Con rạch ngập rác, hôi thối giữa lòng thành phố
Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 6,2km, từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp (TPHCM). Con rạch có 3 tuyến nhánh dài gần 2km gồm: Cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi.
Gần hai chục năm qua, con rạch là một trong những nơi ô nhiễm nặng nề của TPHCM. Nhiều đoạn rạch bị người dân dựng nhà, lấn chiếm, làm thu hẹp dòng chảy. Các hộ dân sống dọc hai bên bờ rạch Xuyên Tâm và gần khu vực đều xả thẳng nước thải, rác thải sinh hoạt ra rạch. Sau mỗi cơn mưa lớn hoặc triều cường mỗi tháng rút xuống, mang theo một lượng lớn rác đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo thống kê của quận Bình Thạnh từ năm 2014, hệ thống rạch này phải tải nước thải của 40% dân cư của quận, với lượng nước thải chưa qua xử lý khoảng 40.000m3/ngày.
Bà Nguyễn Thị Thúy (65 tuổi, quận Bình Thạnh) sống ven con rạch Xuyên Tâm cách đây 50 năm và đã quen với khung cảnh đủ loại rác thải trôi nổi trên mặt nước quanh năm suốt tháng. Ruồi, bọ, côn trùng vào từng bữa ăn, giấc ngủ.
Bà Thúy cho biết, trước đây con rạch như một dòng sông, hiếm khi thấy rác, không gian thoáng đãng. Khoảng 20 năm trở lại đây, con rạch bắt đầu ô nhiễm nghiêm trọng. “Tôi chỉ mong dự án cải tảo rạch Xuyên Tâm sớm hoàn thành, để không còn phải sống trong cảnh ăn chung ngủ chung với rác thải ô nhiễm” - bà Thuý chia sẻ.
Gia đình bà Thúy là một trong số hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND TPHCM phê duyệt từ tháng 5.2002, giao Khu quản lý đường sông (thuộc Sở GTVT) thực hiện với kinh phí khoảng 123 tỉ đồng thời điểm đó. Tuy nhiên dự án sau đó không được thực hiện. Tháng 8.2017, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.600 tỉ đồng và hiện là 9.300 tỉ đồng.
Thay đổi diện mạo TPHCM
Ngày 24.4, đoàn kiểm tra hiện trạng rạch Xuyên Tâm do ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tìm phương án huy động vốn triển khai dự án cải tạo tuyến rạch nội đô này.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư dự án) cho biết, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm bên cạnh mục tiêu cải thiện vệ sinh môi trường, dự án sẽ hướng đến việc chống ngập, nâng cấp hạ tầng giao thông, giải tỏa ùn tắc trên một vùng rộng lớn, tổ chức lại dân cư sinh sống dọc tuyến kênh và mục tiêu xa hơn là phát triển du lịch đường thủy.
Cụ thể, dọc 2 tuyến kênh sẽ được bố trí 2 làn xe cơ giới với chiều rộng 6-8m. Hệ thống giao thông mới sẽ giúp việc di chuyển từ khu vực trung tâm thành phố đến khu vực ngoại thành như kênh Tham Lương - Bến Cát, Khu công nghiệp Bình Tân rút ngắn được đáng kể.
Dự án rạch Xuyên Tâm còn có hạng mục thu gom nước thải của nhà dân toàn bộ khu vực, chuyển về trạm bơm Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) rồi sau đó bơm ra nhà máy sử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 (Thành phố Thủ Đức). Khi đi vào vận hành, vấn đề ngập do mưa, do triều trên địa bàn sẽ được khắc phục.
Theo tính toán, để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, thành phố cần di dời 2.195 hộ dân. Trong đó, 950 hộ tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp phải di dời toàn phần. Riêng phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, TPHCM cần chi phí gần 5.000 tỉ đồng.
Về cơ chế tìm nguồn vốn thực hiện, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho hay, trước đây do hạn chế ngân sách nên Thành phố chủ trương cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nghiên cứu và doanh nghiệp đề xuất thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, hiện nay theo quy định, hình thức đầu tư các dự án BT mới đã dừng nên các sở, ngành của thành phố đang nghiên cứu, tham mưu phương án phù hợp theo hình thức đầu tư công. Do vốn trung hạn của Thành phố không đủ nên sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm đối với phần chi phí đền bù, tái định cư; phần xây dựng sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc triển khai dự án sẽ giúp thay đổi bộ mặt đô thị quận Bình Thạnh và Gò Vấp, tổ chức lại dân cư hai bên rạch, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Hiện nay, việc triển khai dự án rất bức thiết, người dân đang mong mỏi, chờ đợi và đồng tình ủng hộ.
Để có nguồn vốn thực hiện dự án, thành phố sẽ tính tới phương án đấu giá quỹ đất công. “Thành phố sẽ cân đối nhiều nguồn vốn chứ không chỉ dựa vào ngân sách địa phương và triển khai sớm. Trong đó, sử dụng nguồn lực đất đai, tiền sử dụng đất của một số dự án chưa hoàn thành” - ông Phong nói.