Mẹ bé Hoàng Dương (4 tháng tuổi- Bắc Ninh) rơm rớm nước mắt, khi chứng kiến đứa con bé bỏng của mình phải khổ sở với những cơn sốt, khó thở. Sau 2 ngày sốt cao đến 40 độ C, gia đình tức tốc đưa bé vào viện. "Ở nhà, cháu sốt cao, cháu uống hạ sốt thì đỡ nhưng sau đó lại chuyển sang ho, khò khè, khó thở. Chúng tôi sốt ruột quá, nếu cứ để cháu ở nhà chữa thì không biết nguy hiểm như thế nào"- mẹ bé chia sẻ.
Cháu Dương được các bác sĩ chẩn đoán mắc viêm đường hô hấp dưới. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé nhiễm cúm A.
Cháu Minh Anh (6 tuổi, Hà Nội) đang khỏe mạnh, đi học bình thường. Một buổi trưa đi học về, cháu Khôi bỗng nhiên lên cơn sốt cao 39- 40 độ. Gia đình cho con uống thuốc hạ sốt nhưng cháu đáp ứng kém, chỉ giảm sốt một lúc rồi sốt lại.
Sau một ngày, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Nhận thấy cháu tình trạng trẻ sốt cao, khó thở nên các bác sĩ đã yêu cầu nhập viện với chẩn đoán viêm phế quản. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính với virus cúm A. Đến nay, cháu Khôi đã nằm viện gần 1 tuần.
Dương và Khôi chỉ là 2 trong số hàng trăm cháu bé đang phải vật lộn chống chọi với thời tiết giao mùa đông –xuân, với đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi là thời kỳ các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, đây cũng là giai đoạn các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác vì bệnh cúm đang “vào mùa”.
1 tháng 500 phải bệnh nhi điều trị nội trú vì cúmTheo thống kê của Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau. Riêng tháng 11.2019, đã có gần 500 bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú vì mắc cúm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm-Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết: Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.
"Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong"- bác sĩ Lâm chia sẻ.
Khuyến cáo cách ly
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng cúm. Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Ngoài ra, các gia đình cần chú ý đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng…