Thông tư mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa được ban hành tối qua 21.3 và có hiệu lực ngay từ 0h ngày 22.3 đã chính thức miễn đăng kiểm lần đầu có điều kiện đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ (không kinh doanh vận tải). Thời gian chu kỳ đầu tiên cũng được kéo dài từ 30 lên 36 tháng.
Đối với xe thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm): Chu kỳ là 12 tháng.
Xe có thời gian sản xuất trên 20 năm: Chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.
Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
"Sự biến" kiểm định vừa qua (và chưa dừng lại) với gần 500 kiểm định viên vi phạm pháp luật đã làm bộc lộ ra quá nhiều những bất cập trong quy định pháp luật về kiểm định.
Chẳng hạn một chiếc xe 20 năm sử dụng ở Việt Nam đang phải chịu tới 36 lần kiểm định, gấp 4 lần ở Nhật, ở Hàn, ở EU. Hoặc chẳng hạn một chiếc xe mới tinh, đảm bảo các tiêu chuẩn Âu, Mỹ, vẫn phải trải qua kiểm định mới được phép lăn bánh.
Thông tư của Bộ GTVT, vì thế, không chỉ có tính chất cởi trói cho sự ùn ứ ách tắc kiểm định hiện đang diễn ra, mà còn tiết kiệm rất nhiều tiền bạc, thời gian, chi phí cơ hội cho người dân lẫn doanh nghiệp.
Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết: Trong việc soạn thảo Thông tư sửa đổi, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, của các chuyên gia.
Có một chi tiết hay là Thông tư “cởi trói” này được Bộ GTVT làm gấp chỉ trên dưới 1 tháng. Được ban hành theo thủ tục rút gọn. Được gửi tới các trạm đăng kiểm ngay trong đêm. Và có hiệu lực ngay lập tức.
Có thể, Thông tư chưa sửa đổi ngay hết được những bất cập trong công tác đăng kiểm, nhưng việc ban hành Thông tư này rất đáng để ghi nhận ở thái độ cầu thị, ở tinh thần gỡ khó mà người được lợi chính là người dân chứ không phải cơ quan đăng kiểm hay Bộ GTVT.