Khi trào lưu ngày càng nở rộ

trí minh |

Nghiên cứu, phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia đang trở thành một trào lưu ở ngân hàng trung ương các nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về tính cạnh tranh của đồng tiền này so với các loại tiền điện tử khác và hiệu quả mà nó mang lại cho nền kinh tế.

“Ôm mộng" tiền kỹ thuật số

Theo báo cáo từ Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), Ngân hàng Trung ương các nước đang thiết kế hai mô hình tiền kỹ thuật số quốc gia chính, bao gồm tiền kỹ thuật số bán lẻ (dùng trong các hoạt động thanh toán của người dân) đang chiếm ưu thế tại các nền kinh tế mới nổi. Ngược lại, các dự án tiền kỹ thuật số bán buôn (dùng trong thanh toán liên ngân hàng) có xu hướng trội hơn tại các nền kinh tế phát triển.

Cũng theo thống kê từ báo cáo trên, với việc đã chính thức tung ra đồng tiền tiền kỹ thuật số, Bahamas và Campuchia đang là hai nước có điểm số cao nhất ở mảng tiền kỹ thuật số bán lẻ, trong khi đó dự án của Trung Quốc mới đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Đồng thời, đến nay mới chỉ có 23% số dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương triển khai đạt tới giai đoạn thực thi, và có tới gần 70% dự án tiền kỹ thuật số bán buôn đang chạy thử nghiệm.

Tại Campuchia, Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) bắt đầu nghiên cứu tiền kỹ thuật số vào tháng 6.2018, dự án này mang tên “Bakong”. Đồng tiền kỹ thuật số Bakong chính thức ra mắt vào tháng 10.2020. Dự án hiện liên kết 11 ngân hàng thương mại trong nước và các tổ chức xử lý thanh toán. Kể từ tháng 10.2019, NBC đã bắt đầu thử nghiệm ví kỹ thuật số cho các giao dịch xuyên biên giới với Maybank, một ngân hàng có trụ sở tại Malaysia, cho phép công dân Campuchia làm việc tại Malaysia có thể chuyển tiền sang Campuchia với chi phí thấp hơn so với trước đây.

Vào tháng 8.2021, NBC công bố Maybank Malaysia trở thành đối tác chuyển tiền quốc tế đầu tiên. Mục đích của Bakong là tăng cường tài chính toàn diện ở một quốc gia mà hầu hết người dân không quen với việc sử dụng tài khoản ngân hàng nhưng tần số sử dụng điện thoại di động lại cao. Dự án cho phép thực hiện các giao dịch điện tử liên ngân hàng, các giao dịch trong thời gian thực và thúc đẩy các giao dịch bằng đồng Riel Campuchia, so với ngày nay khi phần lớn các giao dịch sử dụng USD. Bakong sẽ hỗ trợ phát triển ngành tài chính tại các vùng nông thôn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hứa hẹn sẽ cung cấp các sản phẩm cho vay dành riêng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong năm 2020, Chính phủ Thụy Điển đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của việc quốc gia này sẽ chuyển sang sử dụng tiền kỹ thuật số thay cho tiền mặt. Phía Bộ Tài chính nước này thông báo, Thuỵ Điển đã cho triển khai một cuộc thử nghiệm quy mô lớn liên quan tới sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số. Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đang chạy một dự án thử nghiệm với Công ty tư vấn quốc tế Accenture Plc để đưa vào giới thiệu đồng Krona điện tử dựa trên cùng một công nghệ blockchain.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, tiền kỹ thuật số đang trở thành một xu hướng nổi lên hàng đầu ở các ngân hàng trung ương. Nhiều thông báo từ phía cơ quan tài chính của Liên minh Châu Âu, Pháp, Nga đã cho biết về nghiên cứu, phát triển một loại tiền kỹ thuật số quốc gia.

Dấu hỏi về tính cạnh tranh

Trên thực tế, trước khi đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương các nước phát hành, đã có hàng loạt các đồng tiền điện tử lưu hành phổ biến trong giới kiếm tiền online như bitcoin, ethereum,... Ứng xử của các của gia với phần còn lại này cũng khác nhau. Theo các chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam, có thể chia làm 3 nhóm chính bao gồm nhóm nước dung hòa, nhóm nước từ chối và nhóm nước cấm triệt để tiền điện tử.

Cụ thể, nhóm nước dung hòa là nhóm chiếm số lượng đông nhất, đồng thời cũng là nhóm có những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin trên thế giới. Nhìn chung, phản ứng của nhóm này là không cổ vũ giao dịch tiền điện tử, tiền kĩ thuật số. Nhưng các quốc gia này cũng không cấm đoán tiêu cực mà chỉ đưa ra các chính sách để truy thu thuế và các biện pháp nhằm giám sát, giảm thiểu khả năng buôn lậu hay rửa tiền thông qua tiền kỹ thuật số. Một vài cái tên có thể điểm ra như: Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore,...

Trong khi đó, với nhóm nước từ chối tiền điện tử, tại các quốc gia thuộc nhóm này, dù không cấm hay coi hành vi giao dịch tiền điện tử là bất hợp pháp nhưng giới chức sở tại có quan điểm thiếu thiện cảm với loại tiền này. Các chính sách kinh tế được đưa ra trên cơ sở giảm thiểu hoạt động giao dịch tiền điện tử bao gồm: Nga, Ấn độ, Brazil và các nước thuộc khu vực Nam Á, Trung Đông.

Còn đối với nhóm nước cấm triệt việc sử dụng tiền điện tử, có thể kể ra như Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh,... Điểm chung của các quốc gia này là tiền điện tử không được coi là một loại tiền tệ và lý do cấm hầu hết đều nhằm bảo hộ đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức độ cấm ở các quốc gia cũng không giống nhau. Chẳng hạn, Iceland cấm mua tiền điện tử nhưng không cấm "đào tiền". Tại quốc gia này vẫn có những doanh nghiệp đào Bitcoin lớn trên thế giới.

Hay như tại Việt Nam, trước thời điểm Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng, thí điểm tiền kỹ thuật số, loại hình này không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp và việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 150-200 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhiều dấu hỏi được đặt ra về tính cạnh tranh của tiền kỹ thuật số quốc gia do ngân hàng trung ương phát hành với các đồng tiền điện tử đã xuất hiện trước đó. Trả lời PV Lao Động, một chuyên gia kinh tế, cho rằng điều đó sẽ "phụ thuộc vào cộng đồng sử dụng và chưa thể trả lời được" trong thời điểm này.

Trong khi đó, Theo tờ New York Times, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Boston Eric Rosengren cho biết, ông không thể thấy tương lai lâu dài cho Bitcoin (đồng tiền kỹ thuật số có giá trị nhất thế giới), khi mà các ngân hàng trung ương cũng đang có kế hoạch ra mắt những đồng tiền điện tử riêng.

"Một số ngân hàng trung ương sẽ có tiền điện tử riêng. Khi đó, không rõ lý do gì để mọi người sử dụng Bitcoin nữa, trừ các nền kinh tế ngầm. Theo thời gian, giá của Bitcoin sẽ chịu áp lực lớn hơn" - ông Rosengren nói. Ông Rosengren cũng lưu ý rằng, Trung Quốc và Thụy Điển đều có quan điểm tốt về tiền tệ kỹ thuật số và FED cũng đang nghiên cứu khả năng này cho Mỹ.

Theo giới chuyên gia, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường.

Ngoài ra, đồng tiền kỹ thuật số quốc gia còn nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới; hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số.

Không những vậy, tiền kỹ thuật số sẽ tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện; góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tham nhũng, hacker và tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.

trí minh
TIN LIÊN QUAN

Tiền kỹ thuật số quốc gia có thể cạnh tranh với các loại tiền điện tử khác?

ĐÌNH TRƯỜNG |

Nhiều dấu hỏi được đặt ra về tính cạnh tranh của tiền kỹ thuật số quốc gia được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu triển khai so với các đồng tiền điện tử khác đang tồn tại trên thị trường hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất cơ chế về tiền kỹ thuật số quốc gia

TRÍ MINH |

Ngày 20.12, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Triệt phá tổ chức rửa tiền bằng tiền kỹ thuật số gây chấn động

Bảo Châu |

Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc đã triệt phá một tổ chức rửa tiền bằng tiền kỹ thuật số trị giá 155 triệu USD.

Viên kim cương quý đầu tiên được đấu giá bằng tiền kỹ thuật số

Phương Linh |

Một viên kim cương quý hiếm dự kiến sẽ được hãng Sotheby's mở bán đấu giá có chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số Bitcoin hoặc Ether.

Hôm nay EU công bố kế hoạch lập ví tiền kỹ thuật số chung

Song Minh |

Ngày 2.6, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ công bố kế hoạch xây dựng một ví tiền kỹ thuật số có thể sử dụng trên toàn khối.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.

Người dân TPHCM chật vật lội nước, xe cộ “chôn chân” sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

TPHCM - Tối 7.10, cơn mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, khiến người dân chật vật lội nước và kẹt xe về nhà.

Chủ quán cafe ở Thái Bình "choáng" vì hóa đơn nước quá cao

TRUNG DU |

Thái Bình - Chủ quán kinh doanh cafe tại TP Thái Bình gửi đơn khiếu nại đến công ty nước sạch vì hóa đơn tiền nước liên tục tăng cao bất thường theo thời gian.