Nơi truyền thống và hiện đại cùng đối thoại

Lê Thiết Cương |

Truyền thống văn hoá là cội rễ, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tinh thần cho người Việt hôm nay, trong đó có nghệ sĩ. Một truyền thống mấy nghìn năm tuổi là niềm tự hào, là bệ đỡ, là nền móng.

1. Công chúng yêu nghệ thuật, không ai là không biết đến tác phẩm “Ông Gióng”, sơn mài, 1990 của danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm, một tác phẩm đinh trong sự nghiệp của ông. Sáng tác về Thánh Gióng, một đề tài khá quen thuộc trong Mỹ thuật Việt, kể cả điêu khắc, nhưng Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm là kiệt tác bởi ông đã thấm, đã ngấm được cái hồn của nghệ thuật Đông Sơn để làm chất liệu xây nền móng cho ngôi nhà nghệ thuật của mình.

Thánh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm ngồi trên mình ngựa, tay ôm búi tre đang bay về trời sau khi đuổi được giặc Ân với ngôn ngữ tạo hình được chắt lọc, đan ghép, tổ hợp lại những motif điển hình của hoa văn hoạ tiết Đông Sơn: Những dấu chấm, đường thẳng, hình tròn, đường tiếp tuyến, hình sin... Vừa khúc triết, vừa chắc khoẻ, phù hợp với đề tài cần biểu đạt mà lại vô cùng hiện đại. Chất liệu sơn mài truyền thống, vàng son lộng lẫy cho câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương, một trong bốn vị thánh “tứ bất tử” của người Việt nhưng quan trọng nhất, xin được nhắc lại, Nguyễn Tư Nghiêm đã “kể” bằng một ngôn ngữ vô cùng hiện đại. Cách khai thác vốn cổ, học từ truyền thống tiếp tục được Nguyễn Tư Nghiêm đưa vào bộ tranh Kiều và nhất là bộ tranh “Điệu múa cổ” mà ông đã nghiền ngẫm, đã vẽ trong nhiều năm với hàng chục bức khác nhau trên cả chất liệu giấy dó cũng như sơn mài.

Từ Đông Sơn đến điêu khắc đình, chùa thế kỷ XVI, XVII, XVIII là hai đỉnh cao của mỹ thuật truyền thống của người Việt đã được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm kế thừa và làm mới lại truyền thống ấy qua các tác phẩm của mình.

Nguyễn Tư Nghiêm tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, trường thành lập năm 1925. Đây là cái nôi của mỹ thuật hiện đại. Nếu không có ngôi trường này thì mỹ thuật Việt Nam ngày hôm nay sẽ về đâu? Biết bao hoạ sĩ tài danh đã đi ra từ đây. Cái điều hay và may mắn là những ông thầy Pháp ngoài việc truyền dạy kỹ thuật, khoa giáo, chất liệu hội hoạ phương Tây cho trò thì luôn khuyến khích học trò quay về với chất liệu truyền thống, nghệ thuật truyền thống của người Việt. Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Kim Đồng cả đời gắn chặt với chất liệu sơn mài. Trong khi Nguyễn Phan Chánh chuyên tâm vào lụa.

2. Xin được dẫn ra tác phẩm: “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” của Nguyễn Gia Trí để thấy rõ hơn con đường từ truyền thống đến hiện đại của ông. Nguyễn Gia Trí đã đặt viên gạch đầu tiên cho con đường nghệ thuật sơn mài. Trước ông thì sơn mài vẫn là chất liệu thuần mỹ nghệ, trang trí như bàn ghế, đồ thờ, tượng đình chùa. Bắt đầu từ ông, sơn mài có một chân dung mới, sơn mài - mỹ thuật, sơn mài là một chất liệu cho hội họa. Đây là một bước ngoặt lớn. “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” là tác phẩm cuối cùng của ông, ông bắt đầu vẽ từ trước 1975 và hoàn thành năm 1988, kích thước 200x540cm theo hình thức bình phong gồm 9 tấm vóc ghép lại. Hình thức này hợp với những bức tranh khổ lớn mà họa sỹ thường dùng, đôi khi có thể vẽ cả hai mặt thành hai tranh khác nhau. Cho nên đây là tác phẩm có kích thước lớn nhất của ông.

Cô gái mặc áo dài, mực nho trên giấy điệp. Tranh: Lưu Công Nhân
Cô gái mặc áo dài, mực nho trên giấy điệp. Tranh: Lưu Công Nhân

Như tên gọi của bức tranh, ông vẽ một khu vườn “tưởng tượng” trong tiết xuân, có nắng gió, có sương khói, có hoa đào, có đền miếu, có ong bướm, có chim bay, công múa và trong khung cảnh lộng lẫy, lung linh xuân ấy, trọng tâm vẫn là con người, vẫn là những nhân vật đã thành biểu tượng của ông từ những bức tranh đầu tiên: Thiếu nữ với áo dài. Họ cũng chính là mùa xuân, là những nàng tiên trong vườn xuân địa đàng ấy. Người thì múa quạt, người thì đàn, người thì hát, người thì cưỡi lân; người nằm, kẻ ngồi, có những người nắm tay nhau cùng dạo vườn xuân, nắm tay nhau cùng nhảy một điệu vũ xuân nào đó. Người và cảnh vật, mùa xuân và xuân trong lòng người hòa một nhịp, thực và ảo hòa làm một. Tất cả toát lên không khí thanh bình, an lạc của một ngày mới, mùa mới, năm mới tràn đầy tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng chim hót... đầy nhựa sống và niềm vui. Điểm hạn chế của sơn mài là bảng mầu ít, chỉ có son, then, vàng bạc. Đã thế sơn mài lại không dễ vờn tỉa, tạo sáng tối, đậm nhạt như sơn dầu. Nhưng hai bất lợi đó lại được Nguyễn Gia Trí tận dụng làm cho sơn mài của ông rất hiện đại. “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” cũng như các tác phẩm khác của ông đều là những mảng phẳng, kiểu đồ họa, gợi hình chứ không gợi khối.  Đúng như ông từng tâm sự: “Với chất liệu sơn mài, không được bắt nó phải theo mình mà phải tôn trọng nó, hiểu và nương theo nó”.

3. Thêm một ví dụ nữa là tác phẩm “Người bán gạo” của Nguyễn Phan Chánh. Bình dị, giản dị, mộc mạc, thanh nhã, thuần khiết, mềm mại, an lành, đó là những gì mà người xem có thể cảm được qua tác phẩm và đó cũng chính là những đặc điểm trong không gian nghệ thuật của ông.

Kiến thức hội họa Tây phương kết hợp nhuần nhụy với một tâm hồn Việt Nam, nói chính xác là tâm hồn “nhà quê” Việt Nam, đó là Nguyễn Phan Chánh. Khoa giáo hội họa phương Tây (giải phẫu cơ thể) học ở trường Mỹ thuật chỉ là phương tiện và cái nền giúp Nguyễn Phan Chánh “kể” những câu chuyện nhà quê của mình. Ông là một người nhà quê vĩ đại. Cả một đời vẽ, chỉ vẽ nhà quê (như: “Chơi ô ăn quan”, “Rửa rau cầu ao”, “Hái rau muống”, “Chăn trâu trong rừng”, “Chống hạn gặp mưa”...) và ngay cả khi không vẽ quê mà vẽ tỉnh thì cũng là những chuyện ở tỉnh đượm hồn quê.

Những người quê, cảnh quê, chuyện quê trong tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh là những cảnh quá đỗi thân thương, dung dị, ai cũng thấy. Nó quen thuộc, nó hàng ngày đến mức không ai còn thấy nữa, chỉ có Nguyễn Phan Chánh mới nhìn thấy. Ông đã làm những điều giản dị ấy lung linh lên, huyền ảo lên; làm những người ấy, cảnh ấy sống lại và sống mãi  mà “Người bán gạo” là một ví dụ. Bao giờ thì nghệ thuật cũng giúp người ta phát hiện ra vẻ đẹp trong cái bình thường hàng ngày ở ngay quanh mình như thế.

Ai mà chả biết cái công thức chung để làm nên hiện đại: Kiến thức hội họa phương Tây kết hợp với tinh thần Á đông nhưng Nguyễn Phan Chánh đã biến công thức chung đó thành cái riêng của mình, cái riêng trong tranh lụa của mình cũng như Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm... đẹp và hiện đại theo cách kết hợp Đông Tây, mỗi người mỗi vẻ.

4. Trong kháng chiến chống Pháp, có một trường mỹ thuật đặc biệt khai giảng mùa hè năm 1950 ở Thái Nguyên với một khoá thường được gọi là Khoá kháng chiến, do thầy Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Tư Nghiêm và một số thầy khác trợ giảng. Khoá học này (1950 - 1954) đào tạo được 21 hoạ sĩ đều là những tên tuổi lớn tạo ra diện mạo của Mỹ thuật Việt Nam thế hệ thứ hai: Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Mai Long, Đào Đức, Ngô Mạnh Lân, Linh Chi... Không dễ nhận ra cụ thể, chi tiết hình nào, màu nào, mà các ông kế thừa từ cái vốn tri thức của cha ông như tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm nhưng phong hoá, hồn cốt, tâm tính của dân tộc luôn thấm đẫm trong hội hoạ của các ông. Hoạ sĩ Mai Long với hai chất liệu sở trường là lụa và sơn mài, ông thăng hoa đặc biệt khi vẽ phong cảnh vùng núi Tây Bắc, nơi mà ông đã sống và gắn bó nhiều năm; những sơn nữ, những phiên chợ vùng cao, những lễ hội được ông tạo hình từ họa tiết trên phục trang của các tộc người thiểu số, người Thái, người Dao đỏ, người H’Mông vốn thiên về đường thẳng và hình kỷ hà, cùng một bảng màu nguyên, chàm, đen, đỏ... Những hình ấy, màu ấy đối thoại với nhau để tạo nên một giai điệu đẹp là do hoa văn hoạ tiết, bảng màu ấy vừa là nó mà đã là một nó khác. Họa sĩ Mai Long đã sáng tạo lại truyền thống ấy.

Một trường hợp nữa là hoạ sĩ Lưu Công Nhân. Trực hoạ, ký hoạ chỉ là một phương pháp nhưng với Lưu Công Nhân, ông đã đẩy lên thành phong cách. Người xem thấy nét trong tranh của ông phóng khoáng “như chơi”, bay lượn, gợi đến tinh thần Á Đông trong thư pháp cuồng thảo. Ông coi đề tài hay chất liệu chỉ là phương tiện dù là sơn dầu trên vải hay mực nho trên giấy dó, mầu nước trên giấy đều nhẹ nhàng không nặng nề của dụng công, gò gẫm tỉa tót, của kỹ thuật, kỹ xảo. Nhà văn Tô Hoài nói: “Lưu Công Nhân là người của dọc đường kháng chiến và bình yên. Ông được coi là bậc thầy mầu nước của hội họa Việt Nam”.

5. Tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đưa ra quyết định Đổi mới, một “Đại hội Đổi mới”. Một bước ngoặt quan trọng dẫn đến sự thay đổi mọi mặt trong đời sống, từ chính trị, kinh tế, văn hoá nghệ thuật. Có một thế hệ hoạ sĩ, được gọi là thế hệ vàng đã làm nên tên tuổi trong giai đoạn này. Chính là hội hoạ chứ không phải là các ngành nghệ thuật khác đã tiên phong đưa nghệ thuật Việt nam ra nước ngoài.

Đặng Xuân Hoà, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân Thành Chương, Đào Hải Phong, Bùi Hữu Hùng, Lê Đình Nguyên... tạo được dấu ấn, được những người yêu nghệ thuật quan tâm trước hết là bởi thông qua tác phẩm của họ, người thưởng ngoạn thấy được truyền thống văn hoá của người Việt, đời sống Việt, tâm hồn Việt. Vẫn là những hội hè đình đám, chăn trâu, cắt cỏ, cấy cày nhưng đã là một cách kể hoàn toàn mới so với giai đoạn trước. Mở cửa không phải là để đi đâu mà là để quay về với truyền thống, làm mới lại truyền thống. Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên là một ví dụ. Người ta có thể nhìn thấy qua các tác phẩm của Lê Đình Nguyên đôi chút dấu vết của rối cạn, rối nước, dấu vết của cảm nghĩ và tạo hình truyền thống trong điêu khắc đình làng, dấu vết của chất liệu dân gian.v.v.. Nhưng Lê Đình Nguyên không nệ vào tất cả những điều nêu trên, với Nguyên đó chỉ là nguyên liệu, là phương tiện để làm ra cái dấu vết của mình, phong cách của mình. Qua tác phẩm của Lê Đình Nguyên, người xem thấy đó là nơi truyền thống và hiện đại cùng đối thoại.

Không chỉ hội họa và điêu khắc, những nghệ sĩ gốm ở các làng nghề gốm cổ truyền cũng đều có những tìm tòi, cách tân trên cơ sở tay nghề, kỹ thuật, chất liệu của cha ông truyền lại. Nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung ở làng gốm Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh, nghệ sĩ Nguyễn Hồng Quang ở làng gốm Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đều là những người tiêu biểu của các nghệ sĩ trẻ hôm nay trong câu chuyện trăn trở với nghề, với làng nghề. Làm sao vẫn giữ được truyền thống nhưng phải là một truyền thống mới. Làm sao đưa được ngôn ngữ hội họa, tạo dáng, tạo hình, tạo dáng hiện đại vào truyền thống ấy để truyền thống ấy đẹp hơn và sống được trong đời sống hôm nay. Vẫn là những chum tương, vại nước, cối giã cua, ấm sắc thuốc... ấy nhưng bằng tạo dáng, khắc, đắp, vẽ nào đó để hiện đại và truyền thống gặp nhau. Như một lớp men áo hiện đại khoác lên cái thân truyền thống.

6. Những trống đồng thời Đông Sơn, cách đây 2.500 năm, những thạp gốm Lý, Trần, những lọ, đĩa gốm Chu Đậu, Bát Tràng từ mấy trăm năm đến cả nghìn năm tuổi đều là những tác phẩm nghệ thuật tạo ra một truyền thống riêng biệt của nghệ thuật Việt. Những bảo tàng lớn trên thế giới đều sưu tập và trưng bày những tác phẩm này. Bảo tàng Anh (British Museum) ở London sở hữu 1 lư hương gốm của Việt Nam, được làm từ đầu thế kỷ 17. Không chỉ Bảo tàng Anh, Bảo tàng Guimet ở Paris, Bảo tàng Metropolitan ở New York, Bảo tàng Idemitsu ở Tokyo cũng có nhiều đồ gốm cổ của Việt Nam.

Ông John Stevenson, curator của Seattle Art Museum và ông John Guy, curator của Victoria và Albert Museum nhận định trong cuốn Gốm Việt Nam được xuất bản bởi Art Media Resources (1997): “Sự phát triển của đồ gốm Việt Nam liên quan mật thiết đến lịch sử thăng trầm của dân tộc. Đọc sách này độc giả sẽ thấy đồ gốm Việt Nam đã có một truyền thống riêng biệt, một quá khứ huy hoàng, một hãnh diện cho người Việt Nam”.

Truyền thống văn hoá là cội rễ, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tinh thần cho người Việt hôm nay, trong đó có nghệ sĩ. Một truyền thống mấy nghìn năm tuổi là niềm tự hào, là bệ đỡ, là nền móng. Câu chuyện về những nghệ sĩ và tác phẩm của họ nêu trên là những minh chứng đẹp nhất cho con đường đi từ truyền thống đến hiện đại, con đường kế thừa và phát triển truyền thống, cho cách làm mới truyền thống, hiện đại hoá truyền thống, tạo ra một truyền thống mới, một truyền thống Việt Nam hiện đại.

(11.2021)

Lê Thiết Cương
TIN LIÊN QUAN

Tích lũy hành trang văn hóa đủ đầy để tự tin bước vào tương lai

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Trong Diễn văn khai mạc đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội, 24.11.1946), Hồ Chủ tịch khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Đừng để đứt gãy những giá trị văn hóa truyền thống!

Việt Văn (thực hiện) |

Nhà nghiên cứu, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế có nhiều tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách như “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê”, “Song xưa phố cũ”, “Nghê Việt tinh tuyển”... Anh cũng hai lần nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều công sức nghiên cứu về con Nghê, đưa hình ảnh Nghê tạo hình trên nhiều chất liệu, phục dựng điệu múa Nghê để giới thiệu trong các tour du lịch khám phá Việt Nam…

Thủ tướng đề nghị Pháp hỗ trợ trùng tu các di sản văn hóa Pháp - Việt Nam

Hải Anh |

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ cho việc phát triển năng lực y tế cho Việt Nam, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, xem xét tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc trùng tu các di sản văn hóa Pháp – Việt như cầu Long Biên...

Phật giáo đồng hành, gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc

Phong Quang- Phùng Minh |

Tuyên Quang- Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang vừa có chuyến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tuyên Quang. 

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Bài và ảnh MINH THI |

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

PGS Đặng Bích Hà an nghỉ bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Sáng 29.9, lễ an táng PGS Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

Bé trai 3 tháng tuổi từng ở Mái ấm Hoa Hồng đã tử vong

NGUYỄN LY |

TPHCM - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bé trai 3 tháng tuổi (từng ở Mái ấm Hoa Hồng) tử vong do viêm phổi nặng, kém đáp ứng điều trị.

Đà tăng giá vàng phá vỡ "lời nguyền tháng 9"

Khương Duy (Theo Kitco) |

Giới chuyên gia nhận định tháng 9 thường là "điểm trũng" của giá vàng thế giới. Tuy nhiên năm nay, quan niệm này không còn chính xác.

Tích lũy hành trang văn hóa đủ đầy để tự tin bước vào tương lai

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Trong Diễn văn khai mạc đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (diễn ra tại Hà Nội, 24.11.1946), Hồ Chủ tịch khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. 

Đừng để đứt gãy những giá trị văn hóa truyền thống!

Việt Văn (thực hiện) |

Nhà nghiên cứu, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế có nhiều tâm huyết với các giá trị văn hóa dân tộc. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách như “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê”, “Song xưa phố cũ”, “Nghê Việt tinh tuyển”... Anh cũng hai lần nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều công sức nghiên cứu về con Nghê, đưa hình ảnh Nghê tạo hình trên nhiều chất liệu, phục dựng điệu múa Nghê để giới thiệu trong các tour du lịch khám phá Việt Nam…

Thủ tướng đề nghị Pháp hỗ trợ trùng tu các di sản văn hóa Pháp - Việt Nam

Hải Anh |

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ cho việc phát triển năng lực y tế cho Việt Nam, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý văn hóa, xem xét tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc trùng tu các di sản văn hóa Pháp – Việt như cầu Long Biên...

Phật giáo đồng hành, gắn liền với truyền thống văn hóa dân tộc

Phong Quang- Phùng Minh |

Tuyên Quang- Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang vừa có chuyến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tuyên Quang. 

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Bài và ảnh MINH THI |

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.