Nỗ lực của các cấp công đoàn ngành y tế
Việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị khởi tố liên quan đến sự cố chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tạo ra “cơn địa chấn” trong dư luận, nhất là các y, bác sĩ. Ngay sau đó, rất nhiều đơn vị, tổ chức đã có văn bản gửi cơ quan điều tra, thể hiện quyết định đó không thuyết phục.
Ít ngày sau, cơ quan chức năng đã ban bố quyết định tạm giam bác sĩ này để phục vụ công tác điều tra. Lần thứ hai, làn sóng ủng hộ việc cho bác sĩ Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn – tại ngoại tiếp tục lan rộng. Bởi theo những người đã biết đến bác sĩ này, với nhiều năm công tác xuất sắc, luôn ân cần chăm sóc các bệnh nhân và ngay khi xảy ra sự cố, đã hết mình cứu chữa cho những người bệnh còn lại, việc tạm giam bác sĩ này là không cần thiết.
Tuy vậy, ai, đơn vị, tổ chức nào đã đứng ra làm đơn xin bảo lãnh cho bác sĩ Lương tại ngoại, và lý do nhận được sự chấp thuận của cơ quan tố tụng không phải nhiều người đã biết.
Hôm qua (6.7), trong buổi làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, bà Trần Thị Bích Hằng – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho hay, bà đã đại diện cho Công đoàn Y tế Việt Nam làm đơn đề xuất. Cụ thể, ngay khi hay tin bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt giam, bà Hằng đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Hoà Bình đứng ra bảo lãnh cho bác sĩ Lương được tại ngoại.
Bà Hằng chia sẻ: “Sự cố y khoa hoàn toàn không ai mong muốn. Hơn nữa, dù ở trình độ y học tiên tiến trên thế giới vẫn khó tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp. Sau tình huống đáng tiếc ở bệnh viện, Công đoàn Y tế Việt Nam rất trăn trở, dành nhiều thời gian để luận bàn về các sự cố trong y khoa”.
Chính vì hiểu rõ tâm tư cũng như công việc của người thầy thuốc, vị Chủ tịch công đoàn ngành y tế đã không ngần ngại đề xuất một giải pháp được dư luận hết sức quan tâm. “Việc cơ quan chức năng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Lương chính là đã đáp ứng được sự mong mỏi của y, bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân người bệnh ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình” – bà Hằng nói.
Cơ quan tố tụng đã có cái nhìn khác...
Bác sĩ Lương đã được tại ngoại. Tuy vậy, vì sao vị bác sĩ này đã được cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn?
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty luật Dragon, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, bảo lãnh (còn gọi bảo lĩnh – áp dụng trong pháp luật hình sự) là một biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam. Và người được hưởng chế định bảo lãnh này phải đáp ứng các điều kiện hết sức chặt chẽ.
Cụ thể, bảo lãnh phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân bị can, bị cáo. Khi tổ chức đứng ra nhận bảo lãnh, phải có giấy cam đoan, xác nhận của người đứng đầu cơ quan. Trong tình huống cá nhân nhận bảo lãnh, phải có giấy cam đoan, có xác nhận của chính quyền địa phương, hoặc nơi người đó học tập, làm việc...
Cũng theo luật sư Long, việc đứng ra nhận bảo lãnh phải hết sức cân nhắc. Bởi lẽ, theo pháp luật hình sự, tổ chức, cá nhân đứng ra nhận bảo lãnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm; có mặt theo giấy triệu tập (trừ trường hợp bất khả kháng do trở ngại khách quan); không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu huỷ, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan.
Ngoài ra, khi đứng ra nhận bảo lãnh, tổ chức, cá nhân còn phải đảm bảo người được bảo lãnh không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm... và nếu vi phạm, sẽ lập tức bị tạm giam.
Với quy định hết sức chặt chẽ này, luật sư Long khẳng định: Như vậy, các cá nhân, tổ chức đứng ra bảo lãnh cho bác sĩ Hoàng Công Lương đã phải tìm hiểu rất kỹ về người mình bảo lãnh, biết rõ vị bác sĩ này xứng đáng được thay đổi biện pháp ngăn chặn và tất nhiên, cũng không phải vô cớ bác sĩ Lương đã được chấp thuận cho tại ngoại.
“Vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bị can rồi tạm giam sau khi được cơ quan kiểm sát phê chuẩn. Tuy nhiên, không lâu sau, cụ thể vào ngày 5.7, Viện KSND tỉnh Hòa Bình đã thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Lương. Điều này cho thấy, đã có sự chuyển biến đáng kể trong quá trình điều tra và cái nhìn khác đi của cơ quan tố tụng đối với bác sĩ này, bởi ngay trong quyết định của mình, cơ quan kiểm sát đã khẳng định: “Không cần thiết phải tạm giam” – luật sư Long nhận định.