Nhưng điều đáng nói là những quyết định “gỡ rào” này được thực hiện đúng vào ngày 15.3, thời hạn mà Chính phủ “mở cửa du lịch”.
Cũng trong ngày 15.3, Bộ Y tế phát hành công văn “khẩn”, gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành; đồng thời xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Điểm đáng chú ý là công văn này đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản qua thư điện tử trước 17h cùng ngày để tổng hợp ban hành sớm theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Một cú nước rút giờ chót đúng nghĩa.
Câu chuyện “COVID-19 lây theo giờ” đã được nói như một cách bày tỏ thái độ khi Hà Nội quy định hàng quán phải đóng cửa sau 21h hàng ngày (dân vẫn gọi là lệnh cấm quán).
Cái lệnh cấm quán ấy, duy trì suốt 4 tháng qua.
Và ngay cả khi tiếng là “gỡ bỏ”, nhưng lại xảy ra chuyện nhà hàng, quán ăn thì mở, đám cưới, đám ma thì lại “hạn chế tập trung đông người vào một thời điểm”. Rạp phim ok trong khi vũ trường, karaoke, massage, quán bar... thì “cứ đợi đấy”.
Có cảm giác nếu không có thời hạn tối hậu thư “ngày N” 15.3 từ Chính phủ... cũng chẳng biết nó có được gỡ bỏ hay không.
Bộ Y tế nữa, nói đến cú nước rút giờ chót hôm qua (15.3), không thể không nhắc lại là từ ngày 16.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã “đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15.3.2022”.
Thậm chí đến sáng qua, đến thời hạn mở cửa rồi, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - trong một bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam vẫn “mong Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể để ngành Du lịch có thể áp dụng khi mở cửa trở lại”.
Từ sau Nghị quyết 128, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã không ít lần tái khẳng định sự kiên định với việc “mở cửa”.
Nhưng việc các địa phương lúng túng trong việc đóng/mở các hoạt động kinh tế xã hội, những cú “mở he hé giờ chót” cho thấy cái rõ nhất chỉ là sự thụ động... đến mức phải cầm tay chỉ việc, thậm chí thúc ép thì mới làm.
Cho nên, việc miễn cưỡng he hé cánh cửa ấy có khi là vì sợ bung, sợ toang, sợ trách nhiệm... hơn là vì những người dân, doanh nghiệp “sắp đi ăn xin rồi”.
Sắp đi ăn xin rồi - lời kêu cứu của một chủ quán games - cũng hôm qua, sau khi triền miên đóng cửa chưa hề thấy ánh sáng cuối đường hầm.