Những thân lim mục ruỗng bị bỏ lại giữa rừng già. Những tấm gỗ bìa không có giá trị bị vứt tứ tung giữa “đại công trường”. Vết cắt, mùn cưa, nhựa cây, dấu hiệu của con người vẫn còn rất mới. Ấy vậy mà, cơ quan chức năng mãi sau này mới biết…
33 cây lim xanh cổ thụ và 1 cây xoan đào
Ngày 31.3, thông tin về rừng lim xanh quý hiếm ở thôn Cần Đôn (xã Chà Val, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ (RPH) Nam Sông Bung bị hạ sát thôi thúc chúng tôi tìm đến. Để vào được “đại công trường” phá gỗ lim giữa rừng già, chúng tôi phải mất nhiều giờ đồng hồ di chuyển.
Từ cầu Khe Vinh (xã Chà Val, huyện Nam Giang) mất khoảng 2 giờ đồng hồ ngồi ghe máy chênh vênh giữa dòng sông Bung, chúng tôi đến khe Đại Hồng. Rồi từ đây, mất thêm khoảng 2 giờ đồng hồ lội rừng, leo trèo qua các dốc đá trơn như xoa mỡ, chúng tôi tiếp cận được hiện trường.
Đập vào mắt là ngổn ngang thân cây, cành lá, là phách, là ống, gỗ bìa nằm lăn lóc. Ai nấy đều ngỡ ngàng đặt câu hỏi, vì sao giữa rừng phòng hộ lại có cảnh tượng khủng khiếp thế này. Càng vào sâu trong rừng già, cảnh tượng tàn phá càng kinh khủng hơn. Từ những gốc lim 3 - 4 người ôm không hết đến những cây lim cổ thụ đường kính 1,2 - 1,7m, ước tính hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ không thương tiếc.
Bên cạnh những thân cây dần mục ruỗng là những vết cắt còn khá mới, nhựa cây đang tứa ra. Chứng tỏ việc tàn sát rừng lim này đã diễn ra trong nhiều năm liền và vẫn đang tiếp diễn cách đây không lâu. Gỗ lim là loài cây quý hiếm nằm trong nhóm IIA được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác nhưng lại có giá trị kinh tế cao. Dễ hiểu vì sao các đối tượng phá rừng không quản ngại địa hình trắc trở để nhắm vào xóa sổ rừng lim cổ thụ.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, khu vực rừng lim bị phá nằm ở khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Tại đây, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ, trong đó có 33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào. Ước tính, tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 235 m3, khối lượng gỗ còn tại hiện trường hơn 125 m3 gỗ tròn và gần 4 m3 gỗ xẻ.
Như vậy, các đối tượng lâm tặc đã vận chuyển trót lọt một khối lượng lớn gỗ lim quý hiếm ra khỏi rừng phòng hộ mà không bị cơ quan chức năng phát hiện. Một câu hỏi được đặt ra, cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm đã ở đâu trong suốt thời gian qua. Và, có hay không sự bao che, tiếp tay của chính quyền sở tại?
Không lường hết được sự việc (?!)
Tại buổi làm việc với UBND huyện Nam Giang, Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung, Công an huyện Nam Giang và các cơ quan liên quan vào ngày 30.1 vừa qua, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - “chất vấn” đại diện Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung: “Tại sao xảy ra 2 vụ phá rừng tại Nam Giang trong lâm phận mình quản lý mà không phát hiện được?”.
Ông Trần Lanh - Hạt Trưởng kiêm Giám đốc Ban quản lý RPH Nam Sông Bung- giải thích: Trước tết, từng cơ sở cho anh em đi truy quét nhưng không nắm hết, không nhận định được hết tình hình. Sau tết, lực lượng tổ chức với quy mô lớn đồng loạt kiểm tra thì mới phát hiện được vụ việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh hỏi tiếp: “Nhưng anh có nắm được chỗ phá rừng là điểm nóng của các đối tượng phá rừng tụ tập ở đó không?”. Đại diện Ban quản lý RPH Nam Sông Bung phân trần rằng, mình mới về nhận công tác được khoảng 4 tháng.
“Anh em báo cáo lên nói là tình hình giảm nên ban quản lý tổ chức đồng loạt đi kiểm tra từ dưới xã lên các điểm nóng nhưng khi quay lại các điểm nóng thì sự việc đã xảy ra” - ông Trần Lanh lý giải.
Còn bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - tỏ ra khá bất ngờ với vụ phá rừng lim xanh quy mô lớn, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện mình quản lý.
Bà Như cho rằng, mình khá bất ngờ và không nghĩ rằng vụ việc lại xảy ra trên địa bàn huyện Nam Giang.
Bà Như cũng thừa nhận, bản thân có trách nhiệm khi để rừng trên địa bàn liên tục bị phá. Bà Như cho biết, sắp tới sẽ tự nhận trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm những người liên quan. Bà cũng mong muốn, lực lượng công an phải xử lý nghiêm vụ việc.
Không chỉ 33 cây gỗ lim xanh bị chặt phá, ngày 15.3 vừa qua, Công an huyện Nam Giang tiếp tục bắt quả tang 6 đối tượng đang khai thác gỗ trái phép tại khu vực Khe Bưa, xã Tà Pơơ (vùng giáp ranh giữa 3 xã Tà Pơơ, xã Zuôih huyện Nam Giang và xã Lăng huyện Tây Giang). 6 đối tượng gồm Tăng Đức Xưng (SN 1955), Nguyễn Văn Triều (SN 1978), Văn Bá Điệp (SN 1983), Phan Văn Tài (SN 1984) cùng trú xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Lương Văn Luận (SN 1990), Lê Minh Thành (SN 1985) cùng trú xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc) đang có hành vi khai thác gỗ trái phép.
Qua điều tra ban đầu, 6 đối tượng trên khai nhận, đã chặt hạ 5 cây gỗ (gồm 4 cây giổi và 1 cây lim xanh) có tổng khối lượng hơn 24m3. Riêng đối tượng Tăng Tấn Dịp (SN 1981, trú xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) là chủ mưu đã ra đầu thú sau khi hay tin đồng bọn bị bắt giữ. Hiện 7 đối tượng này đang bị Công an huyện Nam Giang tạm giam để phục vụ điều tra.
Xử lý nghiêm nếu có sự tiếp tay
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - quả quyết: “Bây giờ tôi có thể khẳng định, khu vực rừng lim bị phá trong một vài năm vừa qua nhưng các cơ quan quản lý, kể cả chính quyền địa phương, kể cả ban quản lý là chủ rừng không phát hiện ra là thiếu trách nhiệm. Trước hết là việc thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả như vậy. Còn có hay không việc bao che, tiếp tay, hiện nay tôi đang chỉ đạo cơ quan công an mở rộng điều tra để tìm ra các băng nhóm phá rừng khác và tất cả các cán bộ liên quan. Tinh thần là phát hiện đến đâu thì lần này sẽ xử lý rất nghiêm”.
Ông Thanh cũng thừa nhận, thời gian qua, việc xử lý các vụ án phá rừng đã đúng người đúng tội nhưng tính răn đe còn chưa cao. Trong khi đó, rừng tự nhiên hiện nay ở các khu vực như Lào, Campuchia đã đóng cửa rừng. Ở nước ta, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường rất lớn nên các đối tượng tìm mọi cách để khai thác gỗ rừng tự nhiên để bán ra thị trường.
“Các đối tượng liều mạng tìm mọi cách, mọi thủ đoạn. Chúng ta chặn được cách này thì chúng lại tìm ra cách khác. Chúng ta có cách này thì chúng lại nghĩ ra cách khác. Bằng mọi cách, suốt ngày, chúng chỉ nghĩ cách làm thế nào để lấy gỗ” - ông Thanh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng cho biết, không ngoại trừ việc móc nối, bao che, sợ sệt, thiếu trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm, các ban quản lý rừng và có thể có 1 phần của chính quyền địa phương cấp cơ sở xã. Do đó, lần này, nếu điều tra phát hiện đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó.
“Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm minh nhất, có tính răn đe cao. Có thể đau đớn nhưng dứt khoát phải xử lý” - ông Thanh nói.
Ông Lê Trí Thanh chỉ đạo, nếu cần thiết, Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc, phối hợp với Công an huyện Nam Giang điều tra, xử lý nghiêm vụ chặt phá 33 cây gỗ lim quý hiếm. Ông Thanh cũng yêu cầu, có thể đưa ra xử lý vụ việc thành vụ án điểm trong đầu năm 2018 để mang tính răn đe với các đối tượng đang lăm le phá rừng.
Liên quan đến vụ việc 33 cây gỗ lim bị chặt hạ, ngày 28.3 vừa qua, Hạt Kiểm lâm RPH Nam Sông Bung đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 21/QĐ-HKT khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo Điều 232 Bộ Luật hình sự và đề nghị Viện Kiểm sát chuyển vụ án đến Công an huyện Nam Giang để tiếp tục điều tra, xử lý.