Lâm, năm nay 8 tuổi. Cực kỳ nghiệt ngã, đã lần thứ hai mồ côi mẹ.
Lần thứ nhất, mẹ ruột mất vì bệnh ung thư khi Lâm mới lên 13 tháng tuổi. 3 chị em, từ đó ở với dì, người Lâm gọi là “má Hai”, người tần tảo bưng bê, buôn bán ngoài chợ dành dụm từng xu từng hào, người đã quyết “không nghĩ đến tình cảm riêng tư nữa” vì “thương mấy đứa nhỏ”.
Rồi đợt dịch ập tới, má Hai nhiễm COVID và ra đi sau chỉ 10 ngày.
Với một cậu bé 8 tuổi: COVID đơn giản là “má Hai con đã chết rồi”.
Di ảnh 2 người “má” trên một ban thờ. Điều đó thật sự quá sức chịu đựng với một đứa trẻ 8 tuổi.
Ký ức đại dịch, đôi khi những vệt đen hằn sâu trong tâm hồn khi mà những mất mát rất khó để nguôi ngoai.
23.476 đồng bào đã mất vì COVID tính đến hôm nay. Hầu hết ra đi trong cô đơn, hầu hết đã không thể ở bên người thân trong những giờ phút cuối...
“Sinh mệnh con người là điều đáng quý giá nhất. Cho nên, chẳng có gì bù đắp được sự mất mát quá lớn này”- Lời ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; trước thực tế “hàng chục ngàn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình”.
Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, thật sự khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống khó lòng khỏa lấp nổi.
Hôm nay, đại lễ tưởng niệm những đồng bào đã mất vì dịch bệnh sẽ diễn ra.
Có một điều chắc chắn là chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, không thể trả lại má cho những đứa trẻ mồ côi như Lâm. Nhưng, cũng chắc chắn là chúng ta có thể dần hàn gắn những khoảng trống, có thể sẽ dẫn chữa lành những vết thương đại dịch.
Một nén tâm nhang thắp lên, một hồi còi, một phút mặc niệm… điều đó dành cho những đồng bào đã mất, và cho cả những người còn ở lại.
Nó nhắc nhở chúng ta rằng dịch bệnh- vẫn đang tiếp diễn khó lường - không loại trừ ai cả. Nó đặt vấn đề trách nhiệm là còn rất nhiều những tan tác, đổ vỡ, đứt gãy cần được khôi phục, rất nhiều khoảng trống cần san lấp, rất nhiều vết thương cần được chữa lành. Và cả những số phận, như những đứa trẻ mồ côi, cả những đau thương, mất mát vì đại dịch dần được yêu thương, chia sẻ.