Đó câu chuyện của ông Nguyễn Đình Phùng, thương binh 2/4, ở phường An Xuân, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2016 đến nay, người thương binh này đã âm thầm xây dựng 29 cây cầu dân sinh trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Khoảng năm 2019 về trước, người dân mỗi khi về thôn Kỳ Tân, qua đoạn đường từ chợ Tam Dân vào lòng hồ Phú Ninh hay đi Tam Lãnh đều cảm thấy bất an, nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông. Đoạn đường này có cống tràn qua đường, tạo thành lõm sâu, gây bất ngờ cho người đi đường, khiến tai nạn giao thông liên tục xảy ra. Nhưng từ khi ông Phùng xây dựng cầu dân sinh, nỗi ám ảnh ấy đã không còn.
Ông Nguyễn Công Lộng, thôn Kỳ Tân xã Tam Dân, huyện Phú Ninh chia sẻ: Mỗi năm ít nhất cũng chục vụ tai nạn. Nói chung là quá nguy hiểm. Ngày Tết là tai nạn liên tục. Từ ngày làm xong cái cầu là không có một vụ tai nạn nào nữa. Bà con ai cũng vui mừng, yên tâm.
Còn ông Dương Văn Tân – Chủ tịch Hội Nông dân phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ cho biết: Từ năm 2019 đến nay, thông qua kênh Hội Nông dân phường Trường Xuân, ông Phùng đã hỗ trợ xây dựng được 3 cây cầu, ở nơi xung yếu, nằm ở các tuyến đường đi lại khó khăn, đường cầu cũ xuống cấp. Qua 4 năm sử dụng, cầu vẫn còn rất chất lượng.
Mỗi cây cầu dân sinh có bề rộng khoảng 4m, chiều dài 5m, kết cấu bê tông cốt thép, kinh phí xây dựng khoảng 65 triệu đồng/cầu. Dù tuổi đã cao, nhưng mỗi khi sửa chữa, xây mới cầu đường, ông Phùng luôn có mặt để giám sát quá trình thi công cho đến khi hoàn thành. Trân trọng với việc làm ý nghĩa này, nên cá nhân ông Phùng và đội xây cầu luôn nhận được sự yêu thương và giúp đỡ nhiệt tình của người dân. Người có của góp của, người có công góp công để sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng .
Cuối năm 2022, cây cầu dân sinh thứ 29 được hoàn thành ở thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ. Cây cầu không chỉ giúp bà con quanh vùng đi làm đồng thuận lợi mà việc buôn bán nông sản cũng dễ dàng vì thương lái đến tận nơi, đời sống bà con vì thế mà khá lên. Đặc biệt, cây cầu còn giúp hàng trăm học sinh đi học được an toàn mỗi mùa mưa, ngập lụt. Bà Đỗ Thị Nghị, người dân thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú kể lại: Hồi cái cầu cũ, phải đi vòng qua con dốc, mỗi khi nước lớn là nước ngập cả 2 đầu. Có mấy người ôm (cua - PV) không hết là rớt dưới cầu miết. Chừ có cầu mới, dân hoan nghênh lắm.
Niềm vui của bà con nhân dân cũng chính là niềm hạnh phúc của người thương binh đã không quản ngại gian nan, vất vả, thậm chí nén đau để dành dụm tiền xây thêm cầu dân sinh.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Phùng một ngày đầu tháng 3.2023, khi ông vừa đi khám ở bệnh viện về, do vết thương cũ ở cánh tay mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức. Ông Phùng chia sẻ, cách đây nhiều năm, ông cùng những người bạn của mình thường tổ chức những chuyến thiện nguyện về với đồng bào huyện miền núi Nam Trà My, Tây Giang, Quảng Nam để trao tặng gạo, quần áo, nhu yếu phẩm cho bà con. Từ những chuyến đi này, ông chứng kiến đường sá, cầu cống nhỏ hẹp khiến việc đi lại khó khăn, nhiều lần xe cộ rơi xuống hố sâu, lật xe chết người, các cháu học sinh ngày ngày đi học vất vả, nhóm bạn ông đã ấp ủ trong lòng ước nguyện xây cầu để giúp người dân thiết thực hơn.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn luôn đau đáu ước mong xây thêm nhiều cây cầu dân sinh để giúp bà con. Cố gắng làm 50 cây cầu, còn làm được bao nhiêu thì nếu chú có tiền thì chú làm miết, ông Phùng tâm sự.