Chiều qua, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã viết trên trang cá nhân mình dòng trạng thái “xin lỗi” trong sự kiện liên quan đến trận đòn trả đũa người cha bạo hành con mình trên một đoạn clip, đưa lên mạng xã hội cách đây vài ngày.
Ca sĩ họ Đàm viết: “Tôi đã quá bao đồng, quá dễ xúc cảm; Phần NGƯỜI trong tôi nhìu (nhiều-PV) hơn phần CON; - Tôi là kẻ nhẹ dạ; - Tôi bị thiếu kiến thức về luật…”. Và kết luận: “Tôi… chọn cách sai pháp luật , làm xao động đến dư luận trong mấy ngày qua cũng chỉ vì lòng trắc ẩn của tôi dành cho đứa trẻ”.
Trước đó, từ một clip sau này được biết việc diễn ra đã hai năm, mô tả cảnh người cha say rượu bạo hành cậu con trai nhỏ, Đàm Vĩnh Hưng đã viết trên trang mạng xã hội của mình, phát động cuộc tấn công “trả đũa”. Theo đó Đàm Vĩnh Hưng còn treo thưởng 20 triệu nếu ai đó “tát” vào mặt ông bố, bằng đúng cách như vậy.
Và trận đòn trả thù cho cháu bé của một đám đông thanh niên, đã đổ lên người ông bố nói trên. Trong clip được quay lại, còn lẫn tiếng cười đùa khoái trá của vài người - “Đến Đàm Vĩnh Hưng nhận tiền thưởng đi”.
Sự kiện này đã chia dư luận làm hai phe. Một bên cho rằng ca sĩ vì lòng trắc ẩn mà phản ứng, nên cần thông cảm; mặt khác nhiều ý kiến cho rằng hành vi của Đàm Vĩnh Hưng đã có dấu hiệu “xúi giục người khác phạm tội”, dù anh nhanh chóng đã xóa bỏ dòng trạng thái trên.
Một trường hợp khác, mới đây sau một vụ va chạm xe, người đi xe máy đã rút kiếm chém vỡ kính xe cửa chiếc xe tải và đe dọa tài xế bằng những lời lẽ hung hãn.
Ngay hôm sau, một đám đông tự nhận mình trong một nhóm mang tên BHĐX đã truy lùng tìm người thanh niên đi xe máy hung hăng để thực thi lẽ "công bằng xã hội". Sau đó cả trăm người tụ tập chung quanh đồn công an, khi thủ phạm đến trình diện.
Trước đó vài giờ, một đoạn clip được tung lên mạng xã hội mô tả cuộc trao đổi giữ nhóm BHĐX với một người được cho là đại diện phía bên kia. Nội dung hàm chứa sự đe dọa, nếu thủ phạm chém vỡ kính xe không ra mặt, xin lỗi, đền bù.
Ít nhiều đoạn phim cũng làm không ít người hả dạ. Tuy vậy đã dấy lên sự lo ngại một cuộc hành xử theo cách "ngoài vòng pháp luật". Và vì vậy, người đi xe máy buộc phải trình diện, cầu cứu đến cơ quan pháp luật.
Trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và nhóm BHĐX là một phần trong bức tranh chung của thực trạng nhiều nơi, không ít người đang tự phát, lập ra những đội, nhóm “hiệp sĩ” bắt cướp, hoặc thay mặt cơ quan pháp luật “lấy lại công bằng” cho kẻ yếu thế... Và những hành vi này đã gây không ít hệ lụy đáng lo ngại cho xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật.
Như trong một bài hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn- “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”, theo đó, hiện không ít cá nhân đang từng ngày, từng giờ làm công việc thiện nguyện, giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn, rơi vào cảnh ngặt nghèo. Tuy vậy, cần phải nhận thức: Giúp đỡ người yếu thế, lòng nhân thôi, vẫn chưa đủ, mà nó phải được đặt đúng chỗ, phù hợp với các quy định của pháp luật.