Để cụ thể hóa việc này, bước đầu, HĐND TPHCM đã thông qua việc tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải công nghiệp trên địa bàn TP.
Trước ý kiến lo ngại thành phố sẽ tận thu, lãnh đạo TPHCM khẳng định không đặt nặng vấn đề thu phí mà là để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và khuyến khích người dân vào các trung tâm thương mại đậu xe để cho đường thông hè thoáng.
Chuyển một nguồn thu không chính thức sang chính thức
Từ ngày 1.6, phí tạm dừng đậu ô tô trên lòng đường tại TPHCM được tính cao nhất là 40.000 đồng/giờ, trong khi hiện tại là 5.000 đồng/lượt. Mức phí cụ thể là 25.000-40.000 đồng/giờ và tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho 2 nhóm: ô tô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ, xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. TP chỉ thu phí dừng đỗ ô tô từ 6h – 24h, ngoài khung giờ này không phải đóng phí.
Hiện nay, mức thu phí tạm đỗ xe ở lòng đường, vỉa hè tại TPHCM được ban hành từ năm 2005 (với ôtô là 5.000 đồng/lượt) được cho là quá thấp và không còn phù hợp. Thực tế, nhiều chủ phương tiện thường “bo” lại cho nhân viên nhiều hơn, có người trả 20.000 đồng, 30.000 đồng. Như vậy rõ ràng là nhà nước thu chưa tới 1/4 khoản phí mà người dân thực sự phải trả, một số tiền lớn từ lâu đã chảy vào túi ai đó.
Ngoài ra, với mức phí quá thấp như lâu nay dẫn đến nhiều chủ phương tiện lợi dụng mức phí này để biến lòng đường thành bãi tạm đỗ xe, thời gian đỗ xe kéo dài cả ngày thay vì chỉ sử dụng tạm thời. Thậm chí, có những tuyến đường, một số đối tượng tự đứng ra thu phí đậu xe ô tô của người dân bỏ túi riêng khiến nhà nước bị thất thu một khoản không nhỏ. Vì vậy, mức phí đỗ xe ô tô sắp tới được TPHCM áp dụng chẳng qua chuyển một nguồn thu không chính thức sang chính thức.
Cùng với việc tăng phí đậu ô tô dưới lòng đường, sắp tới, mức phí xả thải đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn cũng tăng từ ngày 1.7. Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải dưới 5m3/ngày đêm thì đóng 1,5 triệu đồng/năm, trên 5 m3/ngày đêm thì được tính theo hệ số K (hệ số lưu lượng xả thải, căn cứ để áp phí dựa trên nồng độ ô nhiễm nước thải).
Việc tăng mức thu và đối tượng thu giúp TP tăng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ 8 tỉ đồng mỗi năm hiện nay lên 60 tỉ đồng, trong đó dự kiến 25% được trích lại cho cơ quan thu phí.
UBND TP cho rằng, việc tăng mức thu phí như đề xuất sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội, có thể làm gia tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến y tế, xử lý rác (do đối tượng phát sinh phải đóng phí), từ đó tác động đến người dân. Tuy nhiên, mặt được là sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí. Tăng phí đậu xe nhưng chủ phải tự... giữ xe
Theo Sở GTVT TPHCM, từ ngày 1.6, để được phép đỗ xe ô tô dưới lòng đường, các chủ phương tiện phải sử dụng ứng dụng công nghệ quản lý thông minh.
Thực tế, từ cuối tháng 10 – hết tháng 12.2017, Sở GTVT TPHCM đã triển khai thí điểm ứng dụng My Parking - thu phí đỗ xe qua điện thoại trên 3 tuyến đường ở quận 1, gồm khu vực trước khách sạn New World trên đường Lê Lai và đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, khu vực gần chợ Bến Thành với quy mô 150 -170 chỗ đỗ. Ứng dụng My Parking giúp người dùng có thể tìm kiếm thông tin về bãi đỗ xe như: Số chỗ còn trống, lộ trình lưu thông đến vị trí bãi và có thể thanh toán trước phí đặt chỗ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phần mềm My Parking còn nhiều bất cập. Một nhân viên thu phí đỗ xe trên đường Phan Bội Châu cho biết, nhiều hành khách giữ chỗ đặt xe trước qua phần mềm, tuy nhiên khi đến nơi, chỗ trống đó đã có xe khác vào đậu. Bởi phần mềm chỉ hiển thị chỗ trống, không hiển thị những xe bên cạnh đang chờ. Vậy nên dù khách có đặt trước, nhưng nếu xe nào hết giờ ra khỏi ô đỗ, lập tức chiếc xe đang chờ bên cạnh sẽ vào đỗ.
“Nhân viên thu phí không thể biết được họ đã đặt hay chưa để giữ chỗ. Tại đây xảy ra nhiều trường hợp cãi lộn chỉ vì một chỗ đỗ xe. Chưa kể có trường hợp để xe từ sáng đến chiều nhưng “xù” luôn tiền vé” - nhân viên thu phí bộc bạch.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Huy – GĐ Trung tâm công nghệ thông tin (Viettel TPHCM) – đơn vị cung cấp phần mềm My Parking cho biết, trong khoảng 2,5 tháng thí điểm, có khoảng 500 lượt đỗ xe và thanh toán qua phần mềm. Người dân sử dụng phần mềm để đặt xe còn rất thấp bởi vẫn còn thói quen đến tận nơi đỗ xe rồi dùng tiền mặt để thanh toán.
Trong khi đó, ông Ngô Hải Đường – Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho rằng, vấn đề phát sinh là do thực hiện hai phương thức thanh toán trực tiếp và online. Đề án sắp tới triển khai sẽ không thu tiền mặt mà bắt buộc chủ phương phải thanh toán online (nhắn tin trừ tiền trong tài khoản, sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, thể thanh toán nội địa).
Ngoài ra, theo ông Đường, giai đoạn đầu triển khai sẽ không cho chủ phương tiện đặt chỗ trước mà chỉ cho biết vị trí chỗ còn trống. Khi chủ phương tiện đến nơi thì mới được đặt chỗ. Ông Đường cho biết, sau khi đề án vận hành ổn định, phần mềm sẽ cho chủ phương tiện đặt chỗ trước, tuy nhiên sẽ khống chế thời gian 10 phút từ thời điểm đặt chỗ, nếu chủ phương tiện không có mặt thì vị trí đó sẽ cho người khác đặt.
Trước ý kiến mức phí đỗ xe ô tô tăng cao như vậy thì khi xảy ra tình trạng hư hỏng, mất cắp lúc đậu xe ai là người bồi thường?. Ông Ngô Hải Đường cho biết, đề án chỉ cho các phương tiện tạm dừng đậu, đỗ chứ không phải giữ xe. Vì vậy, nếu xảy ra mắt cấp chủ phương tiện phải tự chịu.
Không đặt nặng vấn đề thu phí
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định quan điểm của TP khi đề xuất tăng mức thu phí bảo vệ môi trường là không đặt nặng vấn đề thu phí, chăm chăm vào thu phí mà là để nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường.
Còn đối với đề xuất tăng mức thu phí đậu ô tô dưới lòng đường, vỉa hè, TP không khuyến khích đậu xe lòng đường mà mục đích là làm sao cho đường thông, hè thoáng. "Việc triển khai đề án tăng mức thu phí đậu ô tô dưới lòng đường sẽ được đấu thầu công khai để chọn công nghệ tốt nhất, minh bạch nhất" - ông Tuyến nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, tiền phí thu được thuộc lĩnh vực nào sẽ phục vụ cho lĩnh vực đó, phí thu đậu ô tô dưới lòng đường sẽ phục vụ cho giao thông, còn phí nước thải sẽ dùng cho việc bảo vệ môi trường.
Nói về việc tăng thu phí, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến chuyên gia và đối tượng bị tác động. Nếu cần thiết sẽ điều chỉnh trong các kỳ họp tiếp theo. Đặc biệt, không để phát sinh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương thí điểm của TP để tự thu phí ô tô sai quy định nhằm trục lợi cá nhân.