Vọng âm mành trúc một thời

đỗ phấn |

Ít ai còn nhớ những năm tháng chiến tranh Việt Nam từng xuất khẩu những mặt hàng gì ra thế giới. Thu hoạch được bao nhiêu lại càng là con số bí mật tầm quốc gia. 

 
 
Thế nhưng chỉ căn cứ vào bộ máy nhà nước lúc ấy có rất nhiều tổng công ty và những công ty xuất nhập khẩu ở khắp các tỉnh trên miền Bắc cũng có thể biết được xuất khẩu là một ngành có những hoạt động mạnh mẽ.

Thập niên ’60 là giai đoạn xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ rầm rộ. Hầu hết những nghề thủ công ở các làng nghề đều tham gia sản xuất hàng xuất khẩu. Đồ đan lát mây tre. Thảm cói, thảm bẹ ngô. Cần câu trúc. Đồ thêu tay. Đồ mỹ nghệ sơn mài được các hợp tác xã ở Hà Nội sản xuất hàng loạt. Đặc biệt nhất có nghề làm mành trúc trong các cơ sở nhỏ lẻ trên phố Hàng Gai, Hàng Mành, Đồng Xuân, Chùa Vũ Thạch...

Mành trúc Việt Nam hình như lúc ấy là mặt hàng xuất khẩu rất ăn khách. Các cơ sở làm ngày đêm không hết việc. Những công việc nhẹ nhàng này trẻ con cũng có thể tham gia làm vào dịp hè. Thợ chính tiện trúc thành từng đốt ngắn và khoan lỗ. Đây là loại trúc đặc biệt của vùng Lạng Sơn ruột đặc.

Thợ phụ và trẻ con xâu dây thép những mảng mành đơn giản. Thợ kỹ thuật cao ghép những hình ảnh trang trí lên mành bằng những đoạn trúc nhuộm phẩm màu. Những đoạn trúc này thường phải kì công tiện đúng kích cỡ bằng con dao thái phở sáng loáng và chiếc thớt nghiến cỡ đại. Thợ giỏi áng chừng chiều dài đoạn trúc để tiện lắp vào hình vừa khít.

Trúc được nhuộm vài màu cơ bản đỏ, xanh cây, vàng, đen. Có sơ đồ ghép mành vẽ ra giấy cho những thợ mới vào nghề. Mành đơn giản có hình Chùa Một Cột, Tháp Rùa. Phức tạp hơn là bức tranh mai, lan, cúc, trúc hoặc phong cảnh Cầu Thê Húc.

Những gia đình khá giả trong phố cũng vài nhà sắm được mành trúc để treo ở các cửa buồng cho thông thoáng. Có thể nói đó là món đồ trang trí sang trọng. Nhưng tác dụng của việc treo mành không nằm ở chỗ tạo không gian kín đáo.

Cái sang ở đây không chỉ nằm ở vật liệu những đốt trúc óng ả và hình vẽ kỷ hà chính xác. Người chơi mành trúc có thâm niên còn lắng nghe được tiếng những đốt trúc va vào nhau lanh canh giòn tan mỗi khi có gió. Chính cái âm thanh sang trọng ấy mới làm nên giá trị của bức mành tốt chứ không phải hình vẽ.

Lũ trẻ ở phố đặc biệt thích la cà ở những hợp tác xã làm mành trúc. Đó là cả một thế giới sắc màu và kỹ thuật điêu luyện của bàn tay các ông thợ. Cách cầm chiếc kìm cắt thép mềm dẻo bấm dây, xuyên lỗ nối mành và đặc biệt động tác giấu đầu dây vào thân đốt trúc thoăn thoắt chính xác đến không ngờ. Vài đứa khéo tay có thể được các ông thợ cho ghép những mảng mành đơn giản.

Lúc ra về bao giờ cũng xin được một nắm những đốt trúc tiện ra không dùng đến. Trẻ con ở phố hầu như đứa nào cũng biết cách chế tạo những đốt trúc ấy thành những con lật đật hình tráng sĩ đấu kiếm. Trò chơi này chúng mang cả đến trường bởi ở đấy có những chiếc bàn học ghép gỗ khá nhiều khe hở.

Tráng sĩ đấu kiếm được xâu bằng dây chỉ chập bốn. Bàn tay và bàn chân là những chiếc khuy trai bé xíu. Dùng que kem vót thành đôi kiếm buộc chắc vào bàn tay. Luồn sợi chỉ đoạn nối hai chân lật đật xuống khe bàn giật nhẹ là tráng sĩ đứng thẳng trên đôi bàn chân khuy trai của mình. Thế là vào cuộc chiến đấu hăng hái hét hò vui vẻ. Cho đến lúc một tráng sĩ bị đứt chỉ thua cuộc mới thôi.

Thế nhưng những đồ thủ công mỹ nghệ rẻ tiền xuất khẩu như vậy chắc chắn chẳng mang lại thu nhập đáng kể gì. Tiền bạc thu được từ những cần câu, mành trúc, thảm cói, đồ sơn mài... chẳng đáng gì so với lương thực và súng đạn phải nhập về để phục vụ kháng chiến.

Vào quãng những năm 1970 việc xuất khẩu hàng thủ công mĩ nghệ khá ảm đạm. Các cơ sở sản xuất mành trúc và đồ sơn mài trong phố dần giải tán hết. Những năm cuối cùng của chế độ bao cấp còn ảm đạm hơn nữa. Lúc này Việt Nam chỉ còn xuất khẩu được mặt hàng mỹ nghệ gốm sứ bằng những hiệp định trả nợ cho khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa. Đó là thứ đồ gốm thô sơ xấu xí được chế tạo tại các lò thủ công ở Bát Tràng, Quảng Ninh. Đồ mỹ nghệ sơn mài thậm chí không còn được dùng làm quà tặng khách quốc tế như xưa nữa.

Đất nước kiệt quệ sau chiến tranh và bị cấm vận đã phải tìm đến một mặt hàng xuất khẩu không mong muốn. Đó là xuất khẩu lao động đi làm việc ở các nước Đông Âu. Dù không mong muốn nhưng đó lại là nguồn thu nhập quan trọng góp phần vực lại nền kinh tế.

Giờ thì những ngành thủ công mỹ nghệ cũng không còn là lựa chọn cho việc xuất khẩu nữa. Khách hàng ngần ấy năm hình như đã quá đủ đồ mỹ nghệ Việt trong nhà. Chúng ta đang xuất khẩu những tài nguyên thiên nhiên và lúa gạo với khối lượng lớn. Nhớ đến vọng âm mành trúc một thời xuất khẩu và những thứ lặt vặt khác cũng chỉ là để rưng rưng đôi chút mà thôi.

7.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

4 đặc tính cần có của lãnh đạo thời chuyển đổi số

Hà Anh |

Sáng 4.10, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - trao đổi chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số”.

Dự báo vùng ảnh hưởng của cơn bão mới mạnh ngang Helene

Thanh Hà |

Tin bão mới nhất cho hay, bão Kirk mạnh lên thành bão cấp 4 ngày 3.10, trở thành bão mạnh thứ 3 trong mùa bão 2024 sau siêu bão Beryl và Helene.

Bất ngờ lý do không đội mũ bảo hiểm của nam sinh lớp 9

Tô Thế |

Khi bị lực lượng CSGT Hà Nội dừng xe kiểm tra vì không đội mũ bảo hiểm, nam sinh lớp 9 tỏ ra bất ngờ.

Thị trường bất động sản vẫn kém sắc

Bảo Chương |

TPHCM - Nguồn cung căn hộ ở mức thấp, thanh khoản yếu khiến thị trường bất động sản đang trong trạng thái kém sôi động.

Sai phạm của cựu Thư ký Thứ trưởng vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng |

Cơ quan điều tra chỉ ra sai phạm của Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế - ở giai đoạn 2 vụ chuyến bay giải cứu nhưng không xử lý ở lần này.

Chung kết Anh trai vượt ngàn chông gai sẽ không có quán quân

ĐÔNG DU |

Xác nhận với phóng viên Báo Lao Động, phía chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" cho hay, chung kết sẽ không chọn ra quán quân.

Tạm giữ người cha cùng 1 phụ nữ vụ nghi bạo hành bé 6 tuổi

Minh Anh |

TPHCM - Ngày 4.10, Công an đang tạm giữ người cha cùng một người phụ nữ liên quan vụ bé trai 6 tuổi nghi bị bạo hành ở Quận 8 (TPHCM).

Trình phương án doanh nghiệp xăng dầu được mua bán của nhau

Anh Tuấn |

Trong dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ tới đây sẽ có thêm phương án cho thương nhân phân phối xăng dầu mua bán của nhau.