Trên đường Trường Chinh, Hà Nội có hai quán phở: Một, của bà Sự bên ni và một, của chị Hà, bên nớ. Quán phở bà Sự bên ni, thuộc địa giới Quận Đống Đa, còn quán chị Hà, bên nớ, thì thuộc Thanh Xuân.
Bữa trước, khi Đống Đa “lên cam”, từ cả trăm bát mỗi ngày bà Sự chỉ bán được nhõn đôi chục bát “bán mang về”. Ngồi ngáp cả ngày. Không ai người ta mua phở mang về khi mà có thể ăn ngay bên nớ với xì xụp đầm ấm vui vẻ nhộn nhàng tấp nập.
Bữa sau đến lượt chị Hà lại chống cằm nhìn sang. Nguyên do Thanh Xuân lại lên cam trong khi Đống Đa, bên kia đường “xuống vàng”. Thế tuần sau sao? Thì chưa biết.
Thủ đô, cứ mỗi tuần lại xác định cấp độ dịch một lần. Và cũng như cái rào tôn ngăn đôi một con đường vì thuộc hai phường khác nhau, chính sách “đổi màu” như thể con virus mặc nhiên phải phân biệt địa giới hành chính để từ bên ni không “xuyên qua” bên nớ vậy.
Phải nói, từ sau Nghị quyết 128, sự máy móc vẫn rất trầm kha trong các quy định nhân danh chống dịch ở các địa phương.
Hải Dương, cách Hà Nội 60km là một ví dụ.
Sau đợt nghỉ Tết dương lịch, TP Hải Dương có văn bản điều chỉnh, quy định người dân muốn ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, quán ăn phải test nhanh hoặc trình kết quả xét nghiệm PCR.
Rồi đến 11.1, quy định này được sửa. Nhưng quy định mới thậm chí còn rối não hơn: Đi ăn cưới cũng phải có kết quả test.
Rồi lái xe đi/về từ tỉnh ngoài phải có kết quả âm tính mới được vào một cái chợ như chợ Gia Xuyên, chợ Hội Đô.
Ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), dân từ ngoại tỉnh về quê ăn Tết liền “được” cán bộ xã thay ổ khóa mới, dán biển cảnh báo để buộc phải cách ly tại nhà 7 ngày. Kể cả là về từ vùng xanh, kể cả đã tiêm đủ hai mũi vaccine, kể cả đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Còn Hải Phòng, “linh hoạt” tự nâng mình lên thành vùng đỏ. Rồi 4 ngày sau, cũng lại tự “linh hoạt” hạ xuống thành vùng 3.
Hãy nhìn TP HCM. Ngay cả các dịch vụ vốn được xem là “nhạy cảm” karaoke, massage, spa, quán bar đã được mở lại. Bởi đó không chỉ là bình thường mới. Đó là sinh kế, là việc làm của dân, vốn đã trải qua cả năm khốn khổ.
Hình như Nghị quyết 128 nơi thì có thể rành mạch đọc hiểu bằng tiếng Việt, nhưng có nơi thì cần phải "giải nghĩa" vậy.