Liên quan đến sự việc gần trăm cây sấu được trồng trải dài suốt 2km trên đường Sa Đôi (phường Đại Mỗ, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) chết khô dù mới được trồng, chiều 15.9 tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã có thông tin trả lời Báo Lao Động về vấn đề này.
Theo ông Nam, hàng sấu ven đường được quận Nam Từ Liêm chỉ đạo ban quản lý dự án và nhà thầu trồng khoảng từ tháng 10.2019 và có dấu hiệu chết đồng loạt gần đây. Do đó, quận sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng trồng bổ sung lại những cây đã chết và được chuyển đi.
Nói về nguyên nhân dẫn đến nhiều cây xanh chết đồng loạt, ông Nam cho biết do điều kiện thời tiết nóng nực mùa hè dẫn đến cây xanh bị ảnh hưởng và chết. Sau đó, các đơn vị chức năng mới di dời những cây chết đó đi nơi khác.
Cũng theo ông Nam, để thay thế những cây chết này, quận sẽ chỉ đạo các đơn vị ươm trồng và chăm sóc cây ở những khu vực có thời tiết mát mẻ hơn trước khi đưa vào trồng lại ở 2 bên tuyến đường Sa Đôi. Với những hố trồng cây biến hành đống rác, quận sẽ chỉ đạo đơn vị liên quan thu dọn và xử lý.
"Thời gian tới quận sẽ trồng bổ sung lại hàng cây trên tuyến đường Sa Đôi đảm bảo theo đúng thiết kế" - ông Nam thông tin.
Trước đó, Báo Lao Động có bài phản ánh "Nam Từ Liêm - Hà Nội: Hàng cây xanh chết khô, hố trồng cây thành bãi rác". Tuyến đường Sa Đôi dài hơn 2km được cải tạo, mở rộng từ Đại lộ Thăng Long đến đường 70, đoạn qua vị trí cầu Đôi (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đoạn đường được đầu tư với hàng trăm gốc cây được trồng, chủ yếu là cây sấu cao khoảng 2-3m.
Hồi tháng 2.2020, hàng cây này khô héo và được đơn vị chức năng chặt hạ, thay thế. Tuy nhiên, sau khi trồng lại, tình hình vẫn không cải thiện hơn, đến cuối tháng 7.2020, hàng cây mới trồng cũng “đột tử” và được chặt hạ, mang đi.
Từ khi hàng cây chết ở đây được dỡ bỏ, các hố đất cũng không được lấp gọn mà để nham nhở đất, đá trên vỉa hè. Không những vậy, nhiều người dân đem rác thải sinh hoạt đến vứt ở các hố cây. Cùng với đó dọc đoạn đường Sa Đôi giao với Đại lộ Thăng Long, nhiều miệng cống thoát nước không có nắp, nằm lộ thiên. Những cống này sâu khoảng 1m, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.