Ca bệnh SXH tăng chóng mặt
TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TƯ- cho biết, bệnh SXH không mới nhưng nhiều người chủ quan, thậm chí việc chẩn đoán còn nhẫm lần với bệnh khác. BV từng chứng kiến nhiều trường hợp ngày thứ 3 mới vào viện, khi vào tươi tỉnh, nói chuyện bình thường nhưng 3 tiếng sau đã tử vong do xuất huyết não.
Trước đó, bệnh nhân nằm điều trị tại một BV, được chẩn đoán SXH, chụp CT phát hiện trong não có các ổ xuất huyết lớn, toàn bộ gan bị phá huỷ. Bệnh nhân được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới sáng 12.7 và tử vong sau đó 2 ngày. Nam bệnh nhân này có tiền sử bị đái tháo đường và tăng huyết áp đã nhiều năm nay.
TS Kính cảnh báo, 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân đến BV Bệnh Nhiệt đới TƯ khám vì SXH tăng nhanh với 200 người mỗi ngày. Tỷ lệ nhập viện lên đến 10-20%. Dịch SXH tại Hà Nội đang rất căng thẳng- một tuần ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh. BV phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH.
Tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, tình trạng quá tải bệnh nhân SXH cũng diễn ra. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng đột biến, lên 199 bệnh nhân SXH (tính từ đầu năm 2017 đến ngày 19.7). Chỉ riêng từ đầu tháng 7 đến ngày 18.7, có 90 ca SXH.
Theo TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, hiện nay SXH diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh. Nhiều bệnh nhi, kể cả người già trên 85 tuổi, các bà bầu đều nhập viện với số lượng lớn. Có gia đình có 3, 4 người cùng nhập viện. Hiện, Khoa Truyền nhiễm đang tập trung 2/3 số giường bệnh của khoa dành cho bệnh nhân mắc SXH nhưng các bệnh nhân vẫn phải nằm ghép ba bệnh nhân/giường.
Sai lầm điều trị hậu quả khôn lường
TS.BS Cường lo lắng, trong số các bệnh nhân tới điều trị, có ca bệnh chẩn đoán sai bệnh, điều trị bằng corticoid (có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, giảm đau và ức chế miễn dịch...) khiến quá trình điều trị SXH khó khăn hơn. Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho bệnh nhân nữ, sinh năm 1963, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội mắc SXH đã chẩn đoán nhầm bệnh và sử dụng thuốc chứa corticoid. Do sử dụng không đúng thuốc nên quá trình điều trị kéo dài. Trong trường hợp không phát hiện kịp thời, chẩn đoán đúng bệnh, nguy cơ dễ dẫn đến nguy hiểm tới sức khoẻ, thậm chí bệnh không khỏi.
Để người dân biết cách phòng chống bệnh SXH, TS Cường khuyến cáo: Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi, nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
“Khi xuất hiện các triệu chứng như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn, xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng; đau bụng, nôn… người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế. Biện pháp phòng chống bệnh SXH tốt nhất hiện nay là diệt bọ gậy, loăng quăng... và không để muỗi đốt”, TS Cường cho hay.
Liên quan đến việc phun thuốc diệt muỗi, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên tự ý mua hóa chất về phun hoặc thuê người đến nhà phun hóa chất diệt muỗi. Việc này có thể hại sức khoẻ, không đúng quy trình, liều lượng sẽ không diệt được muỗi.
Bộ Y tế cảnh báo, đã xuất hiện trường hợp giả danh cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ hay Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương đi phun thuốc diệt muỗi SXH và thu tiền nhưng chất lượng kém. Bộ Y tế khẳng định: Việc phun thuốc diệt muỗi phòng SXH của các đội y tế dự phòng hoàn toàn miễn phí.