Nghệ thuật chống dịch theo cách của mình

Việt Văn |

Đại dịch COVID-19 đã đưa thế giới vào một cuộc sống khác, nhiều người coi đó là thảm họa song cũng có người như tỉ phú Bill Gates (Mỹ) lại coi đó là một cơ hội để sửa chữa những sai lầm và học lại nhiều bài học về giá trị cuộc sống đối với con người. Hoặc ai đó cho rằng vốn dĩ thế giới phải cân bằng, và chịu sự đào thải của quy luật tự nhiên, nếu không có COVID-19 thì sẽ có dịch bệnh hay thảm họa khác. Dĩ nhiên với các nhà làm phim và các họa sĩ Việt Nam thì đại dịch COVID-19 là một chủ đề nóng.

Nhớ lại phim về cuộc chiến chống SARS

Còn nhớ trong buổi họp thống nhất kết quả chấm của thể loại phim tài liệu - khoa học ở Liên hoan phim quốc gia tại Vũng Tàu năm 2019, có một phim được đưa lên bàn cân. Đó là “Cuộc chiến chống SARS” của đạo diễn Lưu Ngọc Ánh làm về cuộc chiến chống dịch SARS - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng diễn ra năm 2003. Một bộ phim làm tốt, giàu kịch tính làm về đại dịch có nhân vật, có câu chuyện, tuy nhiên cách kể có phần trộn lẫn giữa phim khoa học và phim tài liệu (thậm chí một số cảnh như phim truyện) trong khi đây là phim khoa học. Một thành viên giám khảo còn nêu ý kiến, có cớ gì để trao giải cho một phim về một loại virus đã diễn ra cả hơn 10 năm và nay không có cơ trở lại! Cuối cùng thì phim vẫn thắng giải Bông sen bạc do số phiếu quá bán. Và một năm sau đó, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện thì phim đã đoạt giải Cánh diều Vàng giải thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Bởi khi đó, các nhà khoa học đã nhận định virus Corona chính là biến thể của virus SARS. Và bài học chống SARS có thể tham khảo cho cuộc chiến chống COVID-19.

Trở lại bộ phim của đạo diễn Lưu Ngọc Ánh, đã đi sâu từ sự khởi đầu của dịch bệnh SARS diễn ra tại bệnh viện Việt - Pháp với cái mốc ngày 26.2 năm 2013, bệnh nhân Chung Cheng, người Hong Kong (TQ), nhập viện với các triệu chứng giống cúm nhưng lại sốt, ho nhiều và khó thở. Các bác sĩ, y tá vẫn thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này như với bệnh cúm thông thường khác và cũng chẳng ai đeo khẩu trang, lo đồ bảo hộ, lo sát khuẩn tay. Vài ngày sau, tình trạng bệnh nhân Chung Cheng xấu đi rất nhanh, gia đình ông đã thuê chuyên cơ đưa về nước, và Bệnh viện Việt - Pháp có hơn 5 y tá sốt với biểu hiện giống Chung Cheng...

Phim tái hiện lại 45 ngày kinh hoàng ở bệnh viện Việt - Pháp, cảnh cách ly ở bệnh viện, không khí u ám và buồn đau, một số y bác sĩ đã ra đi như y tá Lượng, bác sĩ Phương... Rồi Bộ Y tế cho chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới. Đạo diễn đã phỏng vấn nhiều y bác sĩ có mặt ở thời điểm đó, tại bệnh viện, tại nhà riêng để kể lại câu chuyện về dịch SARS, làm 44 y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt - Pháp lây bệnh, một số người đã tử vong, trong số đó có bệnh nhân Chung Cheng và bác sĩ đại diện WHO - Carlo Ubani. Hồi đó, máy thở thiếu, khẩu trang N95 làm gì có, nhiều trang thiết bị cũng thiếu, căn bệnh lại mới, nên chưa biết rõ nguồn lây, phác đồ điều trị vừa mày mò vừa chữa trị. Một trong những quyết định sáng suốt nhất của bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời đó, chính là không đóng kín cửa các phòng bệnh mà mở cửa dùng quạt để thông thoáng khí, vì thế nồng độ virus được phân tán ra không trung, gió thổi bay, bị loãng đi. Và số bệnh nhân sức khỏe tiến triển rõ rệt...

Ngày 28.4.2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc chuỗi 45 ngày chống SARS. Và cũng sau dịch SARS, Chính phủ đã hỗ trợ cho các bệnh viện mua thêm máy thở, máy đo nhiệt độ...

Cảnh phim tài liệu “Đất mẹ“. Ảnh do ĐAQĐND cung cấp
Cảnh phim tài liệu “Đất mẹ“. Ảnh do ĐAQĐND cung cấp

Phim về COVID-19: Nhanh nhưng đã hay?

Lần này, không phải phim khoa học mà phim truyền hình Việt nhanh chân hơn cả. Ngày 6.4.2020, “Những ngày không quên” - bộ phim truyền hình Việt đầu tiên về đời sống xã hội thời điểm dịch bệnh COVID-19 đã  lên sóng trên kênh VTV1, ngay khi bệnh nhân 17 được phát hiện làm thay đổi cuộc sống của người dân thủ đô. Việc quay cấp tập, diễn viên ứng đáp nhanh khi đa phần đều là các diễn viên có nghề như NSND Hoàng Dũng, NSND Trung Anh, NSND Bùi Bài Bình, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Tuấn Tú, Quốc Trường, Phương Oanh, Đình Tú... lại đang “hot” với hai phim có chỉ số rating cao trước đó là “Về nhà đi con” và “Cô gái nhà người ta”, hai đạo diễn NSƯT Danh Dũng, Trịnh Lê Phong hy vọng phim hút khán giả. “Những ngày không quên” đã tái hiện hai không gian điển hình thành phố và nông thôn của Việt Nam khi dịch bệnh ập đến làm đảo lộn cuộc sống của gia đình ông Sơn và người dân làng Yên...

Tuy nhiên phim đúng là “mì ăn liền”, nhanh, thời sự nhưng mang chất minh họa nhiều. Có việc mà không có người - ở đây nói đến việc thiếu những nhân vật có tính cách mạnh, đặc sắc để khán giả nhớ.

Và tháng 8.2021 này, khi cả nước bước vào đợt cao điểm bùng phát của dịch bệnh lần thứ 4, lại thêm một phim truyền hình nhiều tập mới đang chiếu trên VTV3 “Ngày mai bình yên” (Đạo diễn: NSƯT Vũ Trường Khoa - NSƯT Hoàng Tích Thiện) do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất. So với phim đầu tiên, “Ngày mai bình yên” có độ lùi về thời gian để triển khai câu chuyện tốt hơn, nhiều màu sắc hơn, diễn biến tâm lý nhân vật cũng phức tạp hơn... Đó là câu chuyện về nhân vật Phát, chủ một doanh nghiệp xây dựng, cùng trong bối cảnh các doanh nghiệp khác phải gặp nhiều thách thức thời COVID-19. Và đặc biệt khi giãn cách xã hội, Phát phải ở nhà sống nhiều hơn với vợ cùng hai cô con gái lớn thì mọi chuyện nảy sinh đúng như câu ngạn ngữ phương tây: Ở gần nhau quá sẽ làm xây xát nhau nhưng xa nhau quá lại cô đơn.

Phát với tính gia trưởng, khắt khe phát điên lên với cô con gái út bỏ học online với mơ ước làm vũ công, rồi cô con gái lớn hẹn hò người yêu ngoài công viên bị công an lập biên bản vi phạm 5K. Phát cũng mâu thuẫn với cô em gái - dì Mai và bực lây với vợ khi dám cho em vay tiền kinh doanh. Vì Mai luôn bị coi là suy nghĩ không chín chắn, luôn hành động theo cảm tính, kinh doanh hão huyền, được chăng hay chớ, trong con mắt của Phát. Chưa hết, khi bố và em trai Phát từ quê lên và buộc phải ở lại vì quy định giãn cách xã hội, thì mọi chuyện lại càng rối tung lên... Bao mâu thuẫn, xung đột bùng nổ để rồi mọi người hiểu ra rằng tình cảm gia đình mới là quý nhất, gia đình mới là chỗ nương tựa tuyệt với nhất khi sóng gió xảy ra. “Ngày mai bình yên” ra đúng thời điểm nên được khán giả chú ý, đoàn làm phim cũng nhiều cái tên sáng giá như NSND Trung Hiếu, NSƯT Tiến Minh, các diễn viên Thúy Hà, Kiều Anh, Tố Uyên, Kiều My... Phần hình ảnh dưới góc máy của NSƯT Phạm Quang Minh khá ấn tượng ở nhiều phân đoạn.

Câu chuyện quen thuộc, khai thác nhiều tình huống đời thường trong xã hội thời dịch bệnh để bất cứ ai cũng thấy một phần hình ảnh của mình và gia đình trong đó, nên dễ được đồng cảm. Rồi hình ảnh những người phụ nữ chung tay nấu suất ăn thiện nguyện mang cho lực lượng chống dịch tuyến đầu, những người công nhân tình nguyện giảm lương, chậm lương để giúp công ty đang bên bờ vực phá sản...

“Ngày mai bình yên” chân thật và gần gũi, phản ảnh phần nào thực tế xã hội hôm nay, tuy nhiên kịch tính phim lại không được đẩy lên cao độ, một số diễn viên chưa thoát ra khỏi “khuôn diễn” của các vai diễn trước đó dù nhân vật khác hẳn, cách dựng phim nhiều khi bị cắt vụn và hơi tuần tự nên mất đi sự lôi cuốn. Vì thế “Ngày mai bình yên” chưa tạo được “sóng” trong dư luận.

Cùng với phim truyền hình thì phim tài liệu cũng xông xáo không kém cạnh.

Phim “Cuộc chiến không giới hạn” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ hoàn thành năm 2020 của đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn. Đây là bộ phim dài 32 phút, bối cảnh chính tập trung vào khu Mê Linh (Vĩnh Phúc) vì đây là nơi có những câu chuyện xúc động, liên quan tới nhiều đơn vị, cả thanh niên tình nguyện... tất cả cùng vào cuộc để chống dịch COVID-19. Một trong những khó khăn mà đoàn phim phải đối mặt là quay phim trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, chật cứng. Trang thiết bị, số người làm cũng phải hạn chế đến mức tối đa để đảm bảo an toàn và sức khỏe, rất may là được các đơn vị đặc biệt là bệnh viện ủng hộ nhiệt tình nên việc quay được thuận lợi. Đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh: Cái khó là phim tài liệu phải làm sao cho đúng chất tài liệu, không rơi vào kiểu đưa tin, phóng sự như báo chí, truyền hình. Vì thế phim không lời bình để hình ảnh tự nói lên ngôn ngữ của nó.

Điện ảnh Quân đội nhân dân có bộ phim tài liệu “Đất mẹ” của đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Quyết đã đi quay tiền kỳ từ năm 2020 hiện đang tiếp tục thực hiện. Tiến sĩ Cù Thu Hương - một nhà nghiên cứu tâm lý, Việt Kiều tại Pháp là nhân vật dẫn chuyện, để kết nối những góc nhìn của những người con xa quê, người dân trong nước, và cả bệnh nhân người nước ngoài để nhấn mạnh chủ đề tư tưởng của phim: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi những đứa con có gặp chuyện gì thì Mẹ - Tổ Quốc luôn dang rộng vòng tay để đón những người con đó trở về. Bối cảnh phim khai thác chủ yếu trong các khu vực cách li, các trạm kiếm soát toàn biên giới, trong các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt phim nhấn mạnh đến cảm xúc của người dân tại các khu cách ly và tinh thần quên mình của bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch. Khi được hỏi về những khó khăn khi thực hiện phim, đạo diễn Quyết nói: “Đây là phim khai thác về chủ đề COVID-19 nên môi trường tác nghiệp khá vất vả, từ biên giới đến các khu cách li, khu điều trị bệnh nhân... với nguy cơ lây nhiễm rất lớn, phần lớn êkíp lên đường đều đã chuẩn bị tâm lí tốt với nhiệm vụ này. Phim thực hiện trong thời gian dài từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, êkíp đã lên đường quay tư liệu và biên tập nội dung tư liệu chuẩn bị cho viết kịch bản và đưa vào sản xuất (khoảng 18 tháng).

Nếu như phim tài liệu, phim truyền hình đều có dù ít phim làm về COVID-19 thì phim truyện điện ảnh chưa thấy phim nào.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thẳng thắn: “Xét từ góc độ đề tài, điện ảnh phim truyện không thích hợp bằng điện ảnh tài liệu. Xét ở góc độ sản xuất, điện ảnh phim truyện tập trung hàng trăm người cho một dự án ở một nơi như hiện nay là rất khó khăn. Việc lây nhiễm trực tiếp, lây nhiễm chéo là hoàn toàn có thể xảy ra nếu đúng vào thời điểm giãn cách xã hội. Xét từ góc độ đạo diễn, điện ảnh phim truyện cần có độ lùi của tư duy. Việc nhìn vấn đề xã hội, sự kiện lịch sử, số phận nhân vật... luôn cần thời gian, mọi sự đánh giá vội vàng của một đạo diễn, tác giả của bộ phim đều không có tầm và sức nặng cần thiết của một khoản đầu tư xứng đáng. Nhưng nguyên nhân thực sự là không tìm thấy lợi nhuận, không tìm thấy cửa phát hành thì sẽ không bao giờ tìm thấy đường đi của bộ phim. Thời điểm này, sản xuất phim truyện về đề tài COVID là siêu lỗ vốn!”.

Bán tranh gây quỹ cộng đồng từ cậu bé 14 tuổi đến họa sĩ có danh

Từ những cá nhân đơn lẻ, từ những nhóm họa sĩ, từ gương mặt mới đến họa sĩ nổi danh, khá nhiều họa sĩ đã có tranh về mùa dịch hoặc đấu giá tranh online lấy tiền làm thiện nguyện. Mới nhất là nhà phê bình mỹ thuật, nhà sưu tập Lý Đợi đã tham gia cùng một số cá nhân tổ chức, thực hiện một số chương trình đấu giá tranh online thành công cuối tháng 8.2021 này để làm thiện nguyện mua giường hồi sức, máy thở, xe lăn cho bệnh viện dã chiến (TPHCM). Anh còn tiếp tục tổ chức các đợt đấu giá tiếp theo ủng hộ 100% cho nhóm nấu cơm 0 đồng hỗ trợ bệnh nhân COVID-19, ủng hộ vào Quỹ gieo gạo, mua gạo và thực phẩm cho các gia đình khó khăn tại TPHCM. Lý Đợi bộc bạch rằng điều tuyệt vời là người mua tranh đã chuyển khoản gần như ngay lập tức, dù tranh có thể 1-2 tháng nữa thì họ mới nhận được. Bởi “họ có thừa yêu thương, sự khoan dung, nên mới làm được như vậy”.

Không tham gia triển lãm trên nhưng đã rất nhiều lần đấu giá tranh cho từ thiện, họa sỹ trẻ Mai Đại Lưu cho rằng xét về mặt tinh thần, nghệ sĩ luôn muốn đóng góp vì cộng đồng. Bán tranh trực tuyến rất thiết thực đôi bên đều thỏa mãn. Các mạnh thường quân muốn đóng góp số tiền vào đúng mục đích và họ được sở hữu một bức tranh mình thích. Họa sĩ thì vui mừng vì “đứa con tinh thần” của mình đã mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.

“Thiếu nữ da vàng” của Mai Đại Lưu.
“Thiếu nữ da vàng” của Mai Đại Lưu.
Tác phẩm về y bác sĩ của Nguyễn Tấn Phát.
Tác phẩm về y bác sĩ của Nguyễn Tấn Phát.

Quỹ "Sài Gòn mình thương nhau" do vợ chồng họa sĩ Võ Trân Châu (TP.Hồ Chí Minh) sáng lập và điều hành, khi tổ chức đấu giá tranh online đã thu hút được nhiều họa sĩ tham gia như Lương Lưu Biên, Trần Quốc Giang, Nguyễn Công Hoài...để hỗ trợ cho các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đó như môt thứ nghệ thuật lan tỏa kết nối cùng chung tay chia sẻ với cộng đồng.

“Cây đời mãi xanh” với hàm ý lòng tốt của con người như cây xanh mãi cùng năm tháng được bắt đầu từ tháng 7.2021, họa sĩ Ngô Trần Vũ và hơn 60 họa sĩ như: Ngụy Đình Hà, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Triều Điển, Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Đinh Ngọc Thắng, Nguyễn Hồng Quân... với hơn 100 tác phẩm tranh vẽ trên nhiều chất liệu đã tham gia.  Triển lãm nhằm gây quỹ mua gạo cho các gia đình khó khăn tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội chống COVID-19 và đã thu được 209 triệu đồng.

Một cậu bé 14 tuổi được nhắc đến nhiều là hoạ sĩ nhí Xèo Chu (tên thật là Phó Vạn An), học mỹ thuật từ nhỏ đã mở triển lãm trực tuyến “Pandemic Paintings” gây quỹ vì cộng đồng, và đã góp được con số kỷ lục trên 2,9 tỉ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 của bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ngoài ra, Xèo Chu cũng trích số tiền 388 triệu đồng để ủng hộ cho 1.000 y bác sỹ mua thêm rau củ quả cho bữa ăn hàng ngàyTP.HCM. Xèo Chu sinh ra trong một gia đình có “gen” nghệ thuật va cậu bé này đã vẽ khoảng 300 bức tranh, và nhiều bức được triển lãm ở một số nước thế giới .

Tin vào ngày mai

Còn nhớ ngày 12.6.2020, Hãng tin Reuters đăng bài viết về một cô bé học sinh 10 tuổi ở Việt Nam trong thời gian nghỉ tránh dịch đã vẽ những bức tranh ấn tượng về chống đại dịch COVID-19 trên thế giới.

Đó là cô bé 10 tuổi, Nguyễn Đới Chung Anh, sinh sống cùng gia đình tại Hà Nội. Trong thời gian phải nghỉ học ở nhà do trường học tạm thời đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội, Chung Anh đã vẽ tranh, thể hiện những bi kịch, sự kiên cường và hỗn loạn trong trận chiến chống lại đại dịch COVID-19 của thế giới.

Điều thú vị là tranh của cô bé 10 tuổi này vẽ rất kỹ và có cách dùng màu táo bạo thể ảnh hưởng, sự tàn phá của đại dịch lan ra khắp thế giới với các biểu tượng như Tháp Eiffel, Tượng Nữ thần Tự do, Tháp đồng hồ Big Ben và Tháp nghiêng Pisa... Và sự thành công của Việt Nam trong khống chế virus trước làn sóng các ca lây nhiễm tới từ nước ngoài cũng được thể hiện trong tranh của Chung Anh.

Cùng tuổi Hợi (1983), khát khao sáng tạo với những ý tưởng riêng, 2 họa sỹ trẻ Nguyễn Tấn Phát và Mai Đại Lưu đã tranh thủ thời gian dịch bệnh COVID-19 để sáng tác. Nếu như Nguyễn Tấn Phát vẽ bút chì tập trung vào chân dung những con người có ảnh hưởng lớn trong việc chống dịch thì Mai Đại Lưu lại thích dùng sơn dầu để thể hiện những bức tranh mang tính biểu hiện...

Nguyễn Tấn Phát, một họa sỹ trẻ ở Sơn Tây, vẽ hay mà làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều rất tài gần đây nhất là 1001 tượng con trâu bằng sơn mài của anh mà báo chí khai thác, tốn bao giấy mực . Về chủ đề COVID-19, Phát đã sáng tác một số tranh sơn dầu và tranh vẽ chì. 7 bức tranh vẽ chì của Nguyễn Tấn Phát khá ấn tượng, trong đó có chân dung một số y bác sĩ.

Phát cho biết: “Là một hoạ sĩ công việc là làm đẹp cho đời, tôi muốn làm việc gì đó mang ý nghĩa tích cực cho xã hội. Tôi vẽ các bức tranh về các nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội đeo khẩu trang. Những nhân vật được tôi chọn vẽ đều là những người có tầm ảnh hưởng và ý nghĩa trong thời đại dịch. Tôi vẽ các chân dung đều đeo khẩu trang với thông điệp mọi người thực hiện đúng các công tác phòng dịch và để mọi người trân trọng sự vất vả của các cơ quan chức năng chỉ đạo phòng chống dịch”.

Còn họa sĩ trẻ Mai Đại Lưu tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội nổi tiếng về sự phá cách với những bức tranh sơn dầu to vật vã xuất phát từ nhu cầu muốn giải thoát những điều ẩn chứa trong lòng. 2 bức chân dung Lưu vẽ về đề tài COVID- 19 là “Không sợ hãi” và “Thiếu nữ da vàng”. Những gương mặt trong tranh Lưu không từ một nguyên mẫu cụ thể mà phi giới tính và phi tuổi tác trộn lẫn. “Không sợ hãi” là đại diện cho những ánh mắt không sợ hãi, dù đôi lúc có hoang mang khi dịch bệnh đang lan tràn trên toàn thế giới, trong tâm trí của mỗi con người. Còn “Người phụ nữ da vàng” lại là chân dung một cô gái đại diện cho các y bác sĩ Việt Nam đang ngày đêm lao vào tuyến đầu chống dịch. Qua nụ cười nhân vật trong tranh, họa sỹ muốn nhấn mạnh tinh thần lạc quan và tin tưởng vào một điều tốt đẹp nhất mà thế giới cũng như Việt Nam đang làm nhằm bảo vệ sức khoẻ cho mọi người và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Một cái tên rất đáng chú ý ở TPHCM là họa sỹ Lê Sa Long sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, từng đoạt giải nhất "Chân dung ký họa màu nước" do Hội Mỹ thuật TP HCM đồng tổ chức và giải nhì vẽ về đất nước, con người Rumani do Lãnh sự quán Rumani tại TP HCM tổ chức. Trong thời gian COVID-19, hoạ sĩ Lê Sa Long đã thực hiện bộ tranh "Sài Gòn những ngày giãn cách", với những hình ảnh giản dị, thân quen của đường xưa, phố cũ giờ vắng vẻ, của những “tấm lòng vàng” mùa dịch từ anh bán rau vừa bán vừa cho, về thầy giáo người Anh tham gia nhóm thiện nguyện phát cơm cho người lao động nghèo ở TP HCM cho đến những người dân miền Trung đóng gói rau củ gửi tặng người Sài Gòn.

Sài Gòn trong tranh anh vừa đẹp vừa buồn nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan về một ngày mai tươi sáng sẽ trở về như câu hát trong bài "Biết bao giờ trở lại" của Ngô Thụy Miên: "Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại/ Để cùng em rong chơi, tìm những cánh sao rơi/ Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui/ Nụ cười về trên nét môi hạnh phúc tôi, một góc trời".

Những cá nhân họa sĩ kể trên với những bức tranh đã đem lại nguồn năng lượng tích cực cho mọi người để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Bảo Hải Linh Thông Tự- dấu ấn nghệ thuật Phật giáo thế kỷ 17-18

Phương Thảo |

Nét kiến trúc chùa Việt cổ thế kỷ 17-18 và cả nghệ thuật tạo tác tượng Phật độc đáo của thời kỳ này đã được các kiến trúc sư và nghệ nhân hàng đầu tái tạo đầy tinh tế, trong cụm công trình văn hóa tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự trên núi Ba Đèo (Hạ Long, Quảng Ninh).

1.050 viên chức hoạt động nghệ thuật nhận hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19

ANH THƯ |

Đến nay, trên 13,5 triệu người lao động, đối tượng khác và hơn 375.800 người sử dụng lao động được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hà Nội: 99 viên chức hoạt động nghệ thuật nhận tiền hỗ trợ COVID-19

ANH THƯ |

Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội đã phê duyệt và thực hiện chi trả hỗ trợ cho 99 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 367,29 triệu đồng.

Nam Phú Quốc, miền biển nhiệm màu cho nghệ thuật và thời trang "thăng hoa"

Phương Thảo |

Vẻ đẹp diễm lệ từ thiên nhiên và con người Phú Quốc đã và đang khơi nguồn cảm hứng cho những hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và bất động sản mang giá trị văn hóa, nghệ thuật đẳng cấp mà Sun Group đang kiến tạo tại Nam đảo.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Vị tướng của lòng dân"

LÊ PHI LONG |

Theo kế hoạch, chương trình sẽ chính thức được biểu diễn ghi hình vào tối 24.8 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Bình và sẽ phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam vào tối 25.8 nhằm chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911 - 25 8.2021).

Bộ Y tế nói gì khi gần 20 Sở Y tế bị giả mạo văn bản?

Hà Lê |

Chưa đầy một tuần đã có gần 20 Sở Y tế các tỉnh, thành phải phát đi thông báo khẩn khi bị giả mạo văn bản kiểm tra an toàn thực phẩm.

2.400 đoàn viên được đi máy bay, tàu miễn phí về quê đón Tết

Hà Anh |

“Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025” và “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025” sẽ đưa 2.400 đoàn viên về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.