Dự án nhiệt điện Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho EGATi (Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT từ hơn chục năm trước - tháng 8.2013.
Nhà máy triển khai tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) với tổng công suất thô đạt 1.320MW, gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660MW với tổng mức đầu tư trên 55.000 tỉ đồng.
Để chuẩn bị cho dự án này, tỉnh Quảng Trị đã bỏ ra gần 250 tỉ đồng để làm khu tái định cư, làm đường… để di dân “nhường” đất.
Tuy nhiên, khu tái định cư vừa hoàn thành, chưa kịp di dân thì “tin như sét đánh ngang tai” là EGATi đề nghị chấm dứt dự án.
Và theo xác nhận của Bộ Năng lượng Thái Lan với UBND tỉnh Quảng Trị thì nguyên nhân xin dừng là do EGATi khó khăn trong việc huy động vốn và thực thi đầy đủ các cam kết COP26, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu…
Hệ lụy của việc dừng này là Quảng Trị mất một dự án đầu tư lớn với hơn 55.000 tỉ đồng và một thực trạng ngổn ngang với một khu tái định cư vừa xây xong nhưng không biết làm gì. Mặt khác, cho đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được con số gần 250 tỉ đồng mà tỉnh Quảng Trị đã bỏ ra ai sẽ chịu. Dù rằng về lý thuyết, EGATi là đơn vị sẽ chi trả cho số tiền này.
Gần 250 tỉ đồng đối với một tỉnh nghèo có tổng thu ngân sách trong năm 2023 chỉ hơn 3.399 tỉ đồng như Quảng Trị là cả một gia tài!
Việc EGATi xin chấm dứt dự án và để lại một mớ hậu quả hỗn độn như thế này chẳng khác gì một quả “bom hàng” đối với tỉnh Quảng Trị. Như kiểu những người bán hàng online được người mua đặt hàng với bao hứa hẹn nhưng đến khi giao hàng thì ngơ ngác không thấy ai.
Câu chuyện các địa phương kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư bắt đầu từ gần 30 năm trước. Và với mỗi giai đoạn, các địa phương có một "động lệnh" tương ứng. Với tầm 20 năm trước là “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư. Còn gần đây là “lót ổ” đón “đại bàng”.
Và dù là “thảm đỏ” hay “lót ổ” thì lâu nay vẫn nghe, rủi ro, phần thiệt luôn nằm ở phía các nhà đầu tư do dưới “thảm đỏ” hay trong “ổ” thi thoảng bị rải hay cắm thêm ít đinh sắt.
Nhưng việc EGATi đề nghị chấm dứt dự án Nhiệt điện Quảng Trị cho thấy thêm một khía cạnh khác.
Việc “bom hàng” bây giờ không chỉ là rủi ro thường trực của những cá nhân, tổ chức bán hàng online, mà đã “lây lan” sang chính quyền các địa phương ở lĩnh vực kêu gọi đầu tư.
Các địa phương bây giờ không chỉ đau đầu, thiệt hại không tính hết với vấn nạn dự án treo, dự án “chạy”, dự án chiếm đất vàng rồi để đó mà còn có cả dự án “bom”.
Nên một mặt, chính quyền các địa phương, phải liên tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo dưới “thảm đỏ” hay trong “ổ” đón “đại bàng” không bao giờ có “đinh”.
Một mặt, cũng đã đến lúc nghĩ đến các “giải pháp bảo vệ” hữu hiệu để phòng tránh việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước “bom hàng” với bất kỳ lý do gì!