So sánh thu nhập khi ly hôn
Hai mươi năm trước, anh T và chị S sau vài năm yêu nhau đã đi đến kết hôn. Cuộc sống lúc đầu tuy có nhiều khó khăn vì anh T làm nhân viên tiếp thị, lương ba cọc ba đồng, còn chị S vừa tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm việc làm, nhưng họ rất yêu thương nhau, khiến cho nhiều người cảm thấy vui lây với hạnh phúc đó. Theo thời gian, lần lượt hai đứa con ra đời. Công việc anh T ngày một tốt lên, tiền anh kiếm được nhiều hơn, nhưng thời gian và tình cảm của anh T dành cho gia đình ngày một hời hợt. Anh cứ ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối khuya mới về. Mọi chuyện vun vén trong gia đình, chăm sóc con cái đều một tay chị S quán xuyến. Chị S cũng là người tiết kiệm, nên tiền anh T đưa về bao nhiêu, cộng với tiền tích cóp được, chị đều để trả nợ mua nhà và mua đất. Do khéo vun vén và tiết kiệm, anh T và chị S cũng xây được một căn nhà khá khang trang tại một quận trung tâm thành phố, kèm theo một miếng đất ở vùng ven. Đáng tiếc là khi hai vợ chồng đã trả nợ xong kèm theo có chút của ăn của để thì tình cảm hai bên đã đến hồi rạn nứt và không thể cứu vãn. Hai người quyết định ly hôn.
Theo chị S kể với luật sư khi nhờ tư vấn, anh T thường cho rằng trong cái nhà của họ, không có cái gì là của chị, mọi thứ đều do anh T làm ra. Khi chị chán nản nói đã sai lầm khi lấy anh, một người tính toán, chi li, thì anh yêu cầu chị chuyển tên người sở hữu căn nhà cho anh, dù trước đó tiền bán miếng đất chung được 1 tỉ đồng anh đã lấy hết. Lý do mà anh T đòi như vậy vì cho rằng, tiền lương của chị S chỉ được vài triệu một tháng, trong khi thu nhập của anh gấp hàng chục lần của chị. Chị S không đòi hỏi nhiều, chỉ mong tiền bán miếng đất anh S đã lấy hết, thì căn nhà (đang do chị đứng tên), sẽ bán đi rồi chia đôi, nhưng anh T cho rằng vợ đã lừa dối mình vì bắt anh ký xác nhận là tài sản riêng của chị S xong đòi ly hôn. “Nhiều lúc tôi không kìm chế được phản ứng lại vì chuyện giấy tờ nhà cửa, anh ấy bỏ mặc tôi xoay sở. Anh ấy biết để tôi đứng tên căn nhà để tiện làm giấy tờ và được miễn thuế. Đến giờ tôi cũng đâu có giành căn nhà là của tôi đâu, chỉ muốn bán căn nhà đi rồi chia đôi. Tiền đất anh đã lấy hết, vậy ai thiệt hơn ai trong cuộc hôn nhân này?” chị S tâm sự trong nước mắt.
Tôn trọng quyền của người khác để tìm sự đồng thuận
Về nguyên tắc chị S là chủ sở hữu căn nhà (do có xác nhận của anh T căn nhà là tài sản riêng của chị S), thì chị có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu tài sản như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể điều 186 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu như sau: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Quyền sử dụng được giải thích tại điều 189 Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”. Điều 190 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền sử dụng của chủ sở hữu như sau: “Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Quyền định đoạt của chủ sở hữu được quy định tại Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.
Như vậy, về mặt pháp luật, anh T không thể buộc chị S phải chuyển tên căn nhà lại cho anh. Cho dù anh T chứng minh được trong thời kỳ hôn nhân anh làm ra nhiều tiền hơn chị S, nhưng vì anh đã xác nhận căn nhà là tài sản riêng của chị S, nên đã tự thừa nhận anh không phải là chủ sở hữu hay đồng sở hữu căn nhà. Trong khi đó, chị S cũng đã đề ra giải pháp sẵn sàng bán căn nhà và chia cho anh T một nửa. Điều đó chứng tỏ rằng chị S đã rất thiện chí và nhân nhượng. Ngoài ra, miếng đất mà anh T chuyển nhượng cho người khác được 1 tỷ đồng, thì anh T cũng phải có nghĩa vụ chia cho chị S một nửa là 500 triệu đồng. Nếu anh T cứ khăng khăng vừa không muốn chia tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vừa muốn chị S chuyển tên căn nhà lại cho mình, thì yêu cầu của anh chắc chắn sẽ không được toà chấp nhận. Do đó, nếu anh T muốn giữ lại căn nhà thì tốt nhất nên nhờ một đơn vị xác định giá trị căn nhà là bao nhiêu tiền rồi trả tiền cho chị S ½ giá trị đó để chị S chuyển tên căn nhà lại cho anh.
Cuộc chiến tranh giành tài sản khi ly hôn hoặc hậu ly hôn bao giờ cũng căng thẳng và phức tạp. Tuy nhiên, nếu người trong cuộc hiểu luật và tôn trọng quyền của người khác thì các bên sẽ đạt được sự đồng thuận và tìm ra được giải pháp hợp lý khi phân chia tài sản. Điều này cũng giúp cho các bên tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cũng như hạn chế làm tổn thương nhau.