Khi họa sĩ bán tranh giỏi được tôn vinh

Việt Văn |

Có thể coi đó là một sự kiện trong giới mỹ thuật Việt, khi lần đầu tiên những họa sĩ bán tranh giỏi trên thị trường tụ hội trong “Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật”.

Triển lãm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức từ 6.8 đến 15.8.2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), xuất phát từ ý tưởng độc đáo của họa sĩ - giám tuyển Vi Kiến Thành.

Dung hòa “2 trong 1”

Đã từng và ngay cả bây giờ vẫn có nhiều ý kiến cho rằng: Họa sĩ giỏi và họa sĩ bán được nhiều tranh không liên quan gì đến nhau. Và họ dẫn ra các danh họa nổi tiếng thế giới sinh thời sống chật vật, nghèo túng vì không bán được tranh như Van Gogh, Modigliani…

Với các họa sĩ bán được nhiều tranh cũng cần đặt ra câu hỏi: Tranh họ bán cho ai? Và người mua để làm gì? Bởi việc bán cho một khách hàng bình thường có gu thẩm mỹ khác hoàn toàn với việc bán cho một nhà sưu tập và lại khác so với việc bảo tàng mua… Và mua để sưu tập thì khác với mua để treo trong nhà như một dạng décor (trang trí). Chưa kể còn giá tranh như thế nào phụ thuộc vào tên tuổi họa sĩ, xuất xứ, chất liệu tranh, công phu sáng tạo… rồi giá bán tranh niêm yết công khai nhiều khi vượt gấp mấy lần giá bán thực tế theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, mặc cho những ý kiến đó, những họa sĩ bán được nhiều tranh rõ ràng vẫn tạo ra sức ảnh hưởng nhất định trong nền mỹ thuật Việt. Và việc tôn vinh họ là cần thiết, chưa kể nhiều người trong số đó là họa sĩ giỏi. Triển lãm lần này có sự dung hòa giữa 2 yếu tố đó khi đề ra 2 tiêu chí để lựa chọn tác giả: Thứ nhất, tác giả có tác phẩm chất lượng nghệ thuật tốt, có dấu ấn cá nhân. Thứ hai, tác giả bán được nhiều tác phẩm và có vị trí trên thị trường mỹ thuật.

Giám tuyển (curator) của triển lãm là họa sĩ Vi Kiến Thành. Đây là ý tưởng độc đáo của ông  Thành khi còn là Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (hiện nay ông Thành là Cục trưởng Cục Điện ảnh) bởi trước đây chưa hề có cuộc tôn vinh họa sĩ bán nhiều tranh.

19 họa sĩ đã được lựa chọn, có 12 họa sĩ ở Hà Nội, gồm Đặng Xuân Hòa, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn, Hồng Việt Dũng và 7 họa sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài.

Còn gây tranh cãi

Đã và sẽ có nhiều tranh cãi về 19 họa sĩ được lựa chọn lần này khi có một số cái tên, đặc biệt là một số họa sĩ trẻ đang “hot” trên thị trường không được đưa vào, hay trong số được chọn có người chỉ nổi lên ở một giai đoạn giờ đây đã im hơi lặng tiếng. Và không phải không có ý kiến khác nhau về một số cái tên ở từng giai đoạn. Tuy nhiên, đó là quyền và quan điểm của giám tuyển (curator) triển lãm.

Trước đây, việc lựa chọn những triển lãm có chủ đề thường do một Hội đồng nghệ thuật được lập ra và các thành viên đều chịu trách nhiệm vì thế tính riêng biệt, tính độc đáo nhiều khi không rõ khi mà thiểu số phục tùng đa số”. Còn  giám tuyển chọn thì cá nhân sẽ chịu trách nhiệm với sự khen chê của dư luận vì chọn theo quan điểm và  gu thẩm mỹ riêng của cá nhân.

Triển lãm lần này tính dấu mốc về mỹ thuật Việt Nam kể từ năm 1986 khi đất nước đổi mới và mở cửa đã mở ra một trang mới trong lịch sử ngành nghệ thuật này. Sự hình thành, phát triển một thế hệ họa sĩ tài năng và có thị trường tiêu thụ tác phẩm mỹ thuật ở trong nước và quốc tế. Theo đó, tác phẩm mỹ thuật (hội họa, đồ họa, điêu khắc…) cũng là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, hoạt động giao dịch, mua bán tác phẩm mỹ thuật trong kinh tế thị trường là tất yếu và cần thiết để phát triển mỹ thuật một cách bền vững. Các họa sĩ, nhà điêu khắc luôn mơ ước sẽ đến lúc sống được bằng nghề, mà họa sĩ muốn sống được bằng nghề thì phải bán được tác phẩm để nuôi sống nghệ sĩ và tái đầu tư tác phẩm.

“Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” thực sự gây chú ý trong đời sống mỹ thuật Việt, góp phần ghi nhận những thành tựu, nỗ lực của họa sĩ cho sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa. Công chúng sẽ có dịp được chiêm ngưỡng nhiều phong cách sáng tác khác nhau, với nhiều tên tuổi đã được thị trường kiểm nghiệm và đóng dấu chất lượng.

Họa sĩ Thành Chương, một trong những tác giả có tranh triển lãm, cho rằng: Thị trường nghệ thuật trên thế giới đã có từ lâu, ở Việt Nam thì giờ mới đang cố gắng để có. Thị trường là cơ sở hạ tầng của một nền nghệ thuật. Nó nuôi dưỡng và thúc đẩy nghệ thuật phát triển, đem nghệ thuật và niềm vui đến mọi người. Thế giới luôn đánh giá họa sĩ theo giá tranh trên thị trường nghệ thuật.

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Cách học tiếng Việt "lạ đời" của họa sĩ người Úc đạp xe đến Việt Nam

Thanh Chân - Phương Anh |

Với niềm yêu mến đất nước Việt Nam, Kevin Francis - họa sĩ người Úc - đã một mình đạp xe đến Hà Nội và tự tạo ra cho mình quyển từ điển bằng tranh vô cùng độc đáo để học tiếng Việt.

Họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ tranh Bác Hồ bằng "ánh sáng niềm tin"

Phương Anh |

"Bác Hồ đối với tôi là một hình tượng đặc biệt, luôn luôn tạo cho tôi cảm giác xúc động trong tâm hồn và là niềm cảm hứng để sáng tác những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng" - họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng chia sẻ.

"Tháng Năm nhớ Bác" của họa sĩ Thái Hòa

Thái An |

Ngày 16.5, triển lãm tranh "Tháng Năm nhớ Bác" của họa sĩ Thái Hòa khai mạc tại Hà Nội.

Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ Công đoàn chủ chốt

Bảo Hân |

Sáng 1.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.

Sẽ chi 865 tỉ đồng xây cầu Phong Châu mới

Xuyên Đông |

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sẽ được đầu tư xây mới với kinh phí dự kiến là 865 tỉ đồng.

Vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop, học sinh đã đi học trở lại

Chân Phúc |

TPHCM - Số học sinh vắng học ngày 30.9, liên quan đến vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop tại Trường Tiểu học Chương Dương đã đi học đầy đủ vào hôm nay 1.10.

Dự báo mới nhất đường đi và cường độ siêu bão số 5 Krathon

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão số 5 Krathon ở trên vùng biển đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc trong 24 giờ tới.

Lý do người dân không đồng tình vụ bồi thường bò sữa bị chết

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Nhiều hộ gia đình có bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh cho rằng, mức giá bồi thường công ty đưa ra rất thấp, khó tái đầu tư lại.