Hậu trường nghề báo: Phía sau “cuộc chiến” thịt lợn thối

LÃNG QUÂN |

Tháng 3.2017, khi nghe tin mật báo về tình trạng thịt lợn chết, thối được chế biến thành “đặc sản hun khói” ở Cao Bằng, chúng tôi đã rất choáng. Đằng sau đó là một “cuộc chiến”...

 Bài phóng sự ra đời từ... việc đi ngửi

Chúng tôi đóng giả khách du lịch, mượn thêm hai cái ôtô dán kính đen sì, cứ thay nhau lượn các xe đó để thám thính trên các cung đường từ Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng và Trung Quốc. Hóa ra lợn từ miền Nam ra Bắc, đi hàng nghìn cây số, lợn bị tiêm thuốc an thần, chúng cứ nằm mơ mơ tỉnh tỉnh suốt con đường thiên lý dằng dặc. Và chúng chết vì ốm, bệnh, đói, khát, nóng nực. Lợn yếu, sang Trung Quốc họ đã trả về. Nếu vứt xác lợn ở đất Trung Quốc, sẽ bị phạt rất nặng. Đường về, mỗi con lợn trị giá vài triệu đồng, dù ốm hay chết, thương lái tìm cách bán tống bán tháo, hoặc thối quá thì ném xuống vệ đường cho nhẹ thân. Những thi thể lợn bị buộc phải hồi hương này đã lần lượt đầu độc, giết chết nhiều dòng suối, nhiều không gian sống thanh bình tinh khiết của bà con miền thượng du.

Nhưng đáng sợ hơn, là thịt lợn thối đi vào miệng con người.

Phương án rình bắt quả tang xe tải vứt hay bán xác lợn hơi khó. Vì họ chỉ chọn khu đèo vắng để vứt. Vứt trong tích tắc là không còn bằng chứng “phạm pháp” quả tang nữa. Chúng tôi đi tìm xác lợn ở các dòng suối, nhưng cũng khó, vì vực sâu, suối rộng, cây trùm xòa, tìm con lợn rơi tỏm vào đó, khác gì tìm kim đáy bể. Đấy là chưa kể, công nhân làm đường, người có ruộng rẫy gần khu lợn chết phân hủy họ luôn tìm cách tự cứu mình bằng cách “phi tang” lấp đất đá lên cho đỡ bốc mùi. Chúng tôi đi bộ tìm, thì tình cờ gặp vợ chồng ông R, một tổ trưởng dân phố ở TP.Cao Bằng.

Cảm kích trước sự quyết tâm của chúng tôi, ông R lấy chiếc xe máy cà tàng của mình đi và dạy chúng tôi cách nhìn các vạt cỏ bị nhàu mà tìm ra vị trí xác lợn bị lao xuống suối. Đặc biệt là cách lựa chiều gió mà... ngửi. Con lợn chết nó thối khủng khiếp, nên đi bộ thật chậm, ngửi là thấy. “Buồn nôn thì cũng nín lại mà... viết bài cứu dân chúng tôi, cháu ạ” - ông cụ nói.

Bài phóng sự “(Lợn chết) Giết suối Củn và hơn thế nữa” ra đời từ phương pháp ngửi theo chiều gió ấy. Tiến tới, bà con ở đèo Bông Lau, Lạng Sơn phục kích, bắt quả tang xe tải chở lợn chết ném xuống vực. Họ bắt giữ, yêu cầu khênh lại xác lợn lên xe tải và quay video, cấp báo chính quyền xử lý. Việc bà con ở Bảo Lạc, Cao Bằng thi nhau xả xác lợn chết tím tái ném ven đường, lấy từng súc thịt về, cũng chấm dứt. Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - hứa sẽ xem xét thực hiện “hiến kế” của Báo Lao Động, sẽ lắp camera giám sát ở những “điểm đen” vứt xác lợn chết, đồng thời xúc tiến thành lập các khu chôn lấp xác lợn chết, có sự hỗ trợ kinh phí của địa phương.

Người đàn ông này đã không ngại xuất hiện trên báo, để đưa chúng tôi đi ngửi xác lợn chết trên 6km dọc suối Củn mà viết phóng sự.

3 chiếc ôtô thay nhau đi làm “gián điệp”

Tại huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), tình cờ, đang “lượn” camera hành trình của chúng tôi ghi được cảnh chiếc xe tải 3 tầng dừng lại ở một cây xăng. Họ lén lút khênh xác lợn trắng hếu sang xe tải nhỏ. Theo sát chúng, tôi đến trước cửa một khu nhà lụp xụp, lều lán mênh mông. Không có cách nào lọt vào đó được, chúng tôi bèn đi thuê khách sạn ngủ. Một mặt vẫn để hai người ngủ trên xe ven đường để mật phục. Nửa đêm, tin báo là xe chở lợn chết xuất kích đi đâu đó.

Tức tốc tung chăn, 3 xe ôtô cùng nổ máy, thay nhau đeo bám để tránh bị nghi ngờ. Chúng tôi ghi lại toàn bộ lộ trình của chúng, cứ ngỡ họ sẽ mang thịt hun khói đi bán cho người tiêu dùng. Tôi liên lạc với Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị phối hợp bắt giữ nếu chúng tôi bắt quả tang họ chặt xác lợn thối làm thực phẩm. Tuy nhiên, rất bất ngờ, xe tải đó chở toàn bộ núi xác lợn chết sau khi bị băm vằm ra... bãi rác. Bãi rác này rất hôi thối, nằm cách huyện lỵ Trùng Khánh hơn chục cây số. Ngẫm lại, nếu họ thu gom xác lợn chết về rồi đem vứt ra bãi rác, thế thì họ còn tử tế chán. Hay mình nghi oan cho họ?

Tiếp tục phục kích. Một camera siêu nhỏ đi thu thập dữ liệu, bà con cho biết: Chúng xả thịt lợn chết, lợn thối, làm thịt hun khói và nhiều đặc sản khác đem bán thật. Bà con ai chả biết. Hai phương án được vạch ra. Một mũi, một số người ăn mặc quê mùa đóng giả người đi bắt cua bắt cá, tìm cách xâm nhập khu lều lán từ phía các bờ ruộng lầy lội vây quanh. Mũi khác, một số mặc láng coóng, lịch sự, đóng giả khách du lịch, đi bộ chụp ảnh rồi thấy giết lợn xì xụp xin vào hỏi mua “đặc sản hun khói” về Hà Nội làm quà. Mua 50kg. Sự canh gác cẩn mật và đàn chó dữ của họ, khiến phương án một thất bại.

Phương án hai gây hiệu ứng sốc, với những pha thót tim. Cộng sự to khỏe, có chút võ thuật của tôi được giao nhiệm vụ giải cứu đồng đội khi nguy kịch. Trang bị máy quay lén, cả điện thoại có chương trình spy, tức là khi quay màn hình vẫn tối om! Cả máy ghi âm cài ở cúc áo. Chúng tôi vào, đến cổng đã bị đuổi, có công nhân thật thà đến mức: Anh trông giàu có (!) thế, mua 50kg thịt hun khói này về làm quà, bạn bè nó chửi cho. Thịt lợn chết bọn em “tận dụng” ấy mà.

Như đã “nghị quyết” từ trước, chúng tôi cứ ập vào giả vờ hỏi han. Tinh thần là chỉ cần vài phút ghi hình cảnh giết mổ kinh hoàng, thì sẽ chắc thắng. Một cộng sự cầm cái điện thoại đắt tiền cài chế độ spy bị gã đang đồ tể tưới cả ít máu lợn đen kịt vào. Dường như anh ta nghi ngờ. Anh này nhanh trí kêu ầm, máu lợn vào cả mặt, đen đủi thế, rồi đi dọc khu nhà xưởng xin đến chỗ bể nước rửa mặt. Toàn bộ hóa chất tẩy lợn thối, cảnh chặt lợn thối, cảnh nội tạng lợn nát nhừ, phân hủy xếp chồng đống, cảnh họ bốc những phần không thể tận dụng được lên xe tải đi vứt bỏ... tất cả lọt vào ống kính. Có cả cảnh thịt hun khói thành phẩm. Cảnh từng súc thịt cả đùi, cả đầu lâu, cả thăn lớn đem đi ướp muối, trữ đông, hun khói.

Chúng tôi xin lỗi vì buộc phải “nói dối” đoàn liên ngành

Chắc ăn rồi, chúng tôi tự tin trình bày với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng yêu cầu ra quân bắt giữ. Một mũi đi báo cáo, một mũi phục kích đề phòng tẩu tán tang vật! Sau nhiều giờ chờ đợi, tôi đã nhận điện thoại của ông Chính - Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Cao Bằng. Có vẻ như họ nghi ngờ, nên đã cho người đi quanh chiếc xe để ngó. Máy quay thì phủ áo khoác lên, người nằm trong xe giả vờ ngủ.

Trước tình huống đó, để tránh bị ai đó “bảo kê”, báo trước cho đối tượng khi chiến dịch ra quân, tôi đã thông tin cho đoàn cán bộ đang xuất kích kia rất lấp lửng: Chỗ tổng kho lợn chết hình như ở huyện Quảng Uyên, trống vắng lắm, em chả biết xã gì. Điều “nói dối” này hơi ác, nhưng cần thiết. Khi ông trưởng đoàn vào, họ huy động công an, quản lý thị trường, lãnh đạo huyện Quảng Uyên đi tìm tôi. Khi đoàn liên ngành đông đảo ngã ngửa ra là “hang ổ” nằm ở huyện Trùng Khánh, bấy giờ tôi mới bảo, vùng này giáp ranh, em từ xa đến không thạo. (Thật ra thì trước đó chúng tôi đã biết có văn bản huyện Trùng Khánh cho phép cơ sở trên được giết mổ những con lợn “không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu” - từ ngữ nguyên văn! Dấu hiệu mập mờ là... rất rõ). Người ta lại mời công an, QLTT và liên ngành huyện Trùng Khánh đến phối hợp. Chúng tôi yêu cầu trưởng đoàn liên ngành lên xe của chúng tôi và xem các video rùng rợn bên trong “tổng kho”.

Đoàn cán bộ hội ý rất lâu rồi quay về, vì lý do trời tối. Dù chúng tôi cấp báo từ sáng, 14h đoàn mới vào đến nơi. Trước tình huống khó hiểu này, chúng tôi rất thất vọng và bất bình. Hôm sau, tôi đã kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, để đích thân đồng chí Nông Văn Xứng - Chi cục trưởng QLTT - phải vào chỉ đạo bắt giữ. Khoảng 4 tấn thịt lợn “bẩn” khủng khiếp đã hun khói, vài tạ thịt sống “không rõ nguồn gốc” bị bắt giữ.

Vụ bắt giữ chấn động này đã khiến báo giới ở Cao Bằng và nhiều nhà báo trung ương có mặt. Báo Lao Động tiếp tục có các bài viết phân tích những dấu hiệu bảo kê cho tổng kho thịt lợn thối. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã trao đổi kỹ với Lao Động vụ việc này và cam kết sẽ “làm” thật quyết liệt. Liên tiếp các vụ thu giữ nhiều tấn thịt lợn “không rõ nguồn gốc”, điều đó đã làm nức lòng bà con, là quả đấm thép tiến tới trong sạch và minh bạch thị trường đặc sản thịt hun khói, lạp xường, xúc xích nổi tiếng cả nước của Cao Bằng.

Sau những lao đao vì “tổng kho thịt lợn thối”, thị trường đặc sản truyền thống từ thịt lợn của Cao Bằng đã dần ổn định. Và tôi tin, đó mới là sự ổn định bền vững, lương thiện.

 


LÃNG QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Bắt giam Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

TRUNG DU |

Thái Bình - Ông Vũ Văn Hạnh (54 tuổi), Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Mục sở thị phố ẩm thực Hàn Quốc ngay giữa Hà Nội

Linh Boo |

Ghé khu K-Town ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), du khách có thể thưởng thức ẩm thực tại những quán ăn chuẩn vị Hàn Quốc, và đứng “đâu cũng có ảnh đẹp”.

Tất cả mẫu nước sau vụ vỡ đập thải ở Bắc Kạn đều không đạt

Việt Bắc |

10/10 mẫu nước lấy tại Tuyên Quang xét nghiệm sau vụ vỡ đập bùn thải của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đều không đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sinh hoạt.

Thông tin chính thức vụ thân mật trong lớp học ở Long Biên

KHÁNH AN |

Hà Nội - Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, cô giáo xuất hiện trong clip ở Long Biên ít kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém.

CLB Hoàng Anh Gia Lai bị Đà Nẵng cầm hòa trên sân khách

NHÓM PV |

Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai chỉ có 1 điểm sau trận hòa 1-1 trước SHB Đà Nẵng trên sân Hòa Xuân tại vòng 4 LPBank V.League 2024-2025 tối 3.10.

Giải cứu bé 5 tuổi bị đối tượng tâm thần dùng dao kề cổ

Tô Công |

Phú Thọ - Lực lượng Công an huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ để giải cứu cháu bé 5 tuổi bị người đàn ông tâm thần dùng dao khống chế.

Bám trụ giữa bom rơi đạn lạc ở miền nam Lebanon

Bùi Đức |

Trong bối cảnh hàng nghìn người dân phải di tản vì chiến tranh khốc liệt ở miền nam Lebanon, vẫn có một người đàn ông ở lại để cưu mang những con vật bị bỏ rơi.

Bất cập thi học sinh giỏi cấp trường ở chuyên Lam Sơn

Xuân Hùng |

Thanh Hóa - Thay vì lên kế hoạch, công khai trước khi thi chọn học sinh giỏi cấp trường thì Trường chuyên Lam Sơn lại thực hiện theo kiểu "tiền trảm hậu tấu".