Những cây cầu ở thành phố Hồ Chí Minh

Đỗ Quang Tuấn Hoàng |

Sài Gòn có tổng số 200 cây cầu lớn nhỏ đã gắn với vùng đất này từ thuở khai thiên lập địa đến nay.

Dấu tích khẩn hoang

Giồng Ông Tố là khu vực hai bên sông Giồng, thuộc các phường An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông (quận 2) và phường Phú Hữu (thành phố Thủ Đức). Giồng là phương ngữ Nam bộ, biến âm của từ vồng, tức một dải đất phù sa nổi lên ven sông, rạch tự nhiên hoặc do bàn tay người vun xới, đắp nên những luống, những vồng để trồng trọt. Đất vồng phù sa ven sông, rạch thường được trồng dưa gang, khoai lang, bầu, bí... Vùng đất giồng hai bên rạch Ông Tố ngày xưa một phần tự nhiên do phù sa đắp bồi mà thành nhưng một phần cũng do bàn tay người nạo vét rạch, đào đắp nên để trồng trọt. Họ là những lưu dân người Hoa, người Việt và người Khmer do ông Trương Vĩnh Tố chiêu mộ đến đây vét rạch, đào kênh, lên vồng canh tác, dựng chợ, lập ấp từ cuối thế kỷ 17. Trương Vĩnh Tố là tướng của phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại, chạy từ Trung Quốc sang thần phục chúa Nguyễn, khoảng năm 1679 được chúa Nguyễn cho đến khẩn hoang vùng đất mới toàn rừng tràm, dừa nước “cây xanh nghịt nghịt.” Sơn lam chướng khí, rừng rậm lắm cọp, beo; nước ngập nhiều cá sấu, rắn rết, muỗi mòng; đất lại lắm phèn, canh tác thất bát, dân cư dần bỏ đi. Trương Vĩnh Tố buồn sinh bệnh chết, được chôn cất cạnh mộ vợ trên vùng đất vồng bên bờ rạch. Con rạch từ đó mang tên Ông Tố. Cả vùng đất vồng hai bên rạch được gọi là giồng Ông Tố. Cây cầu bắc qua đó được gọi là cầu Giồng Ông Tố.

Quang cảnh sinh hoạt của người dân ven sông. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Quang cảnh sinh hoạt của người dân ven sông. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Ở đất Sài Gòn còn có một cây cầu rất tình tứ, nên thơ, đó là cầu Thị Nghè. Cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu Thị Nghè có chiều dài 105,2m, rộng 17,6m với bốn làn xe.

Trong sách “Gia Định thành thông chí”, mục trấn Phiên An, Trịnh Hoài Đức viết: (bà) “có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè”.

Nhà văn Sơn Nam thì cho biết chi tiết hơn, rằng bà nghè tên là Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Chồng bà làm chức thư ký, đương thời gọi là ông nghè (vì thời đó đỗ tiến sĩ), vì thế nhân dân cũng gọi vợ ông là bà nghè. Cầu Bà Nghè do bà Nguyễn Thị Khánh cho xây dựng từ đầu thế kỷ 18. Đến năm 1838 cầu được sửa chữa lại. Vào năm 1867, cầu được làm lại bằng cầu sắt, đến năm 1970 được xây mới bằng bê tông cốt thép. Tên cầu từ Bà Nghè biến thành Thị Nghè từ giữa thế kỷ 19 và được sử dụng cho đến ngày nay.

Vì thương chồng phải cách trở đò giang khi ngày ngày từ Gia Định sang Sài Gòn làm việc nên người vợ hiền đã cho xây cầu, hay cao cả hơn là bà nghè bắc cầu cho dân đi lại thì đều để lại một giai thoại đẹp cho đất Sài Gòn.

Cầu Ông Lãnh cũ bắc qua rạch Bến Nghé từ đường Bến Chương Dương (quận 1) đến đường Bến Vân Đồn (quận 4). Cầu xây từ lúc nào chưa có tài liệu nào ghi chính xác nhưng theo học giả Trương Vĩnh Ký (1885) thì cây cầu gỗ bắc qua rạch Bến Nghé là do ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, một tướng triều Nguyễn, trấn thủ đồn Cây Mai - Thủ Thiêm gần đó, cho bắc để tiện việc giao thông và phòng thủ chống quân Pháp tấn công Gia Định. Nhân dân kính trọng gọi là cầu Ông Lãnh.

Lại có chuyện rằng, năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước cắt đứt Nam kỳ giao cho Pháp, theo hiệp ước này thì chính quyền Pháp được đặt lãnh sự quán ở Hà Nội và ngược lại, nhà Nguyễn được đặt lãnh sự quán ở Sài Gòn, trụ sở đóng tại góc đường Đề Thám - Trần Hưng Đạo ngày nay, lãnh sự là ông Nguyễn Thành Ý. Công việc chủ yếu của lãnh sự quán lúc bấy giờ là cấp thị thực cho người miền Trung vào Sài Gòn mua bán nên ông Nguyễn Thành Ý thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ cây cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ. Từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh.

Cầu Bông, còn có tên gọi khác là cầu Cao Miên, mang đậm dấu ấn của người Sài Gòn xưa, cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc, nối quận 1 và quận Bình Thạnh.

Theo nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, có sách ghi chính xác là xây dựng vào năm 1771. Lúc mới xây cất, cây cầu này mang tên cầu Cao Miên, vì do một phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc qua sông để tiện việc đi lại. Ban đầu cầu này được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn.

Cái tên cầu Bông được nhiều nhà nghiên cứu vùng đất Sài Gòn nói đến nhất là sau khi tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa xinh đẹp gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa (vợ vua Minh Mạng). Sau này, người ta đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (“bông” nghĩa là “hoa” theo tiếng miền Nam) cho đến nay.

Hiện tại cầu Bông đã được xây mới với chiều dài 84,2 m gồm ba nhịp, kết cấu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng 21 m. Trên mặt cầu được thiết kế lối riêng có dải phân cách, dành cho người đi bộ.

Dấu ấn kỹ nghệ

Cầu Mống là một cây cầu cổ của Sài Gòn từ thời Pháp thuộc còn tồn tại đến ngày nay. Cầu do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes (Pháp) xây dựng từ năm 1893 và hoàn thành vào năm 1894. Cầu Mống bắc qua kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4, có chiều dài 128m, rộng 5,2m, lề bộ hành rộng 0,5m, được xây dựng bằng thép rất kiên cố. Theo thiết kế ban đầu, cầu Mống được dùng cho cả người đi bộ và phương tiện cơ giới. Đầu cầu phía quận 1 có hai đường dẫn, một để đi lên cầu sang Vĩnh Hội (quận 4) và một để từ phía Vĩnh Hội đi qua để xuống bến Chương Dương.

Người Pháp gọi là cầu Messageries Maritimes, trong khi người Việt gọi là cầu Mống. Xung quanh tên gọi cầu Mống có nhiều cách lý giải khác nhau. Đây có thể là tên gọi chệch từ cầu Móng, vì đây là một trong những cây cầu đầu tiên có trụ móng được xây dựng ở Sài Gòn. Cũng có thể vì hình dáng của cây cầu giống như vòng mống nên dân Sài Gòn xưa gọi là cầu Mống.

Cầu chữ Y do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941. Cầu nối liền quận 5 và quận 8 có ba nhánh tạo thành hình chữ Y, trong đó có hai nhánh về hướng đông (thuộc quận 8). Cầu chữ Y bắt đầu từ đường Nguyễn Biểu, bắc qua kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và vùng cù lao Chánh Hưng. Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3m. Do cầu có ba nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, và trở thành tên chính thức. Đứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy được toàn bộ quang cảnh cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính dưới 3km.

Cầu chữ Y đẹp nhất là vào dịp chuẩn bị đón tết nguyên đán. Khi đó, người dân ở các tỉnh miền Tây chạy ghe, tàu chở đầy hoa và cây cảnh lên cặp dọc bên sông, bên đường để bán cho dân Sài Gòn chơi tết. Cả kênh Tàu Hũ - Bến Nghé trở thành một dòng sông hoa muôn sắc ngàn hương. Lúc này tản bộ trên cầu chữ Y như trôi trên thảm hoa.

Cầu Nhị Thiên Đường là cây cầu lớn bắc qua kênh Đôi, quận 8 của vùng Chợ Lớn, nối liền trục giao thông từ Cần Giuộc (Long An) về Sài Gòn. Cầu được xây dựng từ năm 1925 bởi nhà thầu Vallois-Perret (Pháp). Đây là một trong những cây cầu có bề dày lịch sử lâu đời nhất ở Sài Gòn, nối liền Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây, qua quốc lộ 50. Cầu được xây dựng trong thời đại hoàng kim của cầu sắt. Được thiết kế với vẻ kì lạ toát lên từ hàng cột xanh rêu trên cầu, cho đến các mái vòm cong cong dưới chân cầu.

Dầu gió Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc đông y Nhị Thiên Đường ở 47 Canton (nay là đường Triệu Quang Phục, quận 5), nổi danh từ giữa thế kỷ 20. Chủ nhân người họ Vi, gốc Quảng Đông (Trung Quốc). Dầu gió Nhị Thiên Đường không những có mặt trên toàn quốc mà còn được xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đau đầu, đau bụng, đau răng, cảm lạnh, sổ mũi... người ta đều dùng đến chai dầu này. Dầu Nhị Thiên Đường một thời từng được người dân gọi là “dầu trị bá bệnh.” Hãng dầu này cũng kinh doanh cả in sách và buôn bán gạo. Lúc đó, cạnh chân cầu có một kho gạo rất lớn của hãng nên dân gian lấy luôn tên Nhị Thiên Đường để gọi cây cầu.

Cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hũ nối với kênh Ruột Ngựa có bề dài lịch sử hơn 100 năm, giúp thông thương vùng Chợ Lớn giữa quận 8 và quận 5. Ngày xưa vùng này là phố chợ của người gốc Ấn Độ bán vải. Chà Và là tên do người Việt phiên âm từ cùng một tên: Java/Jawa. Do ngày xưa người Việt chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía nam, nên đó là tên dùng để gọi chung những cư dân hải đảo có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines. Còn người Chăm (Chàm) thì được gọi là Chà. Về sau, Chà Và là tên dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm như: Chà Bombay (Bombay, Ấn Độ), Chà Ma Ní (Manila, Philippines), Chà Nam Dương (Indonesia)...

Cầu Calmette bắc qua kênh Bến Nghé, hướng đi từ đường Calmette (quận 1) sang đường Đoàn Văn Bơ (quận 4). Cầu dài 300m, rộng 22m, gồm sáu làn xe.

Calmette là viện trưởng đầu tiên của viện Pasteur Sài Gòn, chi nhánh đầu tiên ngoài nước Pháp của viện Pasteur Paris. Albert Calmette (1863-1933), một trong những học trò của Louis Pasteur, được giao nhiệm vụ thành lập, tổ chức và điều hành viện. Sau khi nhận một phòng thí nghiệm đơn sơ tại viện quân y Grall, ông đã tiếp nhận những dụng cụ chuyên môn, hóa chất từ Pháp chuyển sang, đào tạo những nhân viên kỹ thuật đầu tiên để khai triển công việc.

Chưa đầy ba năm ở Sài Gòn, ông đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ khi vừa xây dựng cơ sở, vừa cải tiến kỹ thuật để làm một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Ông cho sản xuất vaccine đậu mùa, vaccine chống bệnh dại, nghiên cứu bệnh lý nhiệt đới, làm men rượu, sản xuất huyết thanh chống nọc rắn hổ mang.

Một cây cầu cũng rất đáng để bạn tham quan khi đến thành phố Hồ Chí Minh là cầu Bình Lợi. Ngày 13 tháng 09 năm 2019, Bộ Giao thông - Vận tải đã đồng ý giữ lại một nửa cầu sắt Bình Lợi để bảo tồn, nhằm lưu giữ dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển du lịch.

Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt đầu tiên vượt sông Sài Gòn được xây dựng vào tháng 2 năm 1902 thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang. Cầu được thiết kế kiểu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán rive, mặt cầu bằng gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Cầu có một nhịp quay, do nhà thầu Levallois-Perret thi công với chiều dài 276m gồm sáu nhịp, với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh. Trên vách tường hướng ra bờ sông còn rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948” (Bình Lợi, tháng 10 năm 1948).

Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp cho rằng: “Với giới bảo tồn di sản, nếu nói đến Hà Nội là nghĩ đến cầu Long Biên; hay Trường Tiền của Huế, thì cầu Bình Lợi đã để lại bao ký ức trong lòng người dân Nam bộ khi đến đất Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Chưa kể, nó là cầu đô thị với kiến trúc độc đáo bởi là cầu thép duy nhất có tuổi thọ trên 100 năm còn tồn tại và đặc biệt có trục quay. Với hình thức kiến trúc cầu thép độc đáo, là di sản đô thị, chúng tôi đề xuất bảo tồn cầu Bình Lợi theo cách chuyển đổi chức năng thành cầu tàu đón khách du lịch và điểm trả đón khách đi bus đường sông”.

Xuống tàu từ cầu Nước Lên để đến cầu Chữ Y, trong chuyến đi từ khẩn hoang lên hiện đại ấy, chúng tôi đi qua rất nhiều cây cầu mang đậm dấu ấn của vùng đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Xuống tàu từ cầu Nước Lên để đến cầu Chữ Y, trong chuyến đi từ khẩn hoang lên hiện đại ấy, chúng tôi đi qua rất nhiều cây cầu mang đậm dấu ấn của vùng đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Xuống tàu từ cầu Nước Lên để đến cầu Chữ Y, trong chuyến đi từ khẩn hoang lên hiện đại ấy, chúng tôi đi qua rất nhiều cây cầu mang đậm dấu ấn của vùng đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Xuống tàu từ cầu Nước Lên để đến cầu Chữ Y, trong chuyến đi từ khẩn hoang lên hiện đại ấy, chúng tôi đi qua rất nhiều cây cầu mang đậm dấu ấn của vùng đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Di sản độc đáo

Thành phố Hồ Chí Minh có cả một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Điều kiện tự nhiên ấy tạo ra đến 87 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 574,1km. Không chỉ là giao thông, bao đời nay hệ thống kênh rạch đã góp cho đất này một mảng văn hóa thương hồ. Những cây cầu cũng vậy, không chỉ là điểm nối giao thông mà còn bắc nhịp nối những bờ vui văn hóa.

Tên cầu ở thành phố Hồ Chí Minh được đặt theo đặc điểm tự nhiên: Cầu Nước Lên (quận Bình Tân), cầu Cá Trê Nhỏ, cầu Cá Trê Lớn, cầu Giồng Ông Tố (quận 2)...; Hình dáng cầu: Cầu Chữ Y (quận 8 - quận 5), cầu Mống (quận 1 - quận 4), cầu Ánh Sao (quận 7)...; Người làm cầu, cộng đồng người tụ cư, buôn bán bên cầu: Cầu Thị Nghè (quận 1 - quận Bình Thạnh), cầu Cao Miên (quận Bình Thạnh), cầu Chà Và (quận 8 - quận 5)...; Theo biển quảng cáo đặt dưới chân cầu: Cầu Nhị Thiên Đường (quận 8). Ngoài ra, những cây cầu còn biểu trưng cho những dấu ấn lịch sử như cầu Mống được xem là cây cầu cổ xưa nhất Sài Gòn; cầu Bình Lợi là cầu đường sắt đầu tiên vượt sông Sài Gòn.v.v..

Ông Pascal Floch vừa dẫn gia đình từ Paris, Pháp sang Việt Nam du lịch. Từ đường Võ Văn Kiệt ở quận 1, gia đình ông qua những cây cầu: Cá Trê, Chà Và, Ông Lãnh, Lò Gốm, Nước Lên (thành phố Hồ Chí Minh), Kho (tỉnh Vĩnh Long), Cái Răng, Cái Da, Đầu Sấu (thành phố Cần Thơ), Chắc Cà Đao (tỉnh An Giang)... để ngao du sông nước miền Tây suốt bốn ngày. Đi qua hơn 300 cây cầu, tới đâu ông cũng xuống chụp ảnh và hỏi ý nghĩa tên gọi. Về Pháp, ông viết thư cho tôi, bảo rằng chuyến đi Việt Nam thật kỳ thú và ông đang làm cuốn sách ảnh cùng chuyện kể về những cây cầu đã qua.

Kiến trúc sư Dương Mạnh Tiến cho rằng rạch Bến Nghé thông suốt thành đường du lịch bằng tàu thuyền chở du khách từ sông Sài Gòn, từ bến Bạch Đằng vào tận Chợ Lớn, đi qua cầu Ba Cẳng vào kinh Bãi Sậy, ghé bến chợ Bình Tây mua bán, xuôi Phú Lâm, ghé đầu tàu Phú Lâm, qua kinh Đôi, đổ lại về kinh Tàu Hũ ra sông Sài Gòn. Con đường du lịch sông nước hiếm thành phố nào có như vậy, cả vài chục cây số, tha hồ làm chợ nổi, tha hồ có nhiều thứ hấp dẫn du khách...

Vậy đấy, mỗi cây cầu, mỗi địa danh là một điểm dừng văn hóa. Đến mỗi địa phương, đi trên những con đường, cây cầu mang đậm dấu tích văn hóa của vùng đất, con người nơi ấy, thật thú vị! Nói như Maurice Halbwachs, nhà xã hội học người Pháp, thì đó chính là những “điểm tựa để bám víu” trong cuộc sống của mỗi con người.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Bắc Giang đề xuất xây dựng cầu Như Nguyệt trị giá 456 tỉ đồng

Minh Hạnh |

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp Bắc Giang vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt trên Quốc lộ 1.

Dự kiến khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vào ngày 17.1.2022

Kỳ Quan |

Sau đúng 13 năm cầu Rạch Miễu hiện hữu thông xe, ngày 17.1.2022 tới, Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 dự kiến sẽ được khởi công, nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Bến Tre Đồng khởi.

Toàn cảnh khu vực xây dựng cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỉ bắc qua sông Hồng

Hải Nguyễn |

Cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng vừa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận dự án đầu tư theo phương thức BOT.

Hà Nội khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Phạm Đông |

Sáng 9.1, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.

Người dân TPHCM chật vật lội nước, xe cộ “chôn chân” sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

TPHCM - Tối 7.10, cơn mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, khiến người dân chật vật lội nước và kẹt xe về nhà.

Chủ quán cafe ở Thái Bình "choáng" vì hóa đơn nước quá cao

TRUNG DU |

Thái Bình - Chủ quán kinh doanh cafe tại TP Thái Bình gửi đơn khiếu nại đến công ty nước sạch vì hóa đơn tiền nước liên tục tăng cao bất thường theo thời gian.

Khẩn trương di dời 1 hộ dân khỏi vùng sạt lở đất ở Lâm Đồng

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm vừa khẩn trương di dời một hộ dân khỏi vùng sạt lở đất để đảm bảo an toàn.