Nhà văn Đức Hậu: “Chủ thể của Việt Nam là người nông dân”

Anh Thư (thực hiện) |

Nhà văn Đức Hậu tên khai sinh là Vũ Đức Hậu, sinh năm 1947, quê quán xã Thụy Hưng - Thái Thụy - Thái Bình. Ông gắn bó sâu sắc với mảng đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn qua các thời kỳ, từng là vị Chủ tịch tại vị lâu năm nhất ở Hội văn học Nghệ thuật Thái Bình (1990 - 2007).

Ông tâm niệm: “Mọi thứ tài năng, trí tuệ và lao động của nhà văn cuối cùng xoay quanh một chữ Tâm. Chữ Tâm ấy chính là chất men cất lên thứ rượu của mỗi người để mời bạn đọc. Tôi coi trọng chất lượng hơn số lượng trong sáng tác. Chỉ viết ra những gì đã trải nghiệm, trăn trở. Bởi vì thời gian sẽ xóa sạch hàng nghìn trang nhạt nhẽo,chỉ còn lại trang đời đầy đặn tấm lòng nhà văn”. Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thái Bình.

Làm người tốt khó nhất

Thưa nhà văn Đức Hậu. Qua nửa thế kỷ cầm bút, đến thời điểm này ông đã có thể nhìn lại những chặng đường sáng tác, nhận ra điều đã làm được, điều còn day trở với văn chương? 

- Tôi vừa mới in xong tuyển tập. Cũng là một dịp để rà soát lại, hồi nhớ lại những chặng thời gian gắn bó với văn chương. Tất nhiên “văn mình, vợ người”, cá nhân tôi không thể nhận định khách quan về những trang viết của mình. Tôi chỉ muốn nói lời tri ân. Tôi được sinh ra ở một cái làng rất nghèo, có một người mẹ rất nghèo, nhân hậu và thương con vô cùng. Mẹ tôi mất đã lâu rồi. Nhưng đến tận bây giờ, trước bất cứ một quyết định nào, tôi đều phải nghĩ đến mẹ, không được phép làm điều sai, điều ác. Mẹ tôi hầu như không biết chữ nhưng thuộc vanh vách truyện Kiều. Tôi nhớ những ngày còn rất đói khổ, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đói lắm. Mưa tháng 8 ngập lụt hết, nhà không còn gạo ăn, cả xóm đến ngồi quây quần trong căn nhà tường đất của gia đình tôi nghe mẹ tôi đọc Kiều. Tôi nhớ những câu ca dao dân ca mẹ tôi thường hát ru em tôi. Sau này tôi tìm trong cuốn “Tục ngữ Ca dao” do học giả Vũ Ngọc Phan sưu tầm thì rất nhiều bài không có. Tôi từng viết truyện ngắn “Hoàng hôn”, lấy đề từ là hai câu ca mẹ tôi hay hát: “Người ấy mà đến với ta/ trồng bông bông tốt, trồng cà cà sai/ người ấy mà đến với ai/ trồng bông bông héo trồng khoai hà”. Mẹ không dạy tôi điều gì cả, nhưng mẹ dạy tôi bằng cuộc đời của mẹ - một cuộc đời nghèo, hy sinh hết tất cả cho chồng con. Một người mẹ nghèo, một làng quê nghèo - đó là những tiền đề để tôi trở thành nhà văn. Đặc biệt để làm người. Làm người là quan trọng nhất.

Và trong suốt cuộc đời thì ông đã sống đã làm việc theo đúng như cái tên của mình - Đức Hậu? 

- Tôi nghĩ là tôi đã cố gắng làm như thế. Nhưng có một thực tế là mình sống tốt bao nhiêu vẫn có sự ghen ghét đố kỵ. Tôi nhớ nhà văn Chu Văn từng nói với tôi: “Chú ạ, ghen tình và ghen tài là cái ghen cay độc nhất. Mình sống tốt bao nhiêu cũng có kẻ ghét vì ghen. Ghét thì không tránh được, nhưng không để bất cứ ai khinh mình. Ghét thì không tránh được, nhưng khinh thì không sống được”. Có một câu châm ngôn của nước ngoài rất hay, đại ý: “Hận thù hãy viết lên cát, ân nghĩa hãy khắc lên đá”. Thực tế cuộc đời mà tôi nhận thức được là làm người tốt khó nhất, vì làm người tốt luôn luôn phải chấp nhận thiệt thòi. Làm điều tốt cho người đừng mong nhận về ân nghĩa. Tôi luôn tâm niệm dù thế nào thì mình vẫn phải sống đúng là mình. Cuộc đời cũng công bằng. Mình có thể thiệt thòi nhiều nhưng được cũng nhiều, không phải được vật chất mà được tinh thần, luôn có những anh em bạn bè thân thiết quý trọng nhau.

Khởi đầu nghiệp viết bằng tiểu thuyết, sau đó chuyển sang bút ký và truyện ngắn, tên tuổi nhà văn Đức Hậu gắn với nhiều tác phẩm về nông dân và nông thôn thời kỳ chiến tranh, thời kỳ bao cấp làm ăn tập thể. Đặc biệt ở thời kỳ đầu đổi mới khi nông nghiệp chuyển sang khoán sản phẩm, hẳn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với ông? 

- Thời kỳ thực hiện khoán 10, tôi có bút ký gây được tiếng vang lớn viết về bí thư huyện ủy Hưng Hà - ông Lưu Minh Hiệu, vốn là kỹ sư giao thông ở chiến trường về. Lúc đó Ban bí thư trung ương đã có chỉ thị 100 cho phép các địa phương khoán sản phẩm nông nghiêp. Tuy nhiên, nhiều tỉnh vẫn sợ, chưa cho tổ chức khoán, bí thư Tỉnh ủy Thái Bình không đồng ý với làm khoán. Nhưng ông Hiệu cho triển khai khoán thử ở 6 xã của huyện Hưng Hà. Trên tỉnh biết, chuẩn bị kỷ luật. Ông Hiệu lên tỉnh họp, ghé vào gặp tôi, đề nghị tôi đến thăm mấy xã đang triển khai khoán sản phẩm. Nhận lời ông, tôi về Hưng Hà, sau đó tôi viết bút ký “Từ văn phòng huyện ủy đến những cánh đồng mùa xuân” phản ánh tình hình khoán 10 của các xã đó, lúa khác hẳn. Đó là năm 1980. Bút ký đọc ở chương trình Văn nghệ và chương trình cho đồng bào xa Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Vũ Oanh lúc đó là Trưởng ban tổ chức Trung ương nghe được, biết ở Thái Bình có mô hình khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ông đi thẳng về Hưng Hà, ngủ lại một đêm để trò chuyện cùng bí thư huyện ủy. Sau đó ông lên tỉnh, làm việc với bí thư Tỉnh ủy. Sau khi ông Vũ Oanh trở lại Hà Nội, ông bí thư Thái Bình nhận ra ông Hiệu rất hay, cất nhắc ông lên vị trí Phó chủ tịch tỉnh. Có thể nói, đó là một trong những bút ký đem tới cho tôi cảm giác thật hạnh phúc. Thời kỳ đó, năm nào tôi cũng có khoảng năm, sáu bút ký viết về nông thôn đăng trên các báo và đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Một số tác phẩm của nhà văn Đức Hậu. Ảnh: NVCC
Một số tác phẩm của nhà văn Đức Hậu. Ảnh: NVCC

Gốc gác của người Việt đều là từ nông dân, nông thôn

Từ thời điểm ông viết những tác phẩm đầu tiên về nông thôn và nông dân Việt Nam, cho đến bây giờ là cả khoảng cách lớn về thời đại với rất nhiều biến động. Và điều khác cơ bản nhất mà ông nhận thấy, những biến chuyển lớn nhất đối với nông thôn hôm nay, đó là gì?

- Vì sinh ra ở nông thôn, gắn bó cả đời với nông thôn, nên tôi nhận thấy nhiều người viết về nông thôn nhưng không hiểu người nông dân, nhất là sự thay đổi của người nông dân trong lịch sử. Có thể nói, người nông dân thời bao cấp đói khổ, thiếu thốn hơn người nông dân hiện nay rất nhiều. Người nông dân hiện nay giầu có, trình độ cao hơn, sống tiện nghi gấp nhiều lần người nông dân thời trước. Nhưng nghịch lý là người nông dân thời bao cấp hạnh phúc hơn người nông dân bây giờ. Vì sao? Vì người nông dân ngày trước khổ mà không biết mình khổ, xã hội có sự công bằng, vì mọi người đều khổ như nhau. Còn người nông dân bây giờ có quá nhiều thông tin, quá nhiều sự so sánh, quá nhiều cạnh tranh, và nhận thức được mình thiệt thòi vì thiếu công bằng. Sự bất hạnh đó là hệ quả của sự nhận thức. Có thể có người không nghĩ như thế, nhưng đây là thực tế, là hiện thực của cuộc sống hôm nay. Hiểu được điều đó thì hiểu được người nông dân và viết về người nông dân đúng và sâu sắc hơn.

Quá trình đô thị hóa nông nghiệp nông thôn đang phá vỡ cảnh quan, làm thay đổi đời sống tâm lý và nhận thức của người nông dân. Tuy nhiên ông vẫn đặt niềm tin vào nông thôn, nông dân?

- Tôi từng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa làng trải qua nhiều thế kỷ. Chính văn hóa làng là gốc của văn hóa Việt, với sức mạnh nội tại bền bỉ đã đồng hành cùng dân tộc, giúp dân tộc vượt qua nhiều giông bão. Nước mất cả nghìn năm, nhà tan nhưng mà làng không mất. Chính văn hóa làng đã lưu giữ sức mạnh của dân tộc và bản tính của người Việt. Các làng quê bị chà đạp, nhân dân cứ lặng lẽ nuôi giấu những sĩ phu, những anh hùng áo vải dưới chân tre mái rạ, để rồi bao con người ưu tú từ những làng quê ấy đứng lên đòi lại nước. Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng. Chủ thể của Việt Nam là người nông dân. Cho nên khi nhắc đến Việt Nam không thể không nói đến người nông dân. Điều này tôi đã nhấn mạnh trong một số bài báo và tham luận. Thời chiến tranh, người nông dân mặc áo lính. Sau chiến tranh, người nông dân mặc áo cổ cồn, ngồi máy lạnh, ra các quyết sách. Gốc gác của người Việt đều là từ nông dân, nông thôn. Từ các triều đại xa xưa cho đến ngày nay, những người ưu tú bảo vệ và dựng xây đất nước đều là con cái nông dân.

Xin cảm ơn nhà văn Đức Hậu về cuộc trò chuyện này!


Anh Thư (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn Thương Hà và cuốn tiểu thuyết hiếm hoi về Đại dịch

Trần Thế Vinh (thực hiện) |

Sau khi ra mắt hai tiểu thuyết dày dặn “Người PTSD”, “Một con đường” sử dụng bút pháp hiện thực, nữ nhà văn Thương Hà tiếp tục trình làng tiểu thuyết thứ ba “Nalis xô dạt bờ định mệnh” với bút pháp hiện thực huyền ảo. Phiêu diêu trên cánh đồng chữ nghĩa, người đọc không khó để nhận ra ở tác giả một đam mê văn chương nồng nhiệt, một cái nhìn chân thật, một tình người trong trẻo... để kể chuyện, để dựng truyện, để lý giải và truyền thông điệp.

Nữ nhà văn được chồng Tây giúp vượt qua trầm cảm khiến Ngọc Lan ngưỡng mộ

DI PY |

Tại "Chat với mẹ bỉm sữa", nhà văn Iris Cao đã tâm sự về hành trình làm mẹ và vất vả vượt qua trầm cảm sau sinh. Cô cũng khiến Ngọc Lan trầm trồ khi tiết lộ cuộc hôn nhân như mơ với chồng Tây trên đất Mỹ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và buổi ra mắt sách trực tuyến

Duy Ngọc |

Tối chủ nhật, ngày 4.7.2021 vừa qua, đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” của 34 tác giả trên nền tảng trực tuyến Zoom do Công ty sách Liên Việt phối hợp với NXB Dân trí và Gallery 39 tổ chức, nhân 100 ngày mất của nhà văn.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý: Cả đời viết về tình yêu cũng không hết chuyện!

Cao Hải Giang (thực hiện) |

20 năm sống ở Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thuý mang đến cho bạn đọc 21 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Như thể cách xa miền núi, Đỗ Bích Thuý càng đau đáu những cuộc trở về, nhất là trở về trên trang viết. Tiểu thuyết mới nhất mang tên “Người yêu ơi” của chị vừa ra mắt bạn đọc là một ví dụ.

“Người kép già” của nhà văn Kim Lân

M.C |

Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp cùng Cty CP Văn hóa Đông A phát hành tuyển tập truyện ngắn và vừa của nhà văn Kim Lân, gồm 18 tác phẩm cùng minh họa của họa sĩ Thành Chương.

Đến Huế ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN PHONG |

HUẾ - Cảnh vật nơi phá Tam Giang được ví như một kiệt tác nghệ thuật có một không hai, khiến bất kì ai cũng phải đắm say mỗi lần ghé thăm khi đến Huế.

Mưa lớn gây sạt lở, giao thông trên Quốc lộ 6 tê liệt

Minh Nguyễn |

Sơn La - Mưa lớn đã khiến lượng lớn đất đá sạt lở xuống đường khiến Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Mộc Châu ùn tắc cục bộ.

TPHCM giải tỏa hơn 1.000 hộ dân làm đường 6 làn xe ở Thủ Đức

MINH QUÂN |

TPHCM - TP Thủ Đức đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để chi hơn 7.000 tỉ đồng bồi thường cho hai đoạn của dự án Vành đai 2, ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân.