Thi sĩ Trần Hòa Bình: “Sống với thơ cần trân trọng và biết sợ”

Đinh Xuân Trường |

Đã 12 năm, nhà thơ Trần Hòa Bình đi vào cõi vĩnh hằng (18.8.2008-18.8.2020), nhưng bạn đọc, nhất là học sinh, sinh viên trong cả nước mấy ai có thể quên những bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ hào hoa, sắc sảo quê “Xứ Đoài mây trắng lắm”. Đối với nhà thơ Trần Hòa Bình, anh luôn ý thức “sống với thơ cần trân trọng và biết sợ”.

Kỷ niệm bên sân bóng Trường ĐHSP I Hà Nội

Tôi may mắn có thời gian là học trò của thầy Trần Hòa Bình ở Khoa Báo chí, Trường Đại học Tuyên Giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), được thầy coi là đứa em, là một người bạn thân thiết. Chúng tôi thường hay tụ tập nói chuyện văn chương, báo chí, có nhiều lúc cùng uống rượu, đọc thơ thâu đêm ở tầng 5 ký túc xá trường này. Tôi kém thầy Trần Hòa Bình 3 tuổi nên thầy bảo, ngoài giờ ở lớp thì mình cứ gọi nhau bằng anh em cho gần gũi và tiện.

Có lần bên sân bóng đá Trường Đại học Sư phạm I (ĐHSP I) Hà Nội, tôi hỏi nhà thơ Trần Hòa Bình: Em nghe nhiều bạn thanh niên, sinh viên nhắc đến anh như là một nhà thơ hào hoa và sắc sảo. Nhiều người cho biết họ chép khá nhiều bài thơ của anh. Vậy qua thơ, anh đã tâm tình với họ như thế nào? Trần Hòa Bình ồ lên: “Hào hoa và sắc sảo kia à? Lạy trời, quả thực là tôi không dám nghĩ mình nặng ký đến thế. Còn nếu có được chút nào cái phẩm chất ấy thì có lẽ là do tôi đã được ăn “hỏa hồng” của tổ tiên. Trong số các tỉnh lẻ ở phía Bắc, người ta thường khen trai Sơn Tây và Bắc Ninh hào hoa mà tôi thì sinh ra ở Sơn Tây, cái đất “Xứ Đoài mây trắng lắm”, cách nhà cụ Tản Đà và ông Quang Dũng không xa. Nói thế là hơi hỗn với các cụ rồi đấy! Tôi cũng nhận thấy, các bạn học sinh, sinh viên có cảm tình với tôi, có lẽ là do tôi luôn có điều kiện sống với họ và tương đối hiểu họ. Thơ tôi chẳng có gì to tát. Tôi chỉ biết thủ thỉ với họ như những người trong cuộc, thân ái và bạn bè, thế thôi”.

Vẫn câu chuyện về sáng tác thơ, tôi hỏi nhà thơ Trần Hòa Bình: Có người nói “thơ như ma”, anh có nghĩ vậy không? Anh đã “sống” và “chết” cho thơ ra sao? Trần Hòa Bình khẽ cười, rồi nói: “Đã là “ma” thì chỉ còn biết hương khói cho nó, nghĩa là hãy trân trọng và biết sợ. Tôi nghĩ về thơ và công việc làm thơ như thế. Chính vì vậy, bao giờ tôi cũng thành tâm trong thơ. Không hiểu như vậy là tôi đã “sống” và “chết” cho thơ chưa?”.

Vẫn biết “đọc thơ thì thấy người, biết người”. Yêu thơ Trần Hòa Bình, nhưng để lột tả được chân dung thơ anh là việc không phải dễ. Vậy nên, tốt nhất, tranh thủ lúc ngồi nói chuyện thơ với anh, tôi mạnh dạn hỏi: Anh có sợ thơ không, nếu có thể tặng bạn đọc “bức chân dung tự họa” bằng thơ của mình thì anh tặng những bài nào?

Trần Hòa Bình tỏ vẻ thích thú: “Tôi là kẻ yếu đuối lại vừa “nghêu ngao”, rồi anh chọn đọc cho tôi nghe hai bài thơ (tính đến thời điểm đó, sau đó còn có nhiều bài được bạn bè văn nghệ của anh đánh giá xuất sắc) mà anh cho là tiêu biểu cho cái tạng thơ của anh, đó là bài “Thêm một” và bài “Khúc giã biệt”. Tôi xin chép lại giới thiệu với bạn đọc Lao Động cuối tuần.

Có muốn cũng không bỏ được thơ đâu

Trần Hòa Bình là người đa tài. Anh không chỉ giảng dạy, làm thơ mà còn vẽ biếm họa, sớm viết báo kiếm nhuận bút, thậm chí tham gia nổi dình nổi đám chuyên mục “Một trăm câu hỏi thường ngày” trên báo Tiền Phong với bút danh là Tầm Thư.

Nhớ thời học ở Trường Đại học Tuyên giáo, có lần tôi hỏi nhà thơ Trần Hòa Bình về chuyện anh đã tặng bạn đọc nhiều bài thơ tình, biết đâu là đã giúp cho mối tình của họ thêm đẹp; còn với anh thì đến giờ vẫn cứ dang dở, cô đơn. Trần Hòa Bình trầm ngâm rồi nhìn xa xăm. Anh nói: “Tôi không biết nói thế nào bây giờ. Trái tim tôi cũng đang bị nhức nhối. Ờ, ai đã bảo nhỉ, bác sĩ nha khoa có thể bị rụng răng, thợ hớt tóc có thể bị hói đầu. Tôi tin là có số phận. Chắc là anh đã hiểu tôi định nói gì...”. Nhận thấy mình đã chạm vào nỗi đau của nhà thơ, tôi liền quay sang Trần Hòa Bình hỏi anh chuyện khác: Em nghe nói anh có ý định đi đóng phim và cầm cọ, vậy liệu anh có tính “ly dị” với thơ? Trần Hòa Bình bật cười, nói: “Cọ thì tôi cầm từ thuở học trò, từng tham gia triển lãm và đoạt giải đây đó. Thời sinh viên, tôi đã phải kiếm tiền bằng việc vẽ biếm họa cho các báo. Còn đóng phim thì có lẽ do mấy anh bạn đạo diễn quá nhẹ dạ. Tôi dọa: “Tớ sẽ mang về cho các cậu một cái giải Oscar (!), thế là họ bắn lời rủ rê... Đùa vậy thôi, có thể các anh ấy thấy tôi hợp với một vai trí thức “dỏm” mà họ đang tìm? Trước đây, tôi cũng đã từng thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh”. Đang chuyện vui, nhà thơ Trần Hòa Bình nói với tôi: “Còn cả chuyện nhậu nhẹt nữa đấy. Chú, Dũng Tuấn, Duy Lộc... (những học viên lớp Báo 9 cùng phòng ở ký túc xá Trường Đại học Tuyên giáo -  (Xuân Trường) tập cho tôi uống rượu, đến khi tôi ngấm thì nhiều lần chú lại né lai rai là sao?”. Chẳng biết có phải tụi tôi tập uống rượu cho anh không, chắc anh chỉ nói vui, nhưng do bị bệnh đại tràng nên nhiều cuộc tôi né nhậu thật, hoặc có uống thì chỉ uống chút chút”. Bạn Trương Thiếu Huyền (cùng lớp  Báo 9 với tôi) kể về nhà thơ Trần Hòa Bình như sau: “Có lần Trần Hòa Bình tâm sự, nếu được làm lại từ đầu, ông sẽ làm nhạc sĩ. Gần ông, tôi biết, đêm đêm ông thường nghe quan họ, các ca khúc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Ông từng dự thi vào trường Mỹ thuật. Tôi thêm bất ngờ khi ông còn cho biết: Tớ đã từng đi khám tuyển phi công đấy nhé”. Yêu nhạc, yêu họa... nhưng cứ mỗi lần gặp anh, nói chuyện loanh quanh một hồi là anh lại trở về thơ. Nhớ câu hỏi của tôi liệu rằng anh có “ly dị” thơ để đi cầm cọ, đóng phim, nhà thơ Trần Hòa Bình nói: “Thơ ư, khó lắm, có muốn bỏ cũng không được đâu”.

THÊM MỘT

Thêm một chiếc lá rụng

Thế là thành mùa thu

Thêm một tiếng chim gù

Thành ban mai tinh khiết

Dĩ nhiên là tôi biết

Thêm một - lắm điều hay

Nhưng mà tôi cũng biết

Thêm một - phiền toái thay

Thêm một lời dại dột

Tức thì em bỏ đi

Nhưng thêm chút lầm lì

Thể nào em cũng khóc

Thêm một người thứ ba

Chuyện tình đâm dang dở

Cứ thêm một lời hứa

Lại một lần khả nghi

Nhận thêm một thiếp cưới

Thấy mình lẻ loi hơn

Thêm một đêm trăng tròn

Lại thấy mình đang khuyết...

Dĩ nhiên là tôi biết

Thêm một - lắm điều hay...

 

 KHÚC GIÃ BIỆT

Thôi em ạ, anh lại làm thi sĩ

Mùa hạ nồng nàn thương tiếc tuổi hai mươi

Tờ lịch rụng một tháng ngày đơn lẻ

Đã hết một tình yêu, qua một bến bờ

Thôi em ạ, anh lại làm thi sĩ

Đánh thức những câu thơ như sỏi đá im lìm

Nước đã chảy qua rong rêu quên lãng

Những dấu chân xa nước muốn đi tìm

Thôi em ạ, anh lại làm thi sĩ

Những câu thơ đập cửa mỗi đêm về

Anh lại khóc nguyên sơ và thành thực

Trước lớn lao dâu bể với một người

Thôi em ạ, anh lại làm thi sĩ

Cúi lạy em - bài thơ cũ thương buồn

Anh lại bay dưới bầu trời đơn lẻ

Với đôi cánh ba mươi đã bị bắn thương rồi...

Đinh Xuân Trường
TIN LIÊN QUAN

Sự đồng điệu cảm xúc giữa nhà báo, nhà thơ

đinh viên |

Không ít nhà báo làm thơ, và cũng có nhiều người vừa viết văn, vừa viết báo. Mỗi trang báo, trang thơ của họ thấm đẫm chất nhân văn, bồi đắp tình yêu con người và cuộc sống. Song, điều quý nhất là họ dành những cảm nghĩ chân tình khi ta đọc những bài thơ, tập thơ của từng người đã xuất bản. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn học Đinh Viên về vấn đề này.

Nhà thơ Cuba đạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tác tác phẩm về Bác Hồ

Ái Vân |

02 tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ" và "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" đã đạt giải đặc biệt trong Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020.

Nhà thơ cách mạng và bài học từ quá khứ

PHẠM XUÂN DŨNG |

Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.

Gian nan khi tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Chính quyền địa phương nỗ lực xử lý việc tàu cá của ngư dân mất kết nối giám sát hành trình, nhưng vẫn chưa có phương án tối ưu.

Những doanh nghiệp liên tục chậm trả nợ trái phiếu

Lục Giang |

Các ông lớn như Hưng Thịnh Land, Hưng Thịnh Quy Nhơn, Novaland… liên tục chậm trả nợ trái phiếu với số tiền chậm trả mỗi doanh nghiệp hàng nghìn tỉ đồng.

Người dân vô tư vứt rác thải xuống ao chuôm xanh

HOÀNG LỘC - HUYỀN TRANG |

Hà Nội - Người dân vô tư vứt rác thải xuống ao chuôm xanh ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm từ nhiều năm qua gây hôi thối nồng nặc.

Trung Quốc đồng tâm hiệp lực với Nga vụ Nord Stream

Khánh Minh |

Trong cuộc tranh luận về vụ nổ Nord Stream tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đồng tâm hiệp lực đứng về phía Nga.

Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vừa xảy ra tại Công ty CP Phân lân Ninh Bình khiến một công nhân bị tử vong.