Chuyên gia nông nghiệp cấp cao Đặng Kim Sơn:

“Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để xây dựng một nền kinh tế sinh học”

Nguyễn Nam Phong (thực hiện) |

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng được TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (NN) nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người được giới truyền thông đặt biệt danh là “người cầm đèn chạy trước ôtô”, “tiến sĩ NN không ưa golf”... Gần 2 giờ đồng hồ, ông chia sẻ với Lao Động Cuối tuần Xuân những quan điểm rất mới về nền NN nước nhà trong tương lai, đặc biệt là về nông dân - những đối tượng lâu nay vẫn bị cho là “yếu thế”, thậm chí là... “lạc hậu”!

NN là lợi thế, là động lực để đất nước phát triển

TS Đặng Kim Sơn: NN Việt Nam là một lĩnh vực đặc biệt. Chỉ tính 35 năm từ đổi mới đến nay, ngành NN đã 4 lần kéo đất nước ra khỏi bờ vực khủng hoảng, kể cả COVID-19 lần này. Không chỉ đảm đương an ninh lương thực, mà khối lượng nông sản xuất khẩu khổng lồ đã duy trì cân đối cán cân thanh toán nhà nước. Trong “rổ hàng hóa” thống kê, tỉ lệ lương thực thực phẩm rất lớn, giá rẻ giúp cải thiện đáng kể mức lạm phát, tức là NN đóng góp quan trọng cho kinh tế vĩ mô, cho ổn định chính trị, xã hội. Bụng có no thì tinh thần mới ổn.

Thế cho nên từ miền xuôi đến miền ngược, từ Nam chí Bắc, dù khó khăn đến mấy người dân vẫn đồng lòng. Chưa kể đến những đóng góp to lớn của NN vào bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ biên cương, lãnh hải. Cho nên nói đến Việt Nam, phải nói đến NN. Nghề nông không chỉ là sức mạnh truyền thống trong lịch sử mà còn là lợi thế của đất nước trong tương lai. Theo tư duy thị trường, tính đến cơ hội phát triển thì phải dựa vào lợi thế. Với Việt Nam, NN chính là lợi thế. Đây không chỉ là bệ đỡ mà còn là ngành tạo nên sức đột phá, là động lực cho đất nước đi lên.

Nói như vậy có “ngược đời” không, thưa ông, bởi NN luôn bị coi là lĩnh vực lạc hậu, phải thu hẹp, phụ thuộc nhiều vào mưa nắng của trời?

- TS Đặng Kim Sơn: Quả thật, chủ thể nền NN Việt Nam chỉ là người nông dân nhỏ bé, có vẻn vẹn 0,5-0,6ha đất/hộ và diện tích đó còn chia nhỏ thành 5-7 mảnh. Họ cũng không được trợ cấp, khoa học công nghệ rất thấp, cơ sở hạ tầng hạn hẹp, hầu như không có đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp rất ít, thị trường cạnh tranh quyết liệt, thiên tai diễn biến khôn lường, thị trường phập phù lên xuống. Trong khi có tới 60-70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, 40-50% lao động làm trong NN, suốt thời gian dài đóng góp khoảng 20%, bây giờ là 14 -15% GDP của đất nước. Vậy mà suốt hàng chục năm qua, cả xã hội đổ tới 95% đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ, chỉ dành 5-6% cho NN.

Cho nên so với mức trung bình của các đối thủ thế giới, khó mà hình dung nổi làm sao người nông dân Việt Nam cạnh tranh nổi? Thế nhưng, NN vẫn đứng vững và đi lên. Kể từ mở cửa hội nhập, thương mại Việt Nam hàng chục năm liên tục nhập siêu, chỉ có 1 ngành duy nhất là ngành NN thì ngược lại, luôn xuất khẩu vượt nhập khẩu. Từ lo ăn đủ no, Việt Nam đã vươn lên vị thế một nước xuất khẩu nông sản mạnh với nhiều mặt hàng đứng trong top đầu thế giới như lúa gạo, hạt cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ... Cánh cửa hội nhập càng mở rộng, nông sản Việt đi càng xa và đạt mốc xuất khẩu 41 tỉ USD (năm 2020 ngành NN đang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42 tỉ USD-PV). Đời sống nông dân cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi, tỉ lệ giảm nghèo đạt mức cao trên thế giới.

Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Trong ảnh: Cánh đồng hoa hướng dương thuộc Trang trại bò sữa TH (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) - nơi sản xuất sữa tươi nguyên liệu cho thương hiệu TH true Milk. Ảnh: Hoàng Hà
Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Trong ảnh: Cánh đồng hoa hướng dương thuộc Trang trại bò sữa TH (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) - nơi sản xuất sữa tươi nguyên liệu cho thương hiệu TH true Milk. Ảnh: Hoàng Hà

Hãy thử tưởng tượng, nếu đầu tư xã hội ở Việt Nam cho nông nghiệp tăng lên chỉ ở tỉ lệ 10-12%, nếu những nút thắt cơ bản như cảng nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đường cao tốc thông ra cảng biển ở Tây Nguyên được tháo gỡ, nếu đất đai đang bỏ hóa ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được tích tụ vào tay các chủ trang trại giỏi, đất đai sử dụng kém trong nhiều nông lâm trường được giao cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao; nếu nhiều đất lúa chịu hạn, mặn được xây dựng thủy lợi để chuyển sang nuôi thủy sản, nếu nhiều khu công nghiệp chuyển sang tập trung phát triển ngành chế biến nông sản; nếu tiền nghiên cứu khoa học công nghệ đổ vào giúp nông dân chủ động về giống cây trồng, vật nuôi; nếu các chuyên gia và cơ quan nghiên cứu giỏi tập trung vào xác định rõ định hướng tiêu thụ nông sản cho nông dân thì bước tiến của NN Việt Nam còn mạnh đến đâu?

“Đừng chê nông dân, đừng chê thương lái, họ là người đóng góp nhiều cho đất nước” - điều gì đã khiến ông nhiều lần nói như vậy?

- TS Đặng Kim Sơn: Xưa nay muốn công nghiệp hóa thì mọi người chỉ chạy theo tăng trưởng GDP. Mà thông thường, tốc độ tăng của ngành công nghiệp hay kinh tế đô thị có thể ở mức trên 10%, còn NN thì giỏi lắm là 4-5%. Tuy thế, có nhiều ngành được ưu tiên, nằm trên các địa bàn thuận lợi về cơ sở hạ tầng, có vốn đầu tư rất lớn, được hưởng đầu tư nước ngoài rất mạnh, được bảo vệ dài trong các hiệp định thương mại... Thế nhưng tham gia vào cuộc chơi hội nhập, chỉ mới đóng vai trò lắp ráp trong mô hình kinh tế gia công. Trong cả chuỗi giá trị toàn cầu dài dằng dặc, phần có giá trị gia tăng nhiều nhất thì “người ta” hưởng, mình chỉ nắm những khâu thấp nhất ở giữa và gánh tất khó khăn về phúc lợi xã hội, rủi ro, ô nhiễm môi trường...

NN bước vào cuộc chơi hội nhập.Anh nông dân nhỏ, người doanh nhân bé Việt Nam đứng vững chân trên dọc chuỗi giá trị, làm người chủ với phần đóng góp nội địa khá lớn. Tích lũy trong hạt lúa, con tôm có mồ hôi con người, có vị phù sa của đất, nắng của trời, mưa của nước... dù nhỏ, dù yếu nên giá trị đó chưa nhiều nhưng vẫn được tích lũy lại và có sức lan tỏa. Người làm ăn giỏi dẫn dắt người làm ăn kém, người buôn bán kéo theo người sản xuất và chế biến. Đừng chê người thương lái, người cho vay lãi đang chung tay tạo việc làm và sinh kế cho nhau, tạo ra nền tảng kinh tế Việt Nam vượt qua những lúc khó khăn.

“Có thực mới vực được đạo”, nhưng NN Việt Nam 10 năm, 20 năm sau sẽ khác và phải khác, không thể cứ mãi “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Ông có cho rằng, NN Việt Nam đủ sức bắt kịp xu hướng tiêu dùng thế giới?

- TS Đặng Kim Sơn: Trong tương lai cho đến khoảng 2050, dân số loài người sẽ tăng lên 9 tỉ người, trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), nhu cầu lương thực thực phẩm trở nên rất lớn. Còn ở Việt Nam, đến năm 2035, một nửa dân số tiến lên lớp trung lưu, đến khoảng 2038 thì một nửa dân sẽ sống ở đô thị. Khi cuộc sống sung túc lên, con người thay đổi cách tiêu dùng. Mức ăn gạo sẽ bớt đi, lương thực bớt đi, ăn đạm nhiều lên, nhu cầu sữa sẽ tăng lên, thịt cá sẽ tăng lên, rồi chất đạm, chất béo của thủy sản sẽ thay cho động vật. Con người cần đến hoa, cần đến thực phẩm chức năng, cần đến cây cảnh, cần đến đồ da, đồ vải từ nguyên liệu tự nhiên. Lúc đó, nhu cầu về nông sản vừa khác đi, vừa nhiều hơn.

Nhu cầu thị trường thay đổi thì sản xuất thay đổi theo. Ngay hiện nay, sản xuất NN đã bắt đầu giảm lúa, ngô và tăng chăn nuôi, tăng thủy sản, tăng cây ăn quả, trồng hoa, trồng dược liệu, lâm nghiệp... Toàn bộ quy mô sản xuất lớn và kết cấu thay đổi mạnh sẽ mở ra tương lai của một ngành NN đa dạng, có bộ mặt và chất lượng mới trên toàn đất nước. Nhu cầu sống cũng thay đổi, sẽ sớm đến lúc người ta muốn rời bỏ các khối nhà cao tầng chen chúc trong thành phố về sống với cảnh quan ven biển, trên núi ở nông thôn. Những thành phố theo kiểu Ecopark đã hấp dẫn rất mạnh. Con người cần cây xanh, cần sinh cảnh, cần mặt nước.

Những vùng có tài nguyên sinh học cũng có cơ hội lớn để phát triển

Như vậy, xã hội nông thôn sẽ hòa hợp với xã hội đô thị, và xa hơn nữa. Hiện nay trên thế giới, họ nói đến một nền kinh tế gọi là nền kinh tế sinh học, thưa ông?

- TS Đặng Kim Sơn: Đúng như vậy. Nói đến NN, mọi người hiểu là nói đến lương thực, thực phẩm. Còn nói đến kinh tế sinh học là nói đến thức ăn, vật liệu xây dựng, vật liệu may mặc, dược phẩm, nhiên liệu... Tất cả được chuyển sang dạng xuất phát từ sinh học để có thể tái tạo được, để có thể gắn bó với môi trường sinh thái. Con người đang chuyển dần sang việc dùng cồn thay xăng, sang các loại khí ga sinh học thay cho khí hóa thạch. Các vật liệu may mặc cũng chuyển một phần từ vật liệu làm từ dầu mỏ sang bông, lanh, tơ tằm. Vật liệu xây dựng cũng ưa dùng dùng gỗ ép, tre ép. Thuốc men cũng vậy. Môi trường cảnh quan cũng như thế. Khi nền kinh tế xuất hiện nhu cầu ngày càng tăng của vật liệu sinh học từ vật nuôi và cây trồng, thì mặt biển, rừng, cho đến đồng ruộng đều trở thành môi trường để sản xuất và các sản phẩm này sẽ được đưa vào công nghiệp để tách ra thành dạng phân tử, dạng nano, dạng tế bào để từ đó hình thành các vật liệu mới, xây dựng thành các vật chất mới và đưa ra các sản phẩm mới. Những nước có điều kiện phát triển NN rất thuận lợi như Việt Nam rất có lợi thế để phát triển một nền kinh tế sinh học.

Mấy thế kỷ trước, chúng ta thấy là vùng giàu có nhất trên thế giới là những vùng có dầu mỏ, nhờ nhiên liệu hóa thạch mà phát triển. Trong tương lai, những vùng có tài nguyên sinh học cũng có cơ hội lớn để phát triển. Công ăn việc làm sẽ mở ra không phải chỉ trong ngành sản xuất, tức là ngành gieo trồng, chăn nuôi mà còn sang ngành chế biến, ngành logistics, dịch vụ, vận chuyển, buôn bán, ngành sản xuất các thiết bị, vật tư máy móc đầu vào cho nền kinh tế NN, cho các ngành chiết xuất, tổng hợp vật liệu, bán thành phẩm và cho cả một nền kinh tế sản xuất, chế tạo sản phẩm từ nguyên liệu sinh học. Như vậy, kết cấu kinh tế, lợi thế về NN sẽ lan tỏa sang các ngành khác. Tức là chúng ta có thể công nghiệp hóa lấy trụ cột là NN và về lâu dài công nghiệp hóa lấy trụ cột là sinh học - một nền kinh tế xanh. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta công nghiệp hóa bằng NN. Chúng ta vẫn làm giàu bằng công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ, nhưng tất cả những thứ đó xoay quanh thế mạnh của chúng ta về sinh học.

Vậy, chúng ta phải làm gì để nắm bắt lợi thế này, thưa ông?

- TS Đặng Kim Sơn: Để đến được tương lai đó hay sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vấn đề là ở chỗ chúng ta tạo được thế mạnh từ hôm nay hay không? Bước lên từ một bậc rất thấp, quy mô hộ sản xuất của Việt Nam là nhỏ nhất thế giới, không phải chỉ có hộ nhỏ mà doanh nghiệp (DN) cũng nhỏ, cũng yếu. Thế nhưng, thị trường lại chạy theo tín hiệu giá, kéo tất cả tài nguyên của đất nước đổ về đô thị vì ở đô thị, giá lao động, giá vốn, giá nước, giá đất, giá lao động... đều đắt hơn. Kết quả là hai thành phố lớn thì ngột ngạt, thiếu không gian sống, thiếu việc làm, thiếu không khí sạch, thiếu đường đi lại, thiếu nơi để đổ rác... Trong khi đó, nông thôn mênh mông bị bỏ lại. Trong mô hình tăng trưởng đó, hai cái đầu động lực lớn để kéo cả nước đi theo ngày càng quá tải. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, miền xuôi và miền ngược, giữa dân tộc thiểu số và các dân tộc khác giãn ra.

Đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi cách làm, một mặt giảm tải cho các thành phố lớn, phân chức năng ra các thành phố vệ tinh, các thành phố các vùng. Mặt khác, đô thị hóa nông thôn, đưa sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ về thay dần nông nghiệp và tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp để nông dân đủ mạnh, đủ sức tích lũy phát triển. Cả nước cùng đi lên, toàn dân có cơ hội. Cái chính là có cơ sở hạ tầng tốt, đường xá tốt, dịch vụ tốt, bệnh viện, trường học tốt. Tóm lại, nước ta có thế mạnh về NN nhưng NN không thể tự mình đi lên. Biết phát huy thì Việt Nam sẽ vượt lên hàng các quốc gia phát triển, trở thành “cánh đồng của thế giới”, “nhà bếp của thế giới”.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - cơ quan tham mưu của Bộ NNPTNT. Hiện ông là Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. TS Đặng Kim Sơn đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong công tác tham mưu chiến lược. Các công trình nghiên cứu của ông được các cơ quan Chính phủ và đối tác quốc tế đánh giá rất cao. Ông có những đóng góp quan trọng trong đề xuất "Tam Nông" nhằm tái cơ cấu NN và nông thôn đã được Đảng và Nhà nước tham khảo áp dụng. Với kinh nghiệm lâu năm, kiến thức sâu rộng và niềm đam mê nghiên cứu NN cũng như tâm huyết đối với nông dân, ông là một nhà nghiên cứu chính sách nông nghiệp nổi tiếng tại Việt Nam.

Nguyễn Nam Phong (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN dự lễ đặt tên đường và trồng cây xanh ở Phú Yên

Nhiệt Băng |

Sáng 11.1, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ đặt tên đường Nguyễn Kim Vang, TP.Tuy Hòa.

Nhóm bạn trẻ "hô biến" giày lỗi thành chậu trồng cây gây quỹ

HOÀI ANH |

Với những đôi giày lỗi, bỏ đi, nhóm bạn trẻ tại Hà Nội đã xin về để trồng cây bán gây quỹ và lan toả hành động tái chế bảo vệ môi trường.

Các công đoàn cơ sở thi trồng cây xanh “vì môi trường xanh”

Nam Dương |

LĐLĐ Quận Gò Vấp, TPHCM vừa tổ chức hội thi trồng cây xanh, chủ đề “Vì môi trường xanh”.

Bạc Liêu: Phát động trồng cây nhớ Bác

NHẬT HỒ |

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng ngày 19.5, tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Sở NNPTNT phối hợp với Tỉnh đoàn và huyện Hòa Bình tổ chức lễ phát động trồng cây nhớ Bác.

Đắk Lắk phát động lễ "Tết trồng cây" Xuân Canh Tý

Hữu Long |

Sáng 1.2, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020. Tới dự buổi lễ có Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường.

Thủ tướng phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý

VƯƠNG TRẦN |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái và hàng nghìn người dân huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) tham gia trồng cây đầu năm.

Quảng Bình: "Tết trồng cây" phải thiết thực, hiệu quả

LÊ PHI LONG |

Sáng 30.1 (tức mùng 6 Tết Canh Tý 2020), tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.