Vì cái đẹp mà... tĩnh lặng

Kiều Bích Hậu (thực hiện) |

Nguyễn Văn Thọ, nhà văn từ hải ngoại trở về, viết tiểu thuyết “Quyên” khiến bao độc giả xúc động, được dựng phim nhựa, cũng hút khán giả không kém. Nhưng còn một Nguyễn Văn Thọ vẽ tranh thì mới đây khiến nhiều khán giả truyền hình ngạc nhiên khi anh chia sẻ điều này trong chương trình truyền hình Quán Thanh Xuân (VTV1) có nhan đề “Sân ga và những con tàu” phát sóng dịp Tết dương lịch 2021. Bức tranh của nhà văn Nguyễn Văn Thọ vẽ lần đầu tiên công bố trên truyền hình cũng là bức vẽ con tàu, với hai đứa trẻ, và nhà văn Thạch Lam.

Nguyên cớ để văn nhân này cầm cọ, vẽ văn nhân khác (Thạch Lam) và còn nhiều nhân vật đủ sức lay động nhà văn đi từ chiều thời gian sang chiều kích của không gian, là gì? Chúng ta cùng trò chuyện với ông.

Thưa nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nỗi niềm nào đã thôi thúc ông cầm cọ vẽ tranh?

- Từ vài năm nay, tôi rơi vào hoàn cảnh khá bất an vì việc riêng tư. Tôi có người cha là họa sĩ Đông Dương, biết khi họa người ta có thể vì cái đẹp mà tĩnh lặng. Tĩnh thì minh, minh thì an. Tôi lấy hội họa cho lòng an. Như khi mình viết truyện căng thẳng thì ra chăm gà, tưới hoa, chăm cây, chơi với chó. Vì sự cấp bách ấy, 60 năm nay tôi không cầm cọ. Nay từ tháng 5 (2020), tôi cầm cọ và cuốn vào sự cảm hứng ấy.

Anh vẽ những chủ đề gì và nguồn cảm hứng vẽ tới với anh như thế nào? Hiện tại sôi động này lại khiến anh lặng chìm vào tranh, hay vì điều sâu xa nào khác?

- Khởi đầu tôi vẽ con cái tôi, tôi có ba đứa con thì hai đứa luôn xa cách. Tôi nhớ thương mà vẽ chúng treo quanh mình cho có cảm giác con cái luôn bên tôi. Sau là tôi vẽ bạn hữu, những người thân, những người tôi biết ơn và yêu quý họ. Tức là thể loại khó nhất của hội họa: Chân dung. Khi vẽ ai, tôi suy nghĩ rất nhiều, cảm hứng từ tất cả ưu điểm của họ, đặc tính cơ bản của họ và quan trọng là sự mong đợi của tôi về họ.

Anh đọc Thạch Lam đầu tiên khi nào, anh có thể chia sẻ với bạn đọc về tác phẩm của Thạch Lam?

- Tôi đọc Thạch Lam từ cuối thập kỷ năm mươi. Ở hiệu sách cho thuê đầu ngõ Chợ Trời, những truyện ngắn. Lớn lên tôi mới biết, ông là nhà văn trong nhóm sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn. Thạch Lam là nhà văn của quần chúng lao khổ. Nhà văn của những con người trong vùng tối, hướng và khát vọng để bước ra vùng sáng cuộc đời. Khi trưởng thành, tôi rất ấn tượng truyện ngắn Sợi tóc. Sợi tóc cho tôi nhận thức được bản chất con người nói chung và tự nhủ, rằng giữa ác và thiện mong manh lắm, nhưng mình phải là người tử tế.

Cảm giác của tôi về Thạch Lam nói chung là sự thương cảm. Ông tài năng và không may mắn. Mất khi quá trẻ. Thương lắm!

Khi được đặt hàng vẽ tranh Thạch Lam, anh sung sướng, hay lo lắng?

- Tôi có một người bạn tên Nguyễn Gia Quân. Anh là một doanh nghiệp kinh doanh ngành ăn uống. Quân trẻ hơn tôi khoảng 20 tuổi nhưng tâm đầu ý hợp. Bấy nay, việc ăn uống ở Hà Nội biến diễn phức tạp. Người ta vì một thời bao cấp, đói dinh dưỡng nên xu hướng ăn uống khá tạp, xa dần cái sự tinh tế trong các món ăn cổ truyền mà tổ tiên ta đã dày công vun đắp. Sự tinh tế của tộc Việt trong đất Thăng Long xưa là sự ứng xử hợp lý với chính các sản phẩm thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này và, nó được tái hiện rất hay trong các bài viết của Thạch Lam. Các món ăn của cha ông, không chỉ là dinh dưỡng, nó bao hàm cả triết lý Đông Phương, về ngũ hành, về âm dương. Bạn Quân tôi ý thức được điều ấy, nên muốn tổ chức một quán ăn lấy tên theo cuốn sách của Thạch Lam xuất bản đã rất lâu “Hà Nội Băm sau phố phường - Món ngon Hà Nội”. Anh muốn Hà Nội quay lại với điều thoạt kỳ thủy của nghệ thuật ẩm thực. Chính vì vậy, Quân muốn tôi tái hiện lại chân dung Thạch Lam. Việc thật khó vì ông Thạch Lam mất lúc 32 tuổi, mà không có một tấm ảnh nào để lại. Vẽ chân dung đòi hỏi nhân vật phải giống. Chúng tôi đi xuống tận Cẩm Giàng thăm vùng đất, ngôi nhà của Thạch Lam sống cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn, lại đi xuống nghĩa trang Hợp Thiện làm lễ cúng vong hồn nhà văn. Muốn tìm cảm xúc trở thành sự chấn động trong tâm hồn tôi, lớp nhà văn hậu sinh. Tôi lo lắng thật sự và phải nhờ nhà phê bình Đặng Tiến hiện sống ở Pháp có ý kiến kêu gọi các bạn ở hải ngoại giúp đỡ. Thấy được tấm lòng chúng tôi, nhiều bạn, trong đó có cả con cháu họ hàng cụ Thạch Lam đã giúp đỡ. Họ cung cấp tác phẩm duy nhất vẽ Thạch Lam của cố họa sĩ Đinh Cường, tranh họa sĩ Đông Dương vẽ Nhất Linh. Những bài viết nghiên cứu, và cả hồi ký về Thạch Lam rải rác trên thế giới, nhiều ảnh của Thạch Lam khi trẻ và cả ảnh anh ruột ông là nhà văn Nhất Linh, để tôi suy đoán khuôn mặt của Thạch Lam. Tất cả có thể giúp tôi hình dung và tưởng tượng ra nhà văn Thạch Lam khi ông mất. Đấy là những ngày đêm tôi thực sự lao động hết mình.

Chân dung Thọ Muối tự họa.
Chân dung Thọ Muối tự họa.
Khi Thọ Muối vẽ.
Khi Thọ Muối vẽ.

Tranh bán cao giá, thậm chí hơn những họa sĩ có tên tuổi đàng hoàng, có làm anh sung sướng được lâu? Theo anh, với tư cách nhà văn cầm cọ vẽ, giá trị cao nhất của tranh nằm ở khía cạnh nào?

- Khi tôi bắt tay vào vẽ, bạn tôi nhà họa sĩ Thành Chương có bảo, ông đang xông vào lĩnh vực khó nhất của hội họa: Chân dung. Tôi bảo, tính tôi như vậy biết làm sao được. Cái khó nhất của tôi phải vượt qua là bao năm nay tư duy của nhà văn đã ăn mòn thành rãnh trong đầu nên khi chuyển sang tư duy ngôn ngữ hội họa là cả một thử thách. Song tôi luôn nghĩ, tranh chân dung có khi gói ghém cả lịch sử của nhân vật, cái tinh thần chính của lịch sử ấy. Và, lý do nữa là nhà doanh nghiệp Nguyễn Gia Quân đã tin cậy mình. Sự tin cậy, theo tôi, trong các mối quan hệ có khi quan trọng hơn cả tiền bạc. Tất nhiên, khi anh Quân trả tôi một số tiền khá lớn bù cho công sức lao động, tôi cũng rất vui. Xin trình bày rằng, ở giai đoạn này, mục tiêu vẽ tìm nguồn vui ở tư duy hội họa làm an lòng mình mới là mục tiêu chính, vì thế tranh tôi tặng bạn bè, biếu không nhiều. Bạn bè thương, bắt nhận một số tiền nào đó giúp đỡ. Nhưng rõ ràng tôi cũng mang lại ít nhiều giá trị nghệ thuật nào đó nên không chỉ anh Quân đặt hàng, tôi có cả giáo sư am tường về hội họa đặt hàng vẽ, cả nhà báo rất nổi tiếng và nhà doanh nghiệp khác mua tranh. Số tiền lớn mang lại hơn nhiều so với văn học cũng giúp tôi ở giai đoạn khó khăn hiện tại và quan trọng nhất là mình làm được việc mà người khác khó làm được.

Về nghề tôi tự biết mình còn có khuyết điểm. Đó là sự tất nhiên trong hội họa khi yếu tố thợ chiếm một góc không nhỏ, phải thuần thục. Một người 60 năm không vẽ sao mà thành thục ngay được. Từng bức tranh, lại trong sự chỉ bảo của các họa sĩ bậc thầy là bè bạn, tôi khắc phục dần nhược điểm, bàn tay nghe cái đầu, điệu nghệ dần. Điều quan trọng nhất người ta tìm thấy trong tranh của Thọ Muối là “Một tấm lòng của người với người”. Từng vệt màu nhát cọ phải có tình, có xúc động. Điều này nhiều họa sĩ nhận ra. Ý đồ tác giả và sự biểu hiện nó qua bố cục, ánh sáng, màu sắc. Tranh tôi vẽ không cái nào lặp lại cái nào. Đó là điều đòi hỏi của nghệ thuật nói chung, không cứ gì riêng hội họa.

Anh yêu bức tranh nào nhất ngay từ khi hình thành ý tưởng và bắt đầu vẩy nét cọ đầu tiên? Vì sao?

- Là cha đẻ ra con cái, chả con nào yêu hơn con nào. Hội họa hay văn học đều đòi hỏi như vậy. Song tôi sẽ không bán ba bức tranh của ba đứa con tôi. Trước hết, cả ba đứa đều xa cha chúng, nên khi tranh vẽ các con được bày trong phòng, ngày ngày tôi có cảm giác như được sống quanh chúng. Còn khi vẽ cũng như khi viết, tôi đều lao động rất nghiêm túc. Tác phẩm nào cũng “đánh vật” lao tâm khổ tứ. Vẽ bạn văn Đỗ Bích Thúy, tôi xóa trắng tranh cũ thực hiện lại, đấy là điều ít ai dám làm. Mỗi sáng tác trong lao động nghệ thuật là thêm một lần vượt cạn, tôi ghét sự lười nhác.

Tranh Thọ Muối.
Tranh Thọ Muối.
Tranh Thọ Muối.
Tranh Thọ Muối.

Anh hình dung mình sẽ làm gì với "con đường vẽ tranh" của mình sau 5 năm, 10 năm nữa?

- Như tôi nói, hội họa chính là cho lòng tôi an, cho tôi luôn giữ gìn sự lương thiện trong tấm lòng, tâm hồn, đó mới là mục đích. Vì thế hỏi rằng, sau 5, 10 năm nữa tôi sẽ vẽ thế nào thì tôi không biết. Tôi không có mục tiêu gì cả. Danh hiệu họa sĩ hay điều khác nó là thứ tôi vô sở cầu. Cứ vẽ thôi. Còn điều quan trọng hơn là phải làm nốt các dự liệu đang dang dở về văn chương.

Trân trọng cảm ơn nhà văn, họa sĩ.

Kiều Bích Hậu (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Họa sĩ Lê Thế Anh: Khi người mua tỉnh ngộ thì họa sĩ càng phải có cái tôi riêng

Việt Văn (thực hiện) |

Diễn đạt mạch lạc ý tưởng, am hiểu sâu lĩnh vực, Lê Thế Anh là một họa sĩ trẻ trong tư duy và lối vẽ, dành nhiều thời gian nghiên cứu về mỹ thuật trong nước và thế giới. Một cuộc trò chuyện thú vị với anh về tranh sáng tác, tranh thị trường và những vấn đề khác của đời sống họa sĩ.

Khi họa sĩ bán tranh giỏi được tôn vinh

Việt Văn |

Có thể coi đó là một sự kiện trong giới mỹ thuật Việt, khi lần đầu tiên những họa sĩ bán tranh giỏi trên thị trường tụ hội trong “Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật”.

Họa sĩ quê Quảng Bình đam mê vẽ tranh cổ động chống dịch COVID-19

LÊ THỊ KIM SƠN |

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch bệnh COVID-19. Với thời gian khá gấp gáp, chỉ từ ngày 10 đến hết ngày 15.3.2020, nhưng Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 103 tác phẩm dự thi của các họa sĩ trên mọi miền đất nước, với nhiều phong cách đa dạng.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Minh: Bơi ngược dòng với khát vọng sáng tạo

Việt Văn (thực hiện) |

Không bao giờ làm cừu Dolly nhân bản ý tưởng người khác và cũng không lặp lại mình, họa sĩ trẻ Nguyễn Minh là một gương mặt giàu cá tính. Điểm nổi bật trong sáng tác của Minh là series những tác phẩm vẽ phố trong vòng 7 năm trở lại đây. Vì thế, Minh có nghệ danh là Minh “Phố”. Một cuộc trò chuyện thú vị với anh về hành trình nghệ thuật, quan điểm sáng tạo.

Bốn mùa trong tranh sơn mài tuyệt đẹp của các họa sĩ Việt

Quỳnh Chi |

Với nhiều họa sĩ sơn mài hiện đại, tư duy cởi mở hơn và cách kết hợp chất liệu táo bạo, mùa xuân có thể chỉ là những khoảng trời cao trong xanh mướt, những khóm cây tràn đầy sức sống vì tưới tắm đủ đầy sinh khí đất trời.

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.

Chậm trễ xử lý xưởng trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý

TRUNG DU |

Thái Bình - Công tác xử lý vi phạm tại cơ sở tái chế phế liệu trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý ở huyện Vũ Thư chưa nghiêm túc.

Man United hòa Aston Villa, Erik ten Hag nguy cơ rời Old Trafford

Nhóm PV |

Tối 6.10 (giờ Việt Nam), Man United đã chia điểm Aston Villa tại vòng 7 Premier League.