Người dân thành phố Hải phòng được hưởng chính sách hỗ trợ này, không chỉ là quyền lợi mà còn là sự tự hào khi sống trong thành phố được chính quyền chăm lo như vậy.
Còn nữa, người nghèo của thành phố Hải Phòng cũng được chính quyền chăm lo, giai đoạn 2020 - 2025, hộ nghèo xây nhà mới được vay 35 triệu đồng, sửa chữa được vay 20 triệu đồng. Thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay trong vòng 15 năm và hỗ trợ thêm ximăng, gạch. Hải Phòng cũng chính thức nâng mức hỗ trợ xã hội lên 380.000 đồng/người/tháng, gấp 1,4 lần chuẩn của Chính phủ.
Thành phố Hải Phòng đã làm cho cả nước ngỡ ngàng. Các tỉnh nghèo có thể chưa dám nghĩ tới, nhưng người dân những thành phố “giàu” sẽ tự đặt câu hỏi tại sao Hải Phòng làm được mà thành phố mình không làm được. Câu trả lời dành cho lãnh đạo các địa phương.
Mở rộng cái nhìn ra thế giới, nhiều nước giàu miễn học phí cho học sinh từ tiểu học đến trung học. Ngay cả nước nghèo, nhưng quyết tâm đầu tư cho giáo dục, họ cũng sẵn sàng miễn học phí, cụ thể là Bhutan.
Câu hỏi đặt ra là tiền đâu để làm những việc như Hải Phòng?
Chắc chắn với chính sách như vậy, không thể dựa vào các nguồn tài trợ như các chương trình nhất thời, mà cần phải có nguồn ngân sách ổn định của địa phương. Chi tiêu như thế nào để phù hợp, đúng pháp luật ngân sách đương nhiên địa phương đã tính toán kỹ lưỡng. Có điều lo cho dân, cụ thể ở đây là nhà ở cho người nghèo và việc học cho thế hệ tương lai, thì đồng bạc nào chi ra cũng xứng đáng.
Xin thưa rằng, bỏ tiền ra trả học phí cho học sinh không phải là hỗ trợ ngày hôm nay mà là đầu tư cho tương lai. Ai cũng được đi học, được thụ hưởng chính sách giáo dục tốt, không bị bỏ lại phía sau thì nhiều người được học hành, xã hội sẽ thay đổi khi giáo dục được đề cao và đi vào đời sống một cách có hiệu quả.
Xây dựng phù điêu trăm tỉ, tượng đài, quảng trường nghìn tỉ, có thể cần nhưng không phải trong lúc này. Hãy dành những đồng tiền đó lo việc học cho con em của mỗi địa phương, đó là xây dựng tượng đài quốc gia dài lâu và bền vững.