Theo giải thích của thầy cô giáo, việc sắm ti vi là cần thiết, vì chương trình học mới của ngành giáo dục cần có thiết bị hỗ trợ.
Nhưng để thuyết phục được tất cả phụ huynh thì không dễ, bởi vì đã động đến tiền bạc đương nhiên cần rõ ràng. Ví dụ một phụ huynh nói: "Bé học sinh lớp 1 đóng 500.000 đồng để mua tivi học 5 năm là hợp lý, nhưng có bé học lớp 5 chỉ còn học có mấy tháng cũng phải đóng đủ tiền là không hợp lý. Khi chuyển cấp mới, không được dùng tivi đó nữa, cũng không được mang về. Như vậy, tivi đó sẽ được dùng tiếp như thế nào?”
Ông Nguyễn Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phú Trung xác nhận nhà trường đang triển khai vận động xã hội hoá để trang bị tivi cho các phòng học. Ông Phúc phân trần: “Dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như áp dụng các phương pháp giảng dạy mới thì rất cần có tivi để triển khai hoạt động kể chuyện, thêm hình ảnh trực quan, sinh động. Hằng năm, trường được cấp ngân sách nhưng ở mức giới hạn nên dù chương trình mới đã áp dụng đến năm thứ 3 vẫn chưa thể mua được tivi cho các phòng học. Do đó, tôi cũng đề xuất thực hiện xã hội hoá để trang bị cho học sinh”.
Thứ nhất, đừng cho rằng “xã hội hóa” giáo dục là huy động tiền từ phụ huynh để mua sắm trang thiết bị trong nhà trường. Mượn danh “xã hội hóa” như vậy là lạm thu, không rõ ràng, không công bằng với học sinh và phụ huynh.
Hoạt động của trường công là sử dụng ngân sách nhà nước, không có chuyện nhập nhèm công tư.
Phụ huynh đưa con đến trường, chỉ đóng đủ các khoản theo quy định, ngoài ra, không có trách nhiệm lo việc mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Nhà trường không có tivi không có nghĩa là bắt phụ huynh phải đóng tiền mua tivi, nhà trường không có nhà vệ sinh không có nghĩa là bắt phụ huynh đóng tiền xây nhà vệ sinh và gọi đó là "xã hội hóa" giáo dục.
Nếu như có những phụ huynh tự nguyện hỗ trợ, tài trợ kinh phí cho nhà trường là việc của cá nhân, còn bắt tất cả phải đóng tiền là sai quy định.
Hãy tạo điều kiện tối đa cho xã hội huy động trí tuệ, nguồn lực để mở trường tư, đó là hình thức xã hội hóa cao nhất, không phải là nay góp tiền mua tivi, mai góp tiền sắm máy lạnh.