Trong đơn xin cứu xét gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, HĐND... tỉnh Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bệnh viện Bình An Gia Lai - ông Nguyễn Văn Bình – cho biết, vướng mắc tính pháp lý, buộc phải dừng hoạt động bệnh viện, khiến nhà đầu tư có nguy cơ phá sản.
Năm 2016, Gia Lai cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Gia Lai đầu tư Khu điều trị chất lượng cao thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau đó, Công ty này lại đề xuất chủ trương thực hiện một dự án bệnh viện tư nhân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai thời điểm đó đã thống nhất, thông qua.
Dự án sau đó được Công ty TNHH Bệnh viện Bình An Gia Lai tiếp tục đầu tư. Ngoài cơ sở vật chất là Khu điều trị chất lượng cao đã được xây dựng hoàn thiện trước đó, công ty đã mua sắm đầy đủ trang thiết bị hiện đại cho một bệnh viện mới với tổng vốn 245 tỉ đồng. Tuyển dụng đào tạo gần 300 nhân sự, sẵn sàng hoạt động, khám chữa bệnh.
Nhưng nay nhà đầu tư đã phải dừng hoạt động, bởi dự án vẫn chưa được Gia Lai giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nên không đủ thủ tục pháp lý để được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động.
Chủ trương kêu gọi đầu tư bệnh viện tư nhân đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy thống nhất, thông qua trước khi thực hiện. Nhưng cấp đất cho nhà đầu tư là trách nhiệm của hệ thống chính quyền. Lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh Gia Lai lẽ ra phải nghiên cứu pháp lý để giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, xây dựng.
Hoạt động đầu tư, xây dựng một bệnh viện đồ sộ với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng là công khai. Công trình hoàn thiện hơn 2 năm rồi nhưng thiếu các thủ tục pháp lý, rõ ràng có sự vô trách nhiệm của các ngành Tài nguyên Môi trường, Xây dựng... tỉnh Gia Lai.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Dự án Công viên Phần mềm 1.000 tỉ đồng, được đầu tư công tại TP Đà Nẵng, xây xong lại phải bỏ hoang cũng vì vướng pháp lý, không thể hoạt động.
Pháp luật, hay tính pháp lý của các thủ tục hành chính là những quy định sẵn, là cái có trước so thực tiễn. Vì thế, khi đặt bút ký, duyệt cho triển khai dự án thì các cá nhân, lãnh đạo quản lý nhà nước đã được cấp tham mưu, cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ, thẩm định. Nếu vướng mắc thì phải tìm cách tháo gỡ, xử lý trước khi cấp phép xây dựng. Nhưng khâu này đã bị bỏ qua?
Thiệt hại xã hội không chỉ dừng lại ở việc chôn vốn hàng ngàn tỉ đồng công sản tại Công viên Phần mềm Đà Nẵng, hay bỏ hoang phí 245 tỉ đồng của doanh nghiệp tư nhân Bệnh viện Bình An Gia Lai, mà hơn 6.000 vị trí làm việc về công nghệ thông tin, công nghệ số sẽ không được tạo việc làm ở Đà Nẵng. Hàng vạn bệnh nhân thiếu nơi khám chữa bệnh ở Gia Lai.
Vì vậy, phải tìm ra người chịu trách nhiệm, cho sự tắc trách, gây lãng phí này.