“Không được bán ở cổng trường, không nguồn gốc là thu luôn”
Câu hỏi mà rất nhiều chuyên gia đặt ra là tại sao cơ quan chức năng đã cấm nhưng thực phẩm bẩn ở cổng trường vẫn tràn lan? Có thể, những biện pháp xử lý của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ, chưa tạo ra những kết quả mà nhiều người mong đợi. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, hậu quả mà thực phẩm bẩn bán trước cổng trường gây ra cho trẻ em sẽ khó thể tưởng tượng nổi. Chúng ta phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tiến tới mục tiêu dẹp bỏ hoàn toàn hàng quán bán đồ ăn vặt tại các cổng học đường. Đó là những chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội).
Ông cho rằng: “Hàm lượng chì phát hiện ra trong loại thực phẩm ấy chỉ là một chỉ số mà chúng ta quan tâm đến, nhưng nó lại không phải là mục tiêu mà chúng ta cần phải làm (Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm Hổ Kaka của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã phát hiện hàm lượng chì 0,29mg/kg, có thể dẫn đến nhiễm độc chì cho trẻ - PV). Mục tiêu của chúng ta phải làm là dẹp bỏ thức ăn bán ở cổng trường học cho trẻ em. Giải quyết rất nhiều vấn đề chứ không phải vấn đề chì. Các bạn đã mang cái đó đi xét nghiệm, thì các bạn đã thừa nhận rằng cái đó người ta có thể bán. Người ta bán nó có an toàn hay không thì lại là vấn đề khác. Có an toàn cũng không được bán, không an toàn lại càng không được bán”.
PGS Thịnh phân tích: “Bởi vì nó mang lại hệ lụy rất lớn trong các trường học. Nó thuộc về chuyện giáo dục tư tưởng rồi thói quen sống cho trẻ con. Cái thực phẩm ở cổng trường mà phóng viên mang đi xét nghiệm nó chỉ có chì thôi, nhưng thực ra nó có rất nhiều hệ lụy. Có rất nhiều cái không an toàn chứ không phải chỉ có chì. Chì nó là một yếu tố rất là nhỏ thôi, đôi khi mới gặp thôi. Nhưng thức ăn đó bày ở đường, ruồi bâu kiến đậu, không ai có thể đảm bảo rằng thức ăn đó được kiểm soát. Mà trẻ con thì rất nhạy cảm với vệ sinh thực phẩm”.
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cũng đồng quan điểm: “Sản phẩm bày bán ở cổng trường học không đảm bảo vệ sinh, không có nguồn gốc xuất xứ thì thu luôn chứ không cần phải mang về xét nghiệm chất nọ, chất kia. Về mặt pháp luật, không có nguồn gốc xuất xứ đã không cho phép lưu hành rồi. Các phụ huynh phải lưu ý đến con em mình, nếu sản phẩm bày bán ở cổng trường học mà không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì tuyệt đối không nên ăn, tránh những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của các cháu”.
Nguy cơ gây ung thư cho trẻ em
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu ăn những loại thực phẩm bày bán ở cổng trường học thường xuyên, các em học sinh sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư rất cao. Ông phân tích: “Thức ăn ở cổng trường chủ yếu là đồ nướng, rán, chế biến sẵn, rồi bim bim, bỏng ngô... bán ở cổng trường, vỉa hè, tất cả những cái đó đều có khả năng gây độc hại cho trẻ con. Nếu cứ ăn thường xuyên khiến cho trẻ em rất sớm tiếp cận với những tác nhân gây ung thư. Những loại đạm động vật, protein khi gặp nhiệt độ cao nó không phải phân giải thành axit amin mà nó bị bẻ gãy thành những tế bào lạ, những phân tử lạ, những phân tử lạ xâm nhập vào cơ thể, gây ra ung thư. Gây ra ung thư từ rất sớm đối với trẻ em. Đây là sự thật chứ không phải là dọa đâu”.
“Mối nguy hiểm cực kỳ lớn đối với các em học sinh là chuyện đã rõ ràng. Nhưng chính chuyện ăn vặt ở cổng trường tạo ra một môi trường phi văn hóa. Bây giờ phải có quan điểm chống ăn vặt ở cổng trường. Phải cấm. Cấm rồi thì phải dẹp hết luôn. Thứ nhất, gây ra thói quen không tốt cho trẻ em. Ở nhà không chịu ăn. Đi đến trường thì ăn vặt. Như thế là tính dinh dưỡng không được ổn định, không được kiểm soát. Các em sẽ phải tiếp cận với những yếu tố không an toàn vì những người bán hàng họ không có trách nhiệm, không đủ trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho trẻ em” - GS Thịnh nhấn mạnh.
Ông bức xúc: Nguy cơ ung thư cao, tạo ra những thói quen sống không tốt, làm hoen ố hình ảnh học đường… là những hệ lụy vô cùng nguy hiểm và nhãn tiền mà thực phẩm bẩn bán ở cổng trường đã gây ra. Điều này các em học sinh chưa thể đủ nhận thức để hiểu được. Vì thế, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bậc phụ huynh để che chở, bảo vệ con em mình trước những nguy cơ tiềm ẩn sâu sắc ấy. Cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để có thể hy vọng một ngày không xa, thực phẩm bẩn ở cổng trường học sẽ không còn đe dọa tương lai thế hệ trẻ của chúng ta.