Làng chài sẽ lùi vào kí ức

Thùy Trang |

Giữa năm 2016, TP Đà Nẵng có kế hoạch giảm số lượng tàu công suất nhỏ hơn 20CV. Điều này đồng nghĩa với những làng chài ven biển Nam Ô, Thọ Quang, Mân Thái sẽ gần như sạch bóng thuyền thúng. Câu chuyện về những người dân chài tối ra khơi, sáng về tôm cá đầy khoang trong nay mai cũng sẽ trở thành kí ức ngay giữa vùng đất biển.

Ngư dân không được đi biển

“Biết làm gì để sống?” là câu tặc lưỡi của mọi ngư dân khi được hỏi về câu chuyện bỏ thuyền thúng. Toàn TP. Đà Nẵng có khoảng 1.000 thuyền thúng, tàu có công suất nhỏ dưới 20CV, giải quyết việc làm cho ít nhất 1.500 lao động, nhưng nếu tính cho đúng, câu hỏi kia không chỉ dành cho chính những người ngư dân mà cho cả hàng nghìn gia đình phía sau đó.

Ngư dân bên chiếc thúng máy đã gắn với họ bao đời nay

Ghé thăm biển Thọ Quang ngày cuối năm, hàng trăm thuyền thúng máy vẫn đang ra khơi mỗi ngày. “Mấy tháng nay đang là mùa đánh bắt chính khi tôm hùm giống vào mùa. Giá trị kinh tế cao nên dù mưa lớn nhiều ngày qua chúng tôi vẫn tranh thủ đi biển. Người ít người nhiều cũng được vài trăm ngàn tiền chợ. Có hôm bạc triệu ấy chứ”, anh Dũng, một ngư dân làng biển Thọ Quang khoe mùa biển giáp tết. Thế nhưng nhắc đến chuyện thành phố sắp cho ngừng hoạt động thuyền thúng, tiếng cười anh gượng đi. “Chúng tôi đã nghe tin, phường có mời lên họp nhưng anh em lắc đầu. Đời cha rồi đến đời tôi sống nhờ vào nghề biển. Tôi hành nghề đã hơn chục năm nay, gia đình, con cái đều nương nhờ vào cái thuyền, cái thúng. Nói nghỉ, đổi nghề … nếu giàu hơn được thì đâu phải đến hôm nay hay cần ai nói”.

Anh Hoàng, một ngư dân khác đang sửa thúng gần đó cũng tặc lưỡi lắc đầu: “Mà lạ thiệt, thành phố biển lại đi vận động người dân bỏ biển. Rồi thì lấy chi sống đây?”. Anh Dũng tiếp lời hỏi, nghe người ta nói đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn hải sản. “Vậy còn tàu lớn, đánh bắt xa bờ, chẳng lẽ nguồn hải sản ngoài đó vô tận! Lạ thật!”.

Suốt mạch câu chuyện với các ngư dân là những câu hỏi. Họ như đang cố tìm ra một cái lý nào đó cho việc rời bỏ nghề biển của mình. Tôi nhắc đến chuyện rồi thì cũng phải tính chuyển đổi nghề nghiệp, anh Hoàng gạt đi: “Cầm mấy mươi triệu đó rồi cũng tiêu hết. Chúng tôi bám lấy nghề này mấy mươi năm không giàu có nhưng cuộc sống tự do. Chừ nói đi làm thuê, có nhiều tiền hơn cũng không sướng bằng cái nghề mình sống với nó bao nhiêu năm”. Anh Dũng chỉ tay về hướng cuối bãi: “Những người dân làm biển, không bằng cấp, không chữ nghĩa, lại ở cái tuổi 50, 60, có người 70 tuổi vẫn đang cán đáng 2, 3 miệng ăn thì biết chuyển qua làm gì? Làm công nhân hay bảo vệ đây? Nếu làm được thì họ đâu phải ở cái tuổi đó còn ra với sóng gió?”. Không có câu trả lời nào cho họ nhưng hẳn những người nghe đã tự lý giải được, hóa ra người miền biển phải là vậy. Họ sống tự do, làm nghề bằng kinh nghiệm của người đời trước, rồi trải qua bao sóng gió mà đắp đổi cuộc sống. Với họ, không cần quá giàu có, chỉ cần được sống như hiện tại là đủ. Giờ bắt họ bỏ, khó ai chấp nhận ngay được.

Tại quận Thanh Khê chiếc thuyền thúng đang là phương tiện mưu sinh của hàng trăm hộ dân.

Gặp anh Lang, một ngư dân phường Hòa Minh, anh cho hay cả gia đình anh 5 người sống nhờ cái thuyền máy. “Hay là đóng máy lớn đi khơi”, tôi nói như khích lệ thì anh Lang lắc đầu: “Đâu phải chuyện dễ. Biển giả mà. Rồi lỡ sa cơ thì chắc siết nhà siết cửa mà trả nợ. Chúng tôi dân nghèo, không dám liều làm lớn. Chuyển đổi ngành nghề, người chữ nghĩa đi làm lương đủ sống đã khó huống gì mấy người già như chúng tôi”.

Vướng vào tình thế còn khó khăn hơn những ngư dân khác, anh Cư, phường Hòa Minh cùng bạn góp chung 1 thúng máy. Tháng rồi nghe tin từ phường, anh Cư lo lắng bởi con thuyền thúng không đăng kí, đến giá đền bù cũng không được như người ta. “Cứ nghĩ là nhỏ, sắm sửa ra rồi mấy anh em cùng nhau làm chứ có nghĩ chuyện đăng kí hay hợp pháp gì. Chắc nay mai tôi phải đi hỏi để còn liệu tính”. Nghe vậy, người bạn ở cạnh anh gạt: “Thôi đi được ngày nào hay ngày đó chứ dù có đền bù thì cũng chỉ bằng chúng tôi làm lụng 3, 4 tháng. Cầm từng đó tiền về ăn rồi thì cũng hết chứ sống răng cho được”. Nói rồi anh kia cũng hạ giọng, “Rồi chuyện đáng lo nhất là mấy đứa nhỏ chứ đâu xa. Cuộc sống của chúng tôi là cơm ăn mỗi ngày, gom được ít tiền cho con học hành. Cha không đi biển, mẹ không đi chợ thì con cái cũng khổ theo!”. Câu nói của anh khiến những người ngồi xung quanh cũng lặng thinh.

Đừng lo sinh thái và bỏ dân sinh

Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, hiện nay các công tác thực hiện chỉ mới dừng lại ở việc vận động người dân, không cấp phép mới cho thuyền thúng máy. Tuy nhiên ngay chính điều này đã vấp phải sự phản ứng của ngư dân mà theo ông Lĩnh là hoàn toàn dễ hiểu. Ông Lĩnh nhận định, xét về phương diện giá mua thuyền thúng thì giá của thành phố đưa ra là tốt. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không mua thuyền mà là mua công cụ làm ăn của người dân. Mà ở đó các loại ngư lưới cụ chưa được tính toán trong đền bù. Thứ nữa, chúng ta đang lấy đi cơ hội làm ăn của họ. Bởi dù là hoạt động nhỏ nhưng điều này đã diễn ra hàng trăm năm. Vì vậy việc chuyển đổi nghề rất quan trọng trong kế hoạch thuyết phục người dân. Phải làm sao đó có kế hoạch cụ thể, chuyển đổi làm sao để họ có cuộc sống ổn định chứ không thể nói thu mua, đền bù là được.

Nếu cuộc sống của khoảng 2000 người dân không ổn định thì đó không còn là chuyện của mỗi gia đình mà là vấn đề an sinh của thành phố. “Chúng ta đang bàn về việc bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên, nhưng song song đó phải đảm bảo môi trường xã hội, an sinh của người dân”, ông Lĩnh nhấn mạnh.

Mặc dù đã có thông tin giảm số lượng thuyền thúng nhỏ nhưng những ngư dân vẫn không thể rời bỏ nghề nghiệp mấy mươi năm

Riêng với hội nghề cá đã đề xuất với thành phố có kế hoạch cho ngư dân vay vốn chuyển đổi ngành nghề khác, ngoài nghề biển bởi thực tế là những người làm tàu nhỏ nay chuyển lên tài lớn dù cùng một nghề chưa chắc đã làm được. Lo ngại của người dân là đúng. Bên cạnh đó, nói về việc hạn chế khai thác ven bờ để bảo vệ nguồn lợi hải sản cũng chỉ là định tính chứ chưa định lượng bởi chúng ta chưa có bất kì nghiên cứu cụ thể nào từ trước đến nay về điều này. Đây là cách làm thiếu khoa học trong công tác khai thác tài nguyên biển của nước ta chứ không riêng gì TP. Đà Nẵng. Trong khi đó biển là một hệ sinh thái rất đa dạng về giống loài động vật cũng như thực vật thủy sinh. Các ngành nghề đi khơi, đi gần bờ nảy sinh từ đó. Việc khai thác quá nhiều làm cạn kiệt một vài loài sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhưng nếu không khai thác, một thời gian sau, một số loài sinh sản quá nhiều, điều này cũng làm mất cân bằng. Vì vậy, để tránh tác động tiêu cực thực sự, cần phải nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để có phương án khai thác hợp lý, chứ không nên cấm hẳn.

Xóa thuyền thúng, kí ức miền biển về đâu?

Tự nhận là người ít chữ, nhưng  anh Dũng nói câu lại khiến nhiều người giật mình: “Chẳng biết mấy tòa nhà cao tầng thế nào chứ thuyền thúng, lưới mủng rồi cả dân chài lưới chúng tôi đều đã lên khung hình của du khách mà đi khắp các nước. Hỏi thử dẹp chúng tôi rồi, khách đến đây còn gì để ngắm, để biết về làng chài này?”.

Ngay trong những buổi chiều mưa cuối tháng 12 này,  những đoàn du khách vẫn ghé lại các bãi biển, nơi người dân đang tập trung chuẩn bị ra khơi. Người hướng dẫn viên vẫn mượn hình ảnh ấy mà kể về câu chuyện chài lưới Đà Nẵng. Chuyện mà nếu những người đóng máy lớn vươn khơi để góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc thì những người ngư dân đánh bắt ven bờ như anh Dũng, anh Cư cùng chiếc thuyền thúng đang giúp gìn giữ một phần văn hóa biển của vùng đất Đà Nẵng. Nơi mà những đứa trẻ lớn lên nhờ con tôm con cá, nhờ những chuyến đi đêm lạnh của cha và gánh cá sớm mai của mẹ.

Nói xóa bỏ 1000 tàu thuyền gắn máy nghe chừng chắc nhỏ, nhưng nếu nhìn về tương lai của những bãi biển Nam Ô, Mân Thái, Thọ Quang sạch bóng thuyền thúng thì hóa chẳng phải chúng ta đã xóa bỏ hết những câu chuyện văn hóa miền biển. Ông Lĩnh khẳng định, bên cạnh phát triển nghề chài lưới, TP Đà Nẵng có một văn hóa biển rất lớn hiện diện trong ca dao, tục ngữ, hò vè về cuộc đời ngư dân làng chài. Thứ mà nhiều người chưa thực sự nhận ra để gìn giữ. Vậy mới có chuyện, lâu này nền văn hóa làng chài ấy đã mai một cùng với tốc độ phát triển của đô thị hóa. Thậm chí hiện nay, ngay trong quy hoạch của thành phố cũng không định hướng về việc bảo tồn, phát triển hay chí ít là giữ gìn một làng chài nào.

“Làng chài là tổ nghiệp của thành phố. Chúng ta chỉ tái diễn hò bả trảo, cầu ngư nhưng vẫn còn rất nhiều văn hóa như lễ hội cầu siêu, đắp mộ gió, đua thuyền trên biển, các lễ hội làng chài đang bị bỏ quên mà nếu những người lớn tuổi mất đi, tất cả sẽ mất đi mãi mãi”, ông Lĩnh cho hay. Cũng như thuyền thúng không chỉ là phương tiện mà còn là nét văn hóa rất đặc sắc của các làng chài ven biển Việt Nam. Chiếc thuyền thúng đã và đang được xuất khẩu đi nhiều nước như: Thụy Sỹ, Thái Lan, Nhật Bản... mang theo đó văn hóa Việt, không gian làng chài Việt đi các nơi. Còn với chính người Việt,  chúng ta quên đi rằng những làng nghề chài lưới cũng là nét văn hóa cần phải giữ gìn.

Buổi chiều trên các bãi biển, hình ảnh những người vợ tiễn chồng ra khơi vẫn còn đó. Văn hóa miền biển vẫn đang hiện diện trong cuộc sóng ngư dân và chúng ta vẫn còn cơ hội gìn giữ. Đừng để đến lúc mất đi rồi sau đó mới bàn chuyện khôi phục!


Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

Một nhà hàng ở Yên Bái bị tố chặt chém đoàn từ thiện bão lũ

Trần Bùi |

Một nhà hàng trên địa bàn TP Yên Bái bị đoàn khách từ thiện tố "chặt chém" khi thu hóa đơn tới gần 5 triệu đồng cho bữa cơm 12 người.

Sạt lở khiến một ngôi trường đang xây có nguy cơ đổ sập

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Một ngôi trường đang xây dựng thì bị đất đá sạt lở, hậu quả khiến công trình xô nghiêng, nứt và có nguy cơ đổ sập.

Bão số 4 gây mưa, vườn nhà dân xuất hiện hố sụt lún

HƯNG THƠ |

Ảnh hưởng bão số 4 đã gây mưa, khiến 1 hố sụt lún xuất hiện ở vườn nhà dân ở Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Dự án 3 lần lùi tiến độ bị thanh tra toàn diện tại Quảng Nam

Lam Duy |

Dự án của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Viesky bị thanh tra toàn diện tại Quảng Nam có 3 lần xin điều chỉnh tiến độ.

Bà Nguyễn Phương Hằng được ra tù vào hôm nay

ĐÌNH TRỌNG |

Cơ quan chức năng tại tỉnh Bình Dương cho biết, sáng nay (19.9), bà Nguyễn Phương Hằng được ra tù sau khi được xét giảm án.

Bão số 4 chưa vào, cây cối ở Quảng Bình đã bật gốc

CÔNG SÁNG |

Bão số 4 chưa vào, cây cối tại đường Võ Thị Sáu (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã bật gốc.

Ứng phó bão số 4, chủ động với các tình huống xấu nhất xảy ra

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ", chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cầu trên tuyến nối Hòa Bình với Hà Nội bị nứt gãy, sụt mố

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Cầu Ngòi Móng trên tỉnh lộ 445 (tuyến đường nối thành phố Hòa Bình) bất ngờ bị nứt, sụt mố cầu lúc nửa đêm, may mắn không gây thiệt hại về người.