Chứng chỉ đấu thầu, chứng chỉ quản lý dự án, không cần học, không cần thi, chỉ cần nộp tiền là sẽ được cấp, thậm chí việc cấp chứng chỉ “siêu tốc” đến nỗi, chỉ sau vài tiếng đồng hồ sẽ có người mang đến tận nhà.
Một công ty được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu, quản lý dự án cho các cá nhân hoạt động ngành nghề mà theo quy định pháp luật… phải có chứng chỉ hành nghề, đã cho thấy sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Đồng thời nó cũng chỉ ra rất nhiều những bất cập khác trong công tác đấu thầu, quản lý dự án hiện nay…, thậm chí nó còn đi ngược với tiến trình cải cách thủ tục hành chính mà chúng ta đang thực hiện.
Không những vậy, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức đào tạo, cấp (thực tế là mua – bán) chứng chỉ còn được ưu đãi với mức thuế 0 đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước thất thu một khoản lớn, trong khi nhóm lợi ích sẽ được trục lợi từ những việc làm bất chính của mình.
Một kiến trúc sư nổi tiếng khi đọc những bài viết trên Báo Lao Động đã phải thốt lên: Chứng chỉ nhũng nhiễu quá!
Khi một sinh viên học ngành xây dựng, kiến trúc ra trường, muốn hồ sơ “đẹp” thì cần phải có các loại chứng chỉ liên quan, thậm chí không có chứng chỉ còn bị “đánh tạch”. Điều đó không phản ánh khách quan năng lực thực tế của họ, nhất là trong thời buổi chứng chỉ được mua bán công khai như hiện nay.
Bên cạnh đó, các môn học liên quan đều có trong chương trình học đại học, một loại chứng chỉ có giá từ 800 nghìn đến cả triệu đồng chỉ học trong vài giờ đồng hồ, học viên không tiếp thu được kiến thức gì, và muốn là mua được cả mớ thì liệu rằng chất lượng nguồn nhân lực đấu thầu, xây dựng có đảm bảo (!?).
Và câu hỏi đặt ra, chứng chỉ đấu thầu, chứng chỉ quản lý dự án hiện đang được cấp tràn lan có thực sự đem lại kiến thức cho người học, đem lại chất lượng cho hoạt động đấu thầu, quản lý dự án hay chỉ là bức bình phong để các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng kiếm tiền bất chính?
Theo khẳng định của Cục Quản lý Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc mua bán chứng chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, còn người sử dụng chứng chỉ đó tham gia vào hoạt động đấu thầu là hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả...
Thế nhưng, hàng trăm, hàng nghìn cá nhân sử dụng chứng chỉ giả (Cục Quản Đấu thầu - PV) tham gia đấu thầu, tham gia dự án thì gói thầu đó, dự án đó có đúng pháp luật.
Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần vào cuộc, đừng để chứng chỉ “ma” lại vẫn tham gia dự án thật!