập thấp khó tiếp cận.

TPHCM công bố đề thi tham khảo vào lớp 10 năm 2025

Chân Phúc |

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã chính thức công bố đề thi tham khảo lớp 10 các môn áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025.

Công đoàn hỗ trợ vé máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết

Hà Anh |

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trực tiếp bóng đá Nam Định 0-0 Bangkok United: Hiệp 1

NHÓM PV |

Trực tiếp trận đấu giữa câu lạc bộ Nam Định và Bangkok United tại Cúp C2 châu Á, diễn ra lúc 19h00 hôm nay (2.10).