Theo đó, mẫu rượu trắng trong chén uống dở của bệnh nhân và phần rượu thừa thu được trên bàn ăn cho thấy, hàm lượng methanol trong mẫu phẩm là 16,7%/V/V, cao gấp hơn 30 lần mức cho phép hiện nay.
Chia sẻ về nguy cơ nhiễm độc methanol, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thực tế, methanol là hóa chất được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm rởm.
"Do lượng hóa chất cồn công nghiệp methanol rất nhiều, được bán với giá rất rẻ nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả (thay vì chứa ethanol, nay lại bị thay bằng methanol) và gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng", bác sĩ Nguyên nói.
Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát.
Theo Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rượu chứa methanol có nguồn gốc chủ yếu từ rượu pha cồn sát khuẩn có methanol hoặc pha hóa chất do các công ty nhập khẩu về Việt Nam cho vào nước để pha thành rượu giá rẻ, bán cho người tiêu dùng.
Trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc methanol tăng lên rất nhiều. Thời điểm cuối năm 2022, hầu như tuần nào cũng có người nhập viện do uống phải độc chất này.
"Do người dân uống phải rượu giả, hoặc cồn sát trùng giả, chúng ta không biết nên cứ bị say như thế. 48h sau khi uống, methanol mới tác dụng lên cơ thể.
Lúc đầu, nó có tác dụng như rượu thông thường, sau đó thì trở thành chất độc và 48h sau đó, mới thực sự tác động gây hủy hoại cơ thể. Lúc đó thì quá muộn rồi, có đến viện, bác sĩ cũng không cứu được. Lúc đó, não tổn thương hết, mắt cũng bị mù, cơ hội sống khá thấp và để lại di chứng rất nặng nề", bác sĩ Nguyên nói.
Theo bác sĩ, tất cả các trường hợp uống rượu đến viện, các bác sĩ đều phải chủ động cảnh giác, nghĩ ngay tới việc kiểm tra, hỏi bệnh, thăm khám, xét nghiệm để có bằng chứng loại trừ việc người bệnh bị ngộ độc cồn methanol.