Diện mạo giao thông đô thị hiện đại

LAN NHI |

Xe bus điện là một trong những giải pháp mà nhiều quốc gia đang chú trọng phát triển, nhằm giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh từ giao thông, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Không nằm ngoài xu hướng, một số đô thị lớn tại Việt Nam cũng đã bắt đầu đặt ra các mốc thời gian, chuyển đổi mục tiêu sang các phương tiện xanh không phát thải, thông qua việc điện khí hóa mạng lưới xe bus.

Xu hướng tất yếu 

Theo ghi nhận của Lao Động, dù mới chính thức vận hành khoảng 1 năm nay, thế nhưng nhiều người dân trên địa bàn TP.Hà Nội đang dần chuyển đổi thói quen, chuyển sang dùng phương tiện công cộng bằng xe bus điện. Với những tiện ích nổi bật, tần suất 15-20 phút/chuyến, giá vé chỉ khoảng 8.000 đồng/lượt, được trang bị công nghệ hiện đại như wifi miễn phí, USB sạc điện, bảng điện tử thông báo điểm dừng, camera an ninh,... mạng lưới xe bus điện đang dần phủ khắp các tuyến phố, kết nối với khu vực trung tâm nội đô.

Trước đây, chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1990, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường chủ yếu di chuyển bằng phương tiện xe cá nhân. Để tránh giờ tắc đường, chị Nga sẽ phải thức dậy từ rất sớm để kịp giờ đến công ty. Nhưng sau vài lần thử đi làm bằng xe bus điện ở điểm đón gần nhà, chị Nga cảm thấy khá hài lòng vì thái độ phục vụ, những tiện ích trên xe đã được cải tiến liên tục.

Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: "Ngày trước tôi vẫn thường xuyên đi làm bằng xe cá nhân nhưng có vài lần xe trục trặc giữa đường, hoặc có hôm thì sức khoẻ không đảm bảo nên tôi đã chuyển qua sử dụng xe bus điện. Định đi tạm vài hôm thôi nhưng khi sử dụng dịch vụ công cộng này, tôi thấy khá tiện lợi và thoải mái nên giờ đã cùng với mấy chị em trong khu phố chuyển hẳn sang đi làm bằng xe bus điện".

Nếu như trước kia, mỗi khi ra đường chị Trần Thị Ngọc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đều phải trang bị trên xe nào là áo mưa, áo nắng, nón, kính, khẩu trang kín mít. Chưa hết, lúc chạy xe trên đường, nhiều khi chị Ngọc cảm thấy rất căng thẳng vì phải tập trung cao độ để tránh va chạm giao thông. Từ ngày có thói quen đi làm bằng xe bus điện, chị Ngọc cảm thấy đỡ stress, xe di chuyển êm ái mà không có mùi khó chịu. Trong thời gian di chuyển, chị cũng có thể xử lý công việc và không phải mệt mỏi vì khói bụi hay tiếng ồn nữa.

"Nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, tôi đã quen với việc đi làm hằng ngày bằng phương tiện công cộng. Xe bus điện là phương tiện rất phổ biến và được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Việc đưa mạng lưới xe bus điện vào vận hành, mở rộng kết nối, tôi thấy Hà Nội đã bắt nhịp được với xu hướng giao thông trên thế giới. Hằng ngày, khi đi làm và di chuyển bằng xe bus điện, tôi cũng cảm thấy vui vì đã góp phần giảm thiểu tình trạng kẹt xe và khói bụi trong nội thành, đóng góp chung vào nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu" - anh Đặng Thanh Toàn (người thường xuyên sử dụng dịch vụ xe bus điện tại Hà Nội) cho hay.

Cần một lộ trình "dài hơi" 

Ô nhiễm không khí và khí thải từ các phương tiện giao thông đang là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, ô nhiễm không khí là thủ phạm gây ra cái chết của 7 triệu người mỗi năm và 90% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí kém chất lượng. Từ khói mù bao phủ khắp các thành phố cho đến nồng độ bụi trong các gia đình, ô nhiễm không khí đang làm gia tăng tỉ lệ tử vong của các bệnh như đột quỵ, bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

Xe bus điện là một trong những giải pháp mà nhiều quốc gia đang chú trọng phát triển, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lan Nhi
Xe bus điện là một trong những giải pháp mà nhiều quốc gia đang chú trọng phát triển, nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lan Nhi

Tại Việt Nam, cơ quan chức năng và giới khoa học cũng nhận định, giao thông vận tải đang là một trong những hoạt động chủ yếu gây phát thải khí nhà kính lớn thứ 3, chỉ sau ngành năng lượng và nông nghiệp (chiếm 18,38% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển hàng năm). Đặc biệt, quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông còn phát thải lượng lớn các chất độc hại như bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen... ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống, sức khoẻ của người dân.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, để cải thiện chất lượng không khí đô thị một cách bền vững, việc phát triển mạng lưới giao thông xanh là một trong những giải pháp cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác. Xe buýt điện hiện đang là xu thế phát triển của các đô thị lớn trên thế giới, việc xe bus chuyển từ động cơ diesel sang sử dụng điện chỉ còn là vấn đề thời gian. Bloomberg New Energy Finance dự đoán, tương lai xe buýt điện sẽ chiếm đến 60% tổng số xe buýt trên toàn thế giới vào năm 2040.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Có thể khẳng định, cam kết này là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu, đưa Việt Nam hội nhập với khoảng 140 nước trên thế giới cùng thực hiện NetZero vào năm 2050. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khi hậu bằng những hành động cụ thể như thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế, hướng đến đầu tư và sử dụng công nghệ xanh trong mọi lĩnh vực.

Dưới góc độ chuyên gia môi trường, PGS-TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cũng cho biết, câu chuyện phát triển giao thông xanh tại các đô thị lớn ở Việt Nam là một hành trình, bởi để thực hiện được mục tiêu này cần một lộ trình "dài hơi". Phát triển đô thị xanh, không gian xanh sẽ là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng.

Đặc biệt, theo PGS-TS Bùi Thị An, việc thay đổi nhận thức của người dân cũng cần một quá trình, phải song song tích cực giáo dục và truyền thông, để người dân tiếp cận gần hơn với vấn đề giao thông xanh, về những lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt những phương tiện cũ nát, đã quá niên hạn sử dụng...

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức cũng phân tích thêm những khó khăn khi nhân rộng mạng lưới giao thông xanh như còn vướng về thể chế, nguồn lực tài chính, công nghệ chưa hoàn toàn được đảm bảo. Để thực hiện được, TS Nguyễn Hữu Đức đánh giá, cần phải có lộ trình phát triển, nếu không có lộ trình thì không thể thực hiện được những bước tiếp theo.

"Nên chú trọng thực hiện xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích người dân tham gia các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện, đi bộ. Đầu tư phương tiện vận tải công cộng sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe bus nhanh. Với vai trò, vị thế là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước, Hà Nội lại càng phải tích cực đẩy nhanh quá trình xanh hóa giao thông, vừa để phát triển đô thị bền vững, vừa là nhân tố chính, lan tỏa nếp sống xanh ra cả nước" - TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

LAN NHI
TIN LIÊN QUAN

Chuẩn bị khởi công 14 dự án giao thông quan trọng

Minh Hạnh |

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong số 66 dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025, hiện đã có 14 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

Không cấp phép xây cao ốc gây kẹt xe, TPHCM "sửa sai" để cứu vãn giao thông

MINH QUÂN - ANH TÚ |

TPHCM - Tất cả các dự án đầu tư công trình xây dựng như chung cư, trung tâm thương mại trước khi xây dựng phải đánh giá tác động giao thông, nếu không đạt sẽ không được triển khai. Đây là động thái quyết liệt của TPHCM nhằm cứu vãn tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn.

Bầu trời: Vương quốc tương lai của giao thông đô thị

Anh Vũ |

Thị trường hàng không tiên tiến với sự xuất hiện của ôtô bay, máy bay tự hành phục vụ giao thông đô thị được kỳ vọng sẽ có giá trị như lên tới 17 tỉ USD vào năm 2025.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.

Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch huyện Cao Phong

Đặng Tình |

Hòa Bình - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.