Cái ngày khởi tố và bắt tạm giam những người có trách nhiệm đối với việc xây dựng công trình cấp nước sông Đà chắc chắn phải đến, vấn đề là sớm hay muộn. Không khởi tố vụ án và làm cho ra lẽ chuyện này, dân nào chịu cho được. Dân đã quá bức xúc, phẫn nộ vì quá khốn khổ khi ống nước bị vỡ, thiếu nước sinh hoạt. Dân đã quá giận dữ khi biết được số tiền đầu tư cho công trình này là tiền tấn.
Công trình 1.500 tỉ đồng, mới chỉ 6 năm đã phải sửa chữa mất 10 tỉ đồng. Sửa cứ sửa, tiền cứ tiêu, nhưng đường ống vỡ 10 lần. Một điều rất mỉa mai là công trình này đã được trao “Cúp vàng chất lượng xây dựng VN” của Bộ Xây dựng năm 2010. Chất lượng vàng mà vỡ 10 lần thì chất lượng bạc, chất lượng đồng vỡ bao nhiêu lần?
Nhận danh hiệu “chất lượng vàng” để rồi nhận trát khởi tố hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, nhưng căn cứ trước hết là kết luận của Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Cụ thể là, sự cố vỡ đường nước là do chất lượng ống không đồng đều, độ bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt, gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu tấm bêtông dàn tải tại hầm chui dân sinh...
Xin được lưu ý là “chất lượng ống không đồng đều”. Nói cho nhanh là ống không đạt chất lượng. Điều này thì khỏi có cãi, vì 10 lần vỡ của nó đủ để chứng minh thuyết phục về lý lẽ này. Và ai dám đảm bảo rằng đường ống này không tiếp tục vỡ. Với đường cấp nước, ống là thiết bị quan trọng nhất, lại sử dụng loại kém chất lượng, hậu quả tất nhiên phải xảy ra.
Lưu ý thứ hai, “thiếu tấm bêtông dàn tải tại hầm chui dân sinh”.
Ống kém chất lượng thì rõ rồi, việc cần làm rõ nữa là vì sao mua ống kém chất lượng, người ta có chia chác nhau lợi ích trong việc mua bán này không? Và, vì sao thiếu tấm bêtông dàn tải, có ai “rút ruột” công trình không?
Cụm từ “lợi ích nhóm” được nói nhiều, nhưng không ai chỉ ra lợi ích nhóm ở đâu, nhóm nào, lợi ích gì?
Trong lúc dân thấy hết, biết hết.