Xã Y Tý có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao. Người dân chủ yếu sinh sống dựa vào việc làm nương rẫy và chăn nuôi. Đời sống còn nhiều thiếu thốn khi bữa ăn hằng ngày vẫn là nỗi lo thì áo mới, chăn ấm dường như chỉ là một ước mơ xa xỉ với trẻ em nơi đây.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của các em nhỏ, chị Trần Ngọc Bích (sinh năm 1985, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng những người bạn của mình đã chung tay, mang từng phần quà trao cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại các thôn Phan Cán Sử, Sim Sam, Sín Chản và Choản Thèn.
Thời điểm này, tuyết đã bắt đầu tan, nhưng tuyết tan trời sẽ còn lạnh và buốt hơn nữa. Cả đoàn thiện nguyện của chị Bích tiến sâu vào các thôn bản xa dần trung tâm xã Y Tý (huyện Bát Xát) để kịp mang áo phao và chăn ấm chống rét cho người dân vùng cao Y Tý.
Trong cái buốt giá đến thấu xương, đường đi còn gập ghềnh đất đá trơn trượt, nhưng không khiến những đôi chân thiện nguyện chùn bước.
Chia sẻ về chuyến đi ý nghĩa này, chị Trần Ngọc Bích cho biết, khi Y Tý có tuyết rơi, nhiều người thích thú, lặn lội lên các vùng núi để săn tuyết, chụp ảnh check in rất vui vẻ. Nhưng với những đứa trẻ nơi đây, cuộc sống lại chẳng hề dễ dàng chút nào. Bởi theo chị Bích, các em không có đủ áo ấm để mặc. Thậm chí có em em bé "trên mặc nhưng dưới hở", nhìn vô cùng tội nghiệp.
"Tất cả những chiếc áo phao cùng tất và găng tay đều là đồ mới. Chúng tôi đặt mua nhiều lần làm từ thiện nên cũng được giá phải chăng. Mỗi lần phát quà giá trị khoảng từ 15 - 20 triệu triệu đồng", chị Bích chia sẻ.
Trong những năm qua, đã không dưới 10 lần chị Bích và nhóm bạn phát quà tại xã Y Tý. Lý giải về việc này, chị Đỗ Thị Mỹ Hải (trú tại Thái Bình, một người trong đoàn thiện nguyện) cho hay: "Dù hỗ trợ người dân ở đây nhiều lần, nhưng chưa khi nào cả đoàn thấy đủ cả. Bởi ở đây người dân quá nghèo. Mọi người chỉ đến trung tâm Y Tý nhưng chưa đặt chân vào những vùng sâu vùng xa của xã do đường đi lại rất khó khăn khi một bên là vực, một bên là núi".
Theo chị Hải, nhiều người hỏi vì sao các đoàn thiện nguyện thường xuyên tặng nhiều đồ mà người dân tại đây vẫn nghèo, vẫn khổ. Nhưng thực tế, người dân vùng cao không sống phụ thuộc vào từ thiện. Họ vẫn muốn cuộc sống bớt gánh nặng khó khăn, nhưng cơ bản ở đây không dễ dàng để canh tác, trồng trọt.
"Vào mùa lạnh, nương rẫy, ruộng vườn gần như bỏ trống. Không phải vì người dân không muốn làm, mà bởi vì thời tiết quá khắc nghiệt và địa hình hiểm trở. Dù có mặc ấm đến mấy cũng rất rét buốt", chị Hải cho hay.
Cầm trên tay chiếc áo phao mới tinh, em Lý A Chờ (thôn Phan Cán Sử) hớn hở khoe: "Đây là lần đầu tiên em được mặc chiếc áo mới đến thế. Nhà em nghèo, mùa lạnh vẫn đi chân trần nên chẳng khi nào dám nghĩ đến áo khoác mới. Từ nay em sẽ không sợ mùa đông nữa".
Nhìn đám trẻ con hân hoan, xúng xính trong áo mới, găng tay mới, ai ai trong đoàn thiện nguyện cũng cảm thấy ấm áp dù cái rét tê tái vẫn đang bao trùm cả thôn nghèo vùng cao.