Hai vị nho sĩ nổi tiếng “gàn” trong lịch sử

lê tiên long |

Nhà Nho xưa trọng chữ tín, coi lời nói “nặng tự ngàn vàng”, nhưng khăng khăng theo ý mình đến mức bị thiên hạ coi là gàn như các ông Trần Cụ thời Trần, Nguyễn Công Hoàn đời Lê, cũng là hiếm có.

Trần Cụ - thầy gàn được dạy vua

Trần Cụ, quê ở làng Cứu Liên thuộc đất Cửu Cao (nay là xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, Hưng Yên) tuy tính nết khác người nên bị đương thời cho là gàn dở, nhưng do đa tài, nên được vua Trần Anh Tông chọn để dạy dỗ thái tử Trần Mạnh (là vua Trần Minh Tông sau này).

Đại Việt sử ký toàn thư viết: Tháng giêng năm Ất Tỵ (1305), hoàng tử Trần Mạnh được phong làm Thái tử. Bấy giờ có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua Anh Tông sai dạy thái tử các nghề ấy.

Tính cẩn thận của Trần Cụ được mô tả chi tiết trong sử cũ: Cụ mỗi khi sắp đánh đàn, thì trước hết cắt đầu dây, buộc lại cho chặt dây rồi sau mới gảy. Có người hỏi cớ làm sao, Cụ trả lời: “Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào?”.

Còn khi làm cầu thì ông cân nhắc các múi da, cho mười hai múi cân nhau, duy ba múi ở miệng cầu lỗ là chỗ bỏ cái bong lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ, để cân với sức nặng ở đầu bong bóng, cho nên khi đá cầu, múi nào ở trên đến lúc rơi xuống đất lại nguyên như cũ, không bao giờ chuyển khác.

Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ “đinh” không thành, chữ “bát” không ngay. Còn ông thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người: “Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?”.

Trần Cụ là người tuân thủ nghiêm chỉnh chữ “chính” trong đạo Khổng, như trong Luận ngữ viết: “Chiếu trải không ngay thẳng, thì không ngồi, thịt cắt không vuông vắn thì không ăn”.

Nhà ông ta ở và thuyền ông ta đi, đều có hai cửa đối nhau, xếp đặt, bày biện các thứ cũng cân đối và phải ngay ngắn, vì là bản tâm như vậy, cho nên biểu hiện ở mọi việc làm cũng như vậy.

Trần Cụ tuy quê ở Cứu Liên, nhưng không rõ vì lý do gì lại có mối hận với dân Cứu Liên, thề rằng chân không giẫm lên đất ấy nữa. Ông làm quan ở kinh thành, khi trở về Cứu Liên thì đi thuyền, đến khi lên bộ thì đi kiệu vào cửa, tới tận giường mới xuống kiệu, thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường. Khi nào chơi xem vườn ao thì sai người khiêng giường đến chỗ đó, hết hứng thì trở về, lại ngồi kiệu, lên thuyền... Cứ như thế cho đến hết đời, vẫn chưa hề giẫm một bước xuống đất Cứu Liên. Ông ta giữ lòng bền rắn một mực như vậy, đời xưa gọi thế là người gàn.

Tuy nhiên, cái gàn của Trần Cụ không ảnh hưởng đến ai, cũng không thấy ghi dân xã Cứu Liên phản ứng gì, chỉ là một sự lạ mà nhà chép sử xưa cũng phải ghi lại để người sau biết.

Nguyễn Công Hoàn - không chịu ai là tài hơn

Ông Nguyễn Công Hoàn người làng Cổ Đô huyện Tiên Phong (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội), là thân phụ ông Thượng thư Nguyễn Bá Lân. Ông học giỏi có tiếng, được liệt vào “tứ hổ” ở kinh thành Thăng Long xưa, được người đời ca tụng “nhất Quỳnh, nhị Nhan, tam Hoàn, tứ Tuấn”.

Sách Tang thương ngẫu lục của hai tác giả Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án viết: Ông có tiếng văn hay lẫy lừng trong một thời; đối với ai ông cũng nhã nhặn lịch sự, nhưng về chữ nghĩa thì không nhường ai bao giờ cả, đó là cái thiên tính như vậy.

Ông Lê Anh Tuấn người cùng huyện, thủa nhỏ với ông là bạn vong niên. Gặp kỳ khảo ở huyện, ông Lê trúng nhất, ông trúng thứ hai. Ông đem văn ra so sánh, nhất định không chịu là mình kém. Ông Lê đỗ rồi làm quan, ông không chơi với nữa.

Con ông là Bá Lân thủa nhỏ học giỏi văn hay, tài năng suýt soát với ông, ông thường cùng ganh thi hơn kém. Ông Lân cố tránh thì bị ông đánh chửi. Một lần hai cha con thả thuyền ở giữa dòng sông để làm văn thi, bảo hễ ai văn kém thì phải ném xuống sông. Văn làm xong, của ông hơi kém, liền nhảy xuống sông tự trầm thật; ông Lân khóc lóc lôi vớt lên.

Một lần ông đến thăm quan Tể tướng Nguyễn Công Hãng (tuy cùng họ Nguyễn Công nhưng ông Hãng quê ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), đến cổng ông đã réo ngay tên. Người canh cổng vào báo, ông Hãng lật đật chạy ra đón rước. Ông Hãng xin ông làm thơ chủ đề Lưu, Nguyễn vào Thiên Thai, trong tiệc ông làm thành sáu bài, còn truyền ở đời.

Khi ông Nguyễn Bá Lân thi đỗ Hội nguyên, thì cả hai cha mẹ đều còn. Các bạn đỗ đồng khoa đến họp cả ở làng Cổ Đô để mừng. Ông Hoàn mặc bộ quần áo quê mùa ra tiếp khách, cười mà nói rằng:

- Thằng Bá Lân nhà tôi mà nó đỗ đầu thì ra thiên hạ vô nhân thật.

Lúc ông Lê Anh Tuấn làm tể tướng, ông Lân vì việc công bị lỗi, nghĩ phải nhờ cha đi nói hộ thì không thể gỡ được, bèn nói với cha. Nhưng ông Hoàn mặc kệ không nói gì. Cả họ khóc lóc van nài, ông mới khẽ gật đầu một cái. Rồi ông đi chân không đến dinh quan Tể tướng, lội qua hồ mà vào, để chân bê bết những bùn vào ngồi chỗ công sảnh, hỏi “tướng công có nhà không?”. Tể tướng Lê Anh Tuấn áo đai chững chạc ra đón mời. Ông chỉ nói:

- Vì chuyện thằng bé nhà tôi nên phải đến quấy quả cố nhân, một tiếng nhận nhời giá trọng nghìn vàng, tưởng tôi không phải nói lắm.

Ông Lê vâng lời thì ông liền đứng dậy ra về, vị Tể tướng cố nài bạn cũ thư thả nói chuyện vài câu, ông nhất định không ở.

Tuổi ông càng cao, sức học càng sâu rộng. Nghe ở huyện Thanh Trì có một người học trò tập văn trường Quốc Tử Giám lần nào cũng trúng giải nhất, bèn dò tìm đến tận nơi. Đêm khuya vào làng, vì đường quanh co, ông bèn lội thẳng qua ao, đến gõ cổng nhà người học trò mà nói:

- Ta là Nguyễn Công Hoàn đây. Có giỏi thì làm văn thi với ta nào.

Người học trò lật đật đi ra, nói nhún nhường từ chối, ông vẫn không nghe. Người ấy xin khất đến kỳ văn trường Giám, ông mới trở về. Sau ông làm bài thi, luôn mấy kỳ chiếm được giải nhất trường Giám, ông mới về Sơn Tây.

Ông Nguyễn Công Hoàn cả đời chỉ làm nghề dạy học, không ra làm quan. Con ông, Nguyễn Bá Lân thì làm quan cho nhà Lê trải các chức Tả chấp pháp ở Bộ Hình, lưu thủ trấn Hưng Hóa, đốc trấn Cao Bằng. Sau ông Lân được gọi vào phủ Chúa Trịnh giữ chức Bồi tụng, tước Lễ Trạch hầu, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Sau khi về hưu, ông còn được vời ra làm Thượng thư bộ Lễ, rồi Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, được liệt vào bậc Ngũ lão hầu. Khi ông mất được tặng chức Thái tể, tước Quận công.

Nhờ con làm quan to, ông Nguyễn Công Hoàn cũng được triều đình ban các tước vị như Đại lý tự thừa, Hiển cung đại phu, Đông Các đại học sĩ, Kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện Thừa chỉ... theo tục lệ ngày trước.

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Bắt giam Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

TRUNG DU |

Thái Bình - Ông Vũ Văn Hạnh (54 tuổi), Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Mục sở thị phố ẩm thực Hàn Quốc ngay giữa Hà Nội

Linh Boo |

Ghé khu K-Town ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), du khách có thể thưởng thức ẩm thực tại những quán ăn chuẩn vị Hàn Quốc, và đứng “đâu cũng có ảnh đẹp”.

Tất cả mẫu nước sau vụ vỡ đập thải ở Bắc Kạn đều không đạt

Việt Bắc |

10/10 mẫu nước lấy tại Tuyên Quang xét nghiệm sau vụ vỡ đập bùn thải của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đều không đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sinh hoạt.

Thông tin chính thức vụ thân mật trong lớp học ở Long Biên

KHÁNH AN |

Hà Nội - Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, cô giáo xuất hiện trong clip ở Long Biên ít kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém.

CLB Hoàng Anh Gia Lai bị Đà Nẵng cầm hòa trên sân khách

NHÓM PV |

Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai chỉ có 1 điểm sau trận hòa 1-1 trước SHB Đà Nẵng trên sân Hòa Xuân tại vòng 4 LPBank V.League 2024-2025 tối 3.10.

Giải cứu bé 5 tuổi bị đối tượng tâm thần dùng dao kề cổ

Tô Công |

Phú Thọ - Lực lượng Công an huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ để giải cứu cháu bé 5 tuổi bị người đàn ông tâm thần dùng dao khống chế.

Bám trụ giữa bom rơi đạn lạc ở miền nam Lebanon

Bùi Đức |

Trong bối cảnh hàng nghìn người dân phải di tản vì chiến tranh khốc liệt ở miền nam Lebanon, vẫn có một người đàn ông ở lại để cưu mang những con vật bị bỏ rơi.

Bất cập thi học sinh giỏi cấp trường ở chuyên Lam Sơn

Xuân Hùng |

Thanh Hóa - Thay vì lên kế hoạch, công khai trước khi thi chọn học sinh giỏi cấp trường thì Trường chuyên Lam Sơn lại thực hiện theo kiểu "tiền trảm hậu tấu".