Những nét chạm tạc nên triều đại

Bài và ảnh Bảo Đàn |

Những nét chạm sâu, dứt khoát, mạnh mẽ nhưng không kém phần phóng khoáng trên nền sa thạch; những đường nét khắc họa mềm mại trên hợp chất ô dước với hệ hoa văn không nặng tính điển chế, không nặng phần quy chỉnh... là những gì có thể nhận diện khi chiêm nghiệm về những di vật thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Những nét chạm muôn hình

Nếu thực hiện một hành trình khám phá trên khắp các dải đất miền Trung, có thể bạn sẽ nhìn thấy lẩn khuất đâu đó những tấm bia sa thạch hoặc nguyên vẹn, hoặc không còn nguyên vẹn. Hãy đừng bỏ qua chúng như việc nhìn thấy những bia đá thông thường, bởi ẩn sâu trong chúng là những thông tin quan trọng về một giai đoạn lịch sử, một mảng màu văn hóa khá dị biệt, và bạn có thể đang nhìn thấy vết tích của vương triều tồn tại cách chúng ta nhiều thế kỷ.

Từ giữa thế kỷ XVI, sau những mâu thuẫn với họ Trịnh ở Thăng Long, câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “một dải Đèo Ngang dung thân vạn đại” đã mở ra một tiền đồ cho dòng họ Nguyễn ở phương Nam, song song với việc mang đến cho vùng đất này một cơ hội thoát khỏi tư thế miền biên viễn vốn đeo đẳng như số phận.

Vùng đất đứng chân buổi đầu luôn được xem là “ác địa” với sự phủ tràn của tín ngưỡng Hindu lạ lẫm, những gì là hành trang văn hóa mang theo từ cố hương đất Bắc đã được sử dụng một cách triệt để để những thế hệ người Việt trong hành trình Nam tiến không đánh mất chính mình. Hình ảnh của kiến trúc, của không gian cư trú theo quan niệm của triết thuyết phương Đông, của những cửa võng, của hệ đề tài trang trí đẫm chất dân gian... đã được tiếp nối và hiện diện trên vùng đất mới như là cách để cố định nhân tâm, làm chỗ bám víu tinh thần cho những kẻ tha hương tìm đất sống. Dẫu rằng, cùng với thời gian khi xứ Đàng Trong trở nên phồn thịnh, những nét riêng dần được định hình qua chọn lọc, làm nên hình ảnh khác biệt của vùng đất với cội nguồn.

Vạc đồng thời Chúa Nguyễn trưng bày ở Hoàng thành Huế.
Vạc đồng thời Chúa Nguyễn trưng bày ở Hoàng thành Huế.

Như một bước chuyển giao cần thiết giữa thủ pháp tạo hình thời Trần - Lê với Nguyễn trong dòng chảy mỹ thuật dân tộc, những nét chạm dưới thời các Chúa vẫn giữ nguyên chiều sâu, chất thô phác, chú trọng hình khối với hệ đề tài trang trí mang nặng tính dân gian. Nó như bước chuyển tiếp cần thiết cho mỹ thuật Nguyễn về sau phổ biến với những mảng chạm nông, chú trọng tiểu tiết đến tận cùng với hệ đề tài nặng tính điển chế mang nhiều ảnh hưởng điển tích Trung Hoa.

Hình ảnh của những con Giao vấn vít quanh đao lửa, mặt trời, của chim Phụng thô mộc nhưng không kém phần tinh xảo dang cánh giữa trời mây, của những dải dây lá liên hoàn, của hoa Sen, Cúc hay Mẫu Đơn... trên chất liệu sa thạch làm thành những tấm bia lưu danh người đã khuất, hoặc những tấm bia công trạng được các Chúa ngự ban cho những vị công thần. Hình ảnh của những tổ hợp cúc nút, những dải hồi văn mang đậm nét kế thừa truyền thống, của những loài vật được thực hiện dưới thủ pháp tả chân đóng khung trong những ô hộc trên vạc đồng. Hình ảnh của những vì tinh tú, của mặt trời, đao lửa trên chiếc khánh hoặc chuông. Những nét vẽ bộ tứ bình, bát tiên trên hợp chất ô dước. Những nét chạm hình rồng thô mộc trên những bức hoành phi được chính tay các Chúa ngự đề... Tất cả chúng đã định hình thành một mảng mỹ thuật rất riêng, chỉ hiện diện ở xứ Đàng Trong một thủa.

Quai súng.
Quai súng.

Song hành với việc kế thừa nền tảng kinh tế từ những bộ phận người bản địa, chính sách mở cửa tiếp nhận khoa học kỹ thuật dưới thời các Chúa Nguyễn đã tạo tiền đề cho sự hình thành một dòng chảy khác trong lòng xứ Đàng Trong. Hình ảnh của những chiếc chân đèn, giá nến, của chữ A, của những ký tự Latin buổi đầu, của dải nguyệt quế, lá sòi, hoa huệ... tập thành những mảng chạm trang trí mang nặng ảnh hưởng của phương Tây trên những khẩu thần công bằng đồng.

Có lẽ, sự thuyết phục của khoa học kỹ thuật một thời đã là lý do để con người dễ dàng chấp nhận và sử dụng phổ biến hệ thống hoa văn vốn chưa từng xuất hiện trong dòng chảy mỹ thuật dân tộc.

... và một giai đoạn mỹ thuật xứ Đàng Trong

Độ bền của vật liệu luôn hữu hạn trước thời gian, dấu tích của những cung điện, lầu đài, đình tạ, hay chùa chiền dưới thời các Chúa hiện chỉ còn dấu vết mờ nhạt. Vậy nhưng, những mô tả của Đại Sán Hán Ông - một vị sư Trung Hoa từng đến xứ Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII, hay những mô tả của Christoforo Borri - một giáo sĩ dòng Tên đến truyền đạo ở Đàng Trong đã phần nào cho thấy được sự nguy nga và phồn thịnh của miền đất này trong quá khứ. Vương phủ của Chúa được mô tả là nơi “cửa lầu cao lớn rộng rãi, suối nước bao quanh”, “lầu son, gác đỏ đua nhau mọc lên bên trong la thành của phủ Chúa, bên trong khu vườn sầm uất của các thượng quan”, hay, “... mỗi trại đều có đặt súng đồng, nặng từ vài trăm đến vài nghìn cân, đúc rất tinh xảo, khảm châu sa phỉ thúy, văn vẻ sáng ngời...”.

Quai vạc.
Quai vạc.

Đến Huế hôm nay, bạn hãy dành chút thời gian để viếng thăm những di vật thời Chúa Nguyễn, chúng là những chiếc vạc đồng, những khẩu thần công nằm rải rác trong Hoàng thành, trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; chúng là những chiếc chuông, bức hoành phi, chiếc khánh đồng hay tấm bia khổng lồ ở chùa Thiên Mụ, hoặc xa hơn, những chiếc vạc, những pho tượng nằm trong những ngôi chùa làng xứ Huế.

Tựa như những cung bậc thời gian đan thành chân dung một triều đại, những nét chạm của người nghệ nhân trên chất liệu riêng có ở miền Trung thời các Chúa đã làm nên hình hài một di sản - Di sản mỹ thuật thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Dáng hình chim Phụng, thần thái của Rồng, kiểu hình Long hóa, những loài cây cỏ, hình tượng những loài vật khá ngô nghê dưới thủ pháp tả chân... song hành cùng những kiểu thức Âu hóa đã đan thành ký ức, ký ức về một giai đoạn xứ Đàng Trong hình thành và góp mặt vào dòng chảy lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh Bảo Đàn
TIN LIÊN QUAN

Nét thơ mộng của nhà vườn đẹp nhất xứ Huế

Bài và ảnh Việt Văn |

Nhà vườn An Hiên tọa lạc trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, TP.Huế) với mặt chính hướng về sông Hương và ngay bên cạnh cầu Dã Viên. Ở vị trí đắc địa này, du khách có thể thấy bóng chùa Thiên Mụ xa xa.

Áo dài ngũ thân trên xứ Huế

Việt Văn |

Tour du lịch khám phá bối cảnh phim trường Huế và áo dài ngũ thân nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra cuối tháng 11.2021. Các đại biểu tham gia đều được thử nghiệm trong tà áo dài ngũ thân và ai nấy đều trở nên lạ lẫm, mới mẻ.

Liên tiếp rò rỉ dữ liệu về việc che giấu tài sản tại các thiên đường thuế

Tường Linh (Tổng hợp) |

Đầu tháng 10 này, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố nội dung cuộc điều tra mang tên Hồ sơ Pandora, với thông tin cho thấy nhiều người giàu có và thế lực đã che giấu và âm thầm sở hữu các khối tài sản bí mật trị giá nhiều triệu đô la ở nước ngoài.

Kim hoàn xứ Huế - hơn 200 năm rực rỡ vàng mười

Bài và ảnh Thái Hoàng |

Sử cũ kể rằng, nghề kim hoàn xứ Huế ra đời vào cuối thế kỷ 18, do các nghệ nhân từ Thanh Hóa di cư vào truyền nghề. Trải qua hơn 200 năm thăng trầm cùng thế sự, nghề kim hoàn đất Cố đô có thời kỳ tưởng như mai một, may nhờ ơn tổ nghiệp và sự chăm chỉ gầy dựng của lớp lớp cháu con, nên nghề xưa không những được bảo tồn mà còn phát triển rộng khắp hơn so với trước.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.

Người dân TPHCM chật vật lội nước, xe cộ “chôn chân” sau cơn mưa lớn

MINH QUÂN |

TPHCM - Tối 7.10, cơn mưa lớn đã gây ngập sâu nhiều con đường ở quận Bình Thạnh, khiến người dân chật vật lội nước và kẹt xe về nhà.

Chủ quán cafe ở Thái Bình "choáng" vì hóa đơn nước quá cao

TRUNG DU |

Thái Bình - Chủ quán kinh doanh cafe tại TP Thái Bình gửi đơn khiếu nại đến công ty nước sạch vì hóa đơn tiền nước liên tục tăng cao bất thường theo thời gian.

Khẩn trương di dời 1 hộ dân khỏi vùng sạt lở đất ở Lâm Đồng

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm vừa khẩn trương di dời một hộ dân khỏi vùng sạt lở đất để đảm bảo an toàn.