Những kẻ tham nhũng cất giấu được tài sản chờ ngày ra tù để hưởng thụ, hoặc có ngồi tù thì chấp nhận "hy sinh đời bố củng cố đời con".
Theo thông tin tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2022 diễn ra ngày 19.7, riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế (thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo): Tổng số tiền phải thi hành hơn 129.619 tỉ đồng, số đã thi hành xong là hơn 49.838 tỉ đồng, còn phải thi hành hơn 79.781 tỉ đồng.
Xin lưu ý, gần 80.000 tỉ đồng, một con số rất lớn, nếu thu hồi đầy đủ, sẽ khắc phục được một phần thiệt hại do những kẻ tham nhũng phá hoại nền kinh tế của đất nước.
Xin nêu ra thêm một con số để thấy tham nhũng kinh khủng như thế nào, báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỉ đồng.
Như vậy là đã thu hồi được 80.000 tỉ đồng và còn 80.000 tỉ đồng tiếp tục thu.
Và xin lưu ý thêm những con số sau:
Việt Nam dư nợ công đến 31-12-2020 là 3,52 triệu tỉ đồng, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người, có xu hướng tăng qua các năm khi năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người.
Tổng thu ngân sách 5 năm 2016 - 2020 đạt trên 6,9 triệu tỉ đồng, bằng 100,8% kế hoạch. Có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15.000 tỉ đồng, 30 địa phương thu trên 10.000 tỉ đồng và 17 địa phương thu ngân sách dưới 5.000 tỉ đồng.
Làm phép tính đơn giản, với 17 địa phương chỉ thu dưới 5.000 tỉ đồng - cộng lại mới bằng con số tài sản tham nhũng chưa thu hồi được.
Gần đây, có nhiều bị cáo tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả; cơ quan điều tra cũng thực hiện các biện biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản đối với những người có liên quan đến các vụ án tham nhũng. Cách làm này đã thu hồi được tài sản tham nhũng, nhưng cũng cần thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để thu hồi được và thực hiện nhanh.
Thu hồi 80.000 tỉ đồng sẽ trả được một phần nợ công.