Mùa xuân là Tết trồng cây

di li |

“Chỉ khi nào cái cây cuối cùng bị đốn gục, con cá cuối cùng bị đánh bắt và dòng suối cuối cùng bị nhiễm độc, chúng ta mới nhận ra rằng tiền là thứ không thể ăn được”. Câu nói nổi tiếng của một thủ lĩnh da đỏ gần hai thế kỷ qua vẫn chưa bao giờ cũ và trở thành cách ngôn cho những người nhìn xa trông rộng.

Trong suốt những ngày tháng 10 và 11 của năm 2020 lịch sử, dân ta không chỉ bất an về đại dịch toàn cầu COVID-19 mà còn thót tim khi chứng kiến một seri lũ chồng lũ tấn công vào các tỉnh miền Trung. Trong lúc người Hà Nội đang đón chào một mùa thu vàng rượi thì ở rẻo đất hẹp nhất của hình chữ S, gần chục cơn bão nối tiếp khiến cho mực nước ở các tỉnh miền Trung dâng lên cao vượt mức các trận lũ lịch sử năm 1979 và 1999. Trong đau xót ấy, người ta đã kịp tức giận vì tấm lá chắn bảo vệ con người trước sự nổi giận của Mẹ Thiên nhiên là rừng đang ngày đêm bị phá hủy. Nạn “chảy máu” rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các dự án làm thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp chiếm phần lớn diện tích rừng giảm, còn lại là phá rừng trái phép để lấy gỗ, lấy đất canh tác. Nhìn những súc gỗ khổng lồ bóng lộn được chạm trổ kỳ công thành những cột kèo, tường vách, giường tủ ở nơi này nơi kia, không ai là không cảm thấy chạnh lòng.

1. Chuyện đau lòng về những cánh rừng già Việt Nam lại làm tôi nhớ đến câu chuyện “Vì đâu mà người Nhật cơ bản chỉ ăn hải sản, hầu như không ăn thịt?”. Ấy là vì người dân Nhật Bản đã trải qua 1.200 năm... không được ăn thịt. Năm 675 sau Công nguyên, chứng kiến nhiều cánh rừng đã bị đốn hạ để làm cánh đồng và nơi chăn thả gia súc nên Thiên hoàng Tenmu đã ban bố một pháp lệnh có một không hai trong lịch sử lịch sử thế giới: Lệnh cấm ăn thịt và giết mổ gia súc trên toàn cõi Nhật Bản, trong danh mục cấm bao gồm cả ngựa, chó và khỉ. Lệnh cấm này có tính chất bắc cầu, bởi nếu không được ăn thịt, người ta cũng khỏi cần giết mổ gia súc. Mà đã không nuôi gia súc thì nơi chăn thả trở nên vô dụng, rừng vì thế sẽ được bảo toàn thay vì phá hủy để làm đất canh tác và trang trại. Lệnh cấm thịt trở nên hà khắc hơn cả vào thời kỳ Edo (1603-1867), tới mức người nào phát hiện ra vừa ăn thịt sẽ bị cấm túc ăn chay trong vòng 100 ngày. Người nào cả gan ngồi chung bàn với kẻ tội đồ đã từng phạm tội... ăn thịt cũng sẽ bị coi như tòng phạm, cấm túc 21 ngày. Người vô duyên hớ hênh không biết mà ngồi nhậu nhẹt với kẻ từng có bạn phạm tội ăn thịt thì bị phạt 7 ngày. Tất cả nhằm mục đích cô lập kẻ ăn thịt xấu xa. Con dân cả nước vì thế chỉ ăn cá tôm ngoài biển khơi chứ nhất định không được chạm tới thịt. Có nhẽ các Thiên hoàng thấy rằng, quản lý việc giết mổ gia súc dễ hơn ngồi canh người phá rừng chăng? Quả có vậy, nhiều tài liệu của ta đưa ra báo cáo rằng có những hộ dân mỗi đêm chỉ lén lút phá... 1m2 rừng. Người ta có thể chặn kiểm những xe vận chuyển lậu gỗ quý (nếu như họ thực sự muốn làm điều ấy), nhưng thực sự là một thử thách khi ngồi trông chừng từng mét vuông rừng đang ngày đêm bị phá hoại làm của riêng, cho tới khi hàng triệu mét vuông ấy bị chặt phá. Vào thế kỷ VII mà người Nhật đã quyết liệt bảo vệ rừng nhường ấy, tới mức sẵn sàng hy sinh khẩu vị ưa thích nhất của con người là thịt. Nhắc tới người Nhật, lại càng chạnh buồn mà nghĩ tới lễ hội hoa anh đào của họ.

Lễ hội hoa truyền thống của người Nhật (Hanami) thường diễn ra vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư. Khi ấy, anh đào nở rộ trắng trời tạo nên một khung cảnh kỳ ảo điểm tô cho mùa xuân đang dồi dào nhựa sống. Hanami được tạo thành từ hai từ “Hana” có nghĩa là “hoa” và “Mi” là “ngắm nhìn”. Như vậy, bản thân từ này đã mặc định hoa cỏ là chỉ để ngắm nhìn. Nhưng hỡi ôi, khi mang không khí hoa thiêng liêng đến Hà Nội vào mùa xuân 2008, người Nhật đã kinh hoàng chứng kiến những cánh hoa thanh khiết, mỏng manh, trong trắng được coi là quốc hoa của họ bỗng biến thành đồ vật của những hành vi man rợ là “cướp hoa”. Những cây anh đào uống sương đêm, ngậm ánh trời sau bao tháng ngày khó nhọc nở hoa đã cặm cụi nghìn trùng xa xôi tới Hà Nội, để rồi chỉ trong tích tắc đã bị cả đám đông xông vào bẻ cành, ngắt hoa một cách trắng trợn trước khi hỉ hả mang về nhà. Những cây anh đào lộng lẫy được các nghệ nhân Nhật Bản cần mẫn ngồi ghép từ 300 cành hoa phút chốc trơ trụi tận gốc, những gánh hoa trang trí yêu kiều bị nẫng cả gánh lẫn hoa, các chậu hoa bị giẫm nát trước cả khi kịp chờ khách đến thưởng thức, rồi đến các mannequin diện áo dài kết hoa rực rỡ cũng bị người thò tay vặt trụi hoa khiến các cô thành ra... trần như nhộng. Thảm quá, ban tổ chức đành phải cho người lấy tạm mấy mảnh vải xanh đỏ mà phủ kín những thân hình ấy lại, mà ví thử có khóc được vì tủi hổ thì mannequin cũng phải nhỏ nước mắt tới hết đêm. Hết nạc vạc đến xương, khách “thưởng hoa” Hanami sau rốt cũng cuỗm sạch cả đám anh đào giả. Rồi hoa lụa, đèn lồng treo cao cũng được người ta công kênh nhau lên mà bứt nốt. Hanami đã từng chu du khắp thế giới, được tôn vinh, ngưỡng mộ, thưởng lãm và bình yên ở Hoa Kỳ, Australia và Châu Âu, cho đến khi thảm thê ở xứ Việt.

Lễ hội hoa của năm sau đó rút kinh nghiệm, mỗi gốc cây cắt cử hẳn 5, 6 bảo vệ ngồi canh hoa, rồi có hẳn đội tình nguyện viên đông đảo hỗ trợ, thế mà cũng chẳng ăn thua mấy. Hoa sểnh ra là mất, bị ngắt. Nhiều khóm tulip giá vài triệu đồng cũng không cánh mà bay khiến chủ hoa chỉ còn nước bỗng dưng muốn khóc. Còn nhớ, có lần Công viên nước Hồ Tây thất thủ vì trót dại mở cửa miễn phí một ngày cho dân tình vô chơi, tạo nên cảnh tượng hỗn mang như “Tử chiến tường thành” của Trương Nghệ Mưu, thì cuối năm 2015, Thung lũng hoa Hồ Tây lại trót quên mà cũng mở cửa miễn phí một tuần. Hàng nghìn người ồ ạt đổ vào bẻ cành, ngắt hoa, giẫm nát để tạo dáng chụp ảnh khiến sau hai ngày chủ vườn chịu không nổi đã phải cho đóng cửa khu vườn tan hoang ấy lại. Đóng rồi mà người ta vẫn tiếc rẻ trèo rào vô để gỡ gạc. Dường như bất kỳ vườn hoa nào ở đất nước này cũng phải hốt hoảng trước những người “yêu hoa”. Các cánh đồng hoa tam giác mạch Hà Giang, dã quỳ Ba Vì (TP.Hà Nội), anh đào Tuyền Lâm (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)... đều trở nên căng thẳng mỗi khi mùa hoa về, các quý cô, quý bà ào tới để chụp ảnh. Đã chụp là phải có một ôm hoa trên tay. Hôm 3.12.2020, đồi chè Ô Long ở Sa Pa đã phải vội vàng đóng cửa sau khi cũng trót sai lầm mở cửa miễn phí cho khách vào chụp ảnh, bởi khách không những xả rác, bẻ cành mà còn... rung cây cho hoa rụng chi chít để chụp ảnh hoa rơi như phim ngôn tình!

2. Trên tờ Đông Dương tạp chí năm 1914, nhà văn Nguyễn Đỗ Mục cũng đã lên tiếng phàn nàn: “Cái tật ích kỷ vốn là một thứ hay lây. Trông thấy những vườn hoa cây cảnh ở sân nhà trường hay ở nơi đền chùa hoặc cạnh đường đi lối lại, đã không biết giữ gìn để làm một cái cảnh vườn chung thì chớ, nhiều người lại còn đang tay bẻ tàn bẻ hại để đem về nhà mà chơi thích chí lấy một mình. Cái chứng ích kỷ đã mọc ra, đến lúc lớn lên thành ra một người đi đến đâu phá hủy đến đấy. Cũng vì lẽ đó mà dân An Nam không mấy khi có được cảnh vui chung, ai muốn chơi cảnh thì lại phải xây một vài cái bể cạn hay là bày mươi cái chậu con để làm một khu vui riêng mà không chung chạ với ai cả”.

Hơn một thế kỷ sau, căn bệnh ích kỷ thâm căn cố đế ấy chẳng những không thuyên giảm mà còn quy mô hơn. Quốc lộ 19 được đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng vừa khánh thành ở Bình Định hồi tháng 3.2020, chủ đầu tư đã trồng hơn 3 vạn cây hoa giấy để tạo mỹ quan cho 17km đường, nhưng đường sử dụng chưa được bao lâu thì người ta đã nhổ rễ tới hơn 3.000 cây hoa để... mang về nhà mình trồng. Thảm hoa đẹp đẽ trở thành nham nhở.

Hơn nửa thế kỷ sau “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động, dường như có nhiều người đã quên mất cái tết xanh tươi ấy, trái lại, mỗi khắc giao thừa, người ta lại thi nhau bẻ lộc đến trơ cành, trụi lá. Dân ta dường yêu thích việc ngắt cành hơn là trồng cây. Của trời ơi tội gì không hái, không đốn!? Ý thức với thiên nhiên trở nên xa vời, xa lạ và xa xỉ. Cả dân lẫn quan, đôi khi khiến sự hái hoa, bẻ cành, chặt rừng, đốn gỗ bỗng thành tiện tay. Tết này bỗng chợt nhớ đôi câu mà hồi bé ta đã thuộc lòng, thuở mà mọi đứa trẻ đều còn tinh khôi, từ tâm và như hồ chưa lây nhiễm thói ích kỷ: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

di li
TIN LIÊN QUAN

Nhóm bạn trẻ "hô biến" giày lỗi thành chậu trồng cây gây quỹ

HOÀI ANH |

Với những đôi giày lỗi, bỏ đi, nhóm bạn trẻ tại Hà Nội đã xin về để trồng cây bán gây quỹ và lan toả hành động tái chế bảo vệ môi trường.

Các công đoàn cơ sở thi trồng cây xanh “vì môi trường xanh”

Nam Dương |

LĐLĐ Quận Gò Vấp, TPHCM vừa tổ chức hội thi trồng cây xanh, chủ đề “Vì môi trường xanh”.

Nên trồng cây gì trước nhà để mang lại phong thủy tốt cho gia đình?

Tuệ Nghi (T/H) |

Những cây cảnh được trồng trước nhà không chỉ đem tới cho không gian sống gia đình bạn thêm xanh mát, trong lành mà còn mang đến những ý nghĩa về mặt phong thủy. Nếu chưa biết nên trồng cây gì trước nhà để vừa đem lại tài vượng, vừa tạo khoảng không gian xanh thì bạn có thể tham khảo những loài cây sau.

Bạc Liêu: Phát động trồng cây nhớ Bác

NHẬT HỒ |

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng ngày 19.5, tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Sở NNPTNT phối hợp với Tỉnh đoàn và huyện Hòa Bình tổ chức lễ phát động trồng cây nhớ Bác.

Thủ tướng phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý

VƯƠNG TRẦN |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái và hàng nghìn người dân huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) tham gia trồng cây đầu năm.

Quảng Bình: "Tết trồng cây" phải thiết thực, hiệu quả

LÊ PHI LONG |

Sáng 30.1 (tức mùng 6 Tết Canh Tý 2020), tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

Kê biên khối bất động sản khủng của bà chủ Xuyên Việt Oil

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil - bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng nên cơ quan chức năng đã kê biên hàng chục bất động sản.

Cấp dưới Trương Mỹ Lan khai: Không ngờ hậu quả quá lớn

Tú Tâm |

TPHCM - Tại phiên xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, trong phần thẩm vấn, nhiều cấp dưới thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố.