Vay ngân hàng hơn 8,5 tỉ đồng mà chỉ cần 985 triệu đồng không có nguồn nào đảm bảo khả năng trả nợ, đã có thể bị tuyên đến 17 năm tù.
Sai lầm quá ngớ ngẩn. Đến độ “một sinh viên năm thứ nhất trường luật cũng có thể nhận ra”.
Nhưng chính sự ngớ ngẩn của sai lầm lại đang cho thấy đây không chỉ là sự ấu trĩ, kém-thiếu-yếu của các cơ quan tư pháp. Nó đang chỉ ra điểm yếu chí tử của hệ thống pháp luật là ngay cả một hành vi dân sự thuần túy và giản đơn, hoàn toàn có thể bị hình sự hóa với sự “thống nhất” của đến 3 cơ quan tư pháp, về nguyên tắc là phải độc lập. Và hơn cả, là một ông giám đốc không biết điều hoàn toàn có thể trở thành một tù nhân, nguyên do nhiều khi chỉ vì “nhìn thấy ghét”.
Tình trạng hình sự hóa kinh tế, nói như nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, vẫn còn là một rào cản đối với đổi mới sáng tạo cũng như làm nản lòng doanh nghiệp.
Một doanh nhân - tù nhân bất đắc dĩ như ông Phi, hay một chủ quán “Xin Chào” tiềm năng như chúng ta, hôm qua có lẽ đã rất vui mừng khi Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ bàn bạc, thảo luận với thái độ kiên quyết, dứt khoát nói không với “hình sự hóa quan hệ kinh tế”.
Còn nhớ trong lời cam kết trước cộng đồng doanh nghiệp hôm 29.4, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nhanh chóng sớm tháo gỡ mọi rào cản kinh doanh mà “tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.
Còn hôm qua, là 5 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể từ cải cách thủ tục hành chính; tạo dựng môi trường; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.
Một lời cam kết và còn hơn cả một lời cam kết. Một tín hiệu tốt lành cho không chỉ những Lương Ngọc Phi.
Nhưng để có thể thực sự chấm dứt những án oan, thực sự chấm dứt tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế vẫn phải quay trở lại từ những vụ án oan.
Không có cái lý nào mà một vụ án oan cứ kéo dài hàng chục năm với cò kè mặc cả từng xu tiền bồi thường. Càng không có cái lý nào mà những người làm sai coi nó như thể chuyện của người khác.